trang 109
BÀI 24: QUÊ NGOẠI
ĐỌC
Khi nghĩ về quê nội hoặc quê ngoại của mình, em thường nhớ tới điều
gì? Chia sẻ với các bạn một vài kỉ niệm của em về nơi đó.
.
QUÊ NGOẠI
Làng Chùa là quê ngoại của Ki-a. Ki-a không bao giờ hình dung ra quê
ngoại như vậy. Những ngôi nhà nhỏ bình yên, cánh đồng lúa rộng lớn, dòng
sông Đáy dài vô tận, những ao hồ nở đầy hoa sen. Có một điều Ki-a không
thể nào quên là ai ở đó cũng tươi cười và yêu quý em.
Mẹ của Ki-a kể khi mẹ còn nhỏ, cứ vào dịp nghỉ hè là mẹ lại được ông
ngoại đưa ra đê thả diều, lấy lá dứa dại làm những chiếc chong chóng và
những chiếc kèn thổi vang trên mặt đê trong những chiều mùa hạ.
Sau chuyến thăm quê ngoại trở về nước Mỹ, Ki-a cảm thấy mình thật
giàu có vì có thêm một quê hương. Em kể cho các bạn biết mình vừa có
một chuyến đi rất xa để đến một ngôi làng ở Việt Nam. Ngôi làng đó là quê
ngoại của em đấy.
trang 110
Thi thoảng trong giấc ngủ, Ki-a lại mơ thấy mình đang ở quê ngoại. Tỉnh
giấc, Ki-a chỉ muốn ngủ tiếp để lại nhìn thấy quê ngoại trong giấc mơ, được
gặp những người làng Chùa, được ngắm cánh đồng, dòng sông và dãy núi
tím xa. Thế mà có lúc thấy Ki-a tỉnh giấc trong đêm, mẹ không biết em vừa
mơ về quê ngoại, lại bảo: “Cún con ngủ đi chứ!’’. Những lúc như thế, Ki-a tự
hỏi: “Mẹ có mơ về quê ngoại như mình không nhỉ?”. Và chỉ vừa đặt câu hỏi
trong đầu thì Ki-a đã ngủ thiếp đi cho tới tận sáng hôm sau.
(Theo Nguyễn Quang Thiều)
Từ ngữ
Vô tận: tưởng như không bao giờ hết được.
1. Ki-a sống ở đâu và quê ngoại của Ki-a ở đâu?
2. Những hình ảnh nào trong bài cho thấy quê ngoại của Ki-a rất đẹp?
3. Ki-a được mẹ kể cho nghe những kỉ niệm nào về tuổi thơ ở làng Chùa?
4. Ki-a thường mơ thấy những gì về quê ngoại? Những giấc mơ đó nói lên
điều gì về tình cảm của Ki-a với quê hương?
5. Câu chuyện “Quê ngoại” gợi cho em cảm nghĩ gì về tình cảm của mỗi
người đối với quê hương?
1. Tìm từ có nghĩa trái ngược với mỗi từ dưới đây:
xa xôi; rộng lớn; bình yên
2. Viết 2 – 3 câu về quê hương, trong đó có sử dụng một cặp từ có nghĩa trái
ngược nhau.
VIẾT
TRẢ BÀI VĂN MIÊU TẢ CÂY CỐI
1. Nghe thầy cô nhận xét chung.
– Bố cục
– Trình tự miêu tả
– Cách quan sát cây và lựa chọn đặc điểm tả
– Từ ngữ miêu tả, các biện pháp so sánh, nhân hoá
– Diễn đạt, chính tả,…
Trang 111
2. Đọc hoặc nghe đọc những bài của các bạn được thầy cô khen, ghi lại những
điều em muốn học tập.
Mở bài, kết bài hấp dẫn; Cách miêu tả làm nổi bật đặc điểm riêng biệt của cây;
Thể hiện được tình cảm với cây hoặc người trồng cây;
3. Chỉnh sửa.
– Đọc lại bài làm của em và nhận xét của thầy cô; tự sửa các lỗi chính tả,
dùng từ, đặt câu,… (nếu có).
– Viết lại một đoạn cho hay hơn.
ĐỌC MỞ RỘNG
1. Đọc một bài thơ hoặc bài ca dao về quê hương, đất nước.
G:
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn,
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
(Ca dao)
2. Viết phiếu đọc sách theo mẫu.
PHIẾU ĐỌC SÁCH
Tên bài thơ (ca dao); Tác giả; Ngày đọc; Nội dung chính của bài thơ (ca dao); Ý nghĩa của bài thơ (ca dao); Hình ảnh yêu thích; Mức độ yêu thích
3. Chia sẻ với bạn những điều em thích trong bài thơ, bài ca dao về quê hương,
đất nước em đã đọc.
Trao đổi với người thân để có thêm hiểu biết về quê nội và quê ngoại
của em.