ĐỌC
Hãy kể những điều em biết về ông Bụt trong những truyện cổ tích mà em đã đọc.
ÔNG BỤT ĐÃ ĐẾN
Quán cà phê nhà Mai thuê nằm dựa lưng vào bức tường căn nhà hai tầng màu hồng nhạt rất đẹp của một nhạc sĩ. Nhà không có hàng rào, chỉ có mấy chậu hoa đặt trên bậc thềm. Mai thích máy chậu hoa ấy lắm. Mỗi sáng ra quán giúp mẹ, cô bé vẫn ngắm nghía mãi. Ngoài việc xem cây có con sâu nào hay không, Mai còn hồi hộp chờ hoa nở. Và sáng nay, một nhành lan đã bung xoè rung rinh trong nắng sớm, mời gọi đàn bướm dập dìu xung quanh. Mai sững người khi thấy cảnh tượng ấy.
Mai liền sà tới khóm lan, đưa tay nâng niu nhành hoa. Cô bé ve vuốt mãi những cánh hoa, thân hoa. Bỗng chỉ một chút sơ ý, cành hoa bị gãy. Trống ngực cô đập dồn khi nghe tiếng mẹ thảng thốt:
- Mai! Sao con ngắt hoa?
- Mẹ ơi, con không ngắt. Con chỉ sơ ý thôi...
Cô bé oà khóc. Người mẹ thở dài:
- Con có biết ông chủ nhà rất yêu hoa không? Con qua xin lỗi ông đi.
Mai đứng trước nhà ông nhạc sĩ. Cô bé lầm nhấm cả chục lần câu xin lỗi, mắt vẫn nhoà nước. Mai thoảng nghĩ trong đầu giá có một phép màu để cành hoa liền lại. Rồi cô bé thì thầm: "Ông Bụt ơi, cứu con!". Cô rụt rè đưa tay gõ nhẹ cánh cửa. Nhưng cửa không mở. Hôm sau, Mai vô cùng ngạc nhiên và sung sướng khi nhìn thấy chậu lan. Vẫn là một nhành hoa tím biếc bung nở tuyệt đẹp.
“Mẹ ơi, ông Bụt đã cứu con.” – Mai kêu lên khe khẽ.
Tiếng dương cầm ngân vang từ căn gác nhỏ. Ông nhạc sĩ đang viết nhạc. Giai điệu tươi vui như tiếng cười trong veo của cô bé ngoài kia. Chiều qua, ông đã mua một chậu lan mới thay cho chậu cũ. Vì ông đã tình cờ nhìn thấy những giọt nước mắt và nghe được những lời thì thầm...
(Võ Thu Hương)
1. Những chi tiết nào cho thấy Mai rất yêu hoa?
2. Mai đã sơ ý gây ra chuyện gì?
3. Vì sao ông nhạc sĩ lại mua chậu lan mới thay cho chậu lan cũ?
4. Ai được xem là ông Bụt trong câu chuyện trên? Vì sao?
5. Đoán xem Mai sẽ nói gì với ông nhạc sĩ sau khi biết việc ông đã làm cho mình.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
HAI THÀNH PHẦN CHÍNH CỦA CÂU
1. Tách mỗi câu dưới đây thành hai thành phần.
TT | Câu | Thành phần thứ nhất | Thành phần thứ hai |
1 | M: Ông Bụt đã cứu con. | Ông Bụt | đã cứu con. |
2 | Nắng mùa thu vàng óng. | ? | ? |
3 | Nhành lan ấy rất đẹp. | ? | ? |
4 | Nhạc sĩ là người sáng tác nhạc. | ? | ? |
2. Từ kết quả ở bài tập 1, thực hiện các yêu cầu sau:
a. Xếp thành phần thứ nhất của mỗi câu vào các nhóm:
người
vật
hiện tượng tự nhiên
b. Xếp thành phần thứ hai của mỗi câu vào các nhóm:
hoạt động, trạng thái
đặc điểm
giới thiệu, nhận xét
3. Đặt câu hỏi cho các thành phần câu trong bài tập 1.
M: - Ai đã cứu con?
- Ông Bụt làm gì?
Ghi nhớ
Câu thường gồm 2 thành phần chính: chủ ngữ và vị ngữ.
- Chủ ngữ nêu người, vật, hiện tượng tự nhiên,... được nói đến trong câu. Chủ ngữ trả lời cho câu hỏi ai, cái gì, con gì,...
- Vị ngữ nêu hoạt động, đặc điểm, trạng thái của đối tượng được nói ở chủ ngữ hoặc giới thiệu, nhận xét về đối tượng đó. Vị ngữ trả lời cho câu hỏi làm gì, thế nào, là ai,...
4. Tìm chủ ngữ hoặc vị ngữ thích hợp để hoàn thành câu.
a. Chú chim sơn ca ?.
b. ? chìm vào giấc ngủ say.
c. Vườn hồng ?.
d. ? năm phơi nắng bên thềm.
VIẾT
VIẾT ĐOẠN VĂN NÊU TÌNH CẢM, CẢM XÚC VỀ MỘT NGƯỜI GẦN GŨI, THÂN THIẾT
Đề bài: Viết đoạn văn nêu tình cảm, cảm xúc về một người gần gũi, thân thiết.
1. Dựa vào các ý đã tìm được trong hoạt động Viết ở Bài 2, viết đoạn văn theo yêu cầu của đề bài.
2. Đọc soát và chỉnh sửa.
a. Đọc lại đoạn văn của em để phát hiện lỗi.
Cách sắp xếp ý trong đoạn văn
Cách nêu những cử chỉ, lời nói, suy nghĩ, việc làm,... của người gần gũi, thân thiết khiến em có tình cảm, cảm xúc
Cách chọn từ ngữ, cách viết câu bộc lộ tình cảm, cảm xúc
b. Sửa lỗi trong đoạn văn của em (nếu có).
Kể lại câu chuyện Ông Bụt đã đến cho người thân nghe. Nêu suy nghĩ của em về nhân vật ông nhạc sĩ trong câu chuyện.