Trang 106
Bài 23: ĐƯỜNG ĐI SA PA
ĐỌC
Đọc một số câu thơ, bài ca dao nói về cảnh đẹp của đất nước.
Chia sẻ với bạn nội dung những câu thơ, bài ca dao đó.
ĐƯỜNG ĐI SA PA
Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh.
Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác
bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xoá tựa
mây trời, những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn
lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào
ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng,
chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.
Buổi chiều, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ. Nắng phố huyện vàng hoe.
Những em bé Mông, những em bé Tu Dí, Phù Lá quần áo sặc sỡ đang chơi
đùa trước cửa hàng. Hoàng hôn, áp phiên của phiên chợ thị trấn, người
ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.
Trang 107
Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Thoắt cái, lá vàng
rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa
tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn
với những bông hoa lay ơn màu đen nhung hiếm quý.
Sa Pa quả là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.
(Theo Nguyễn Phan Hách)
Từ ngữ
– Sa Pa: một huyện thuộc tỉnh Lào Cai.
– Rừng cây âm âm: rừng cây rậm rạp, hơi tối và tĩnh mịch.
– Mông, Tu Dí, Phù Lá: tên gọi của ba dân tộc thiểu số sống ở vùng núi cao.
– Áp phiên: hôm trước phiên chợ.
1. Cảnh vật trên đường đi Sa Pa có gì đẹp?
2. Cảnh buổi chiều ở thị trấn nhỏ trên đường đi Sa Pa được miêu tả như
thế nào?
3. Cụm từ “thoắt cái” lặp lại nhiều lần trong đoạn miêu tả cảnh thiên nhiên
ở Sa Pa muốn nhấn mạnh điều gì? Tìm câu trả lời đúng.
A. Bốn mùa xuân hạ thu đông nối tiếp nhau trôi đi rất nhanh.
B. Cảnh vật thiên nhiên và thời tiết ở Sa Pa thay đổi từng ngày.
C. Một ngày ở Sa Pa như trải qua nhiều mùa, tạo cảm giác bất ngờ, thú vị.
D. Một ngày ở Sa Pa rất dài, có đủ bốn mùa.
4. Vì sao tác giả khẳng định: “Sa Pa là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên
dành cho đất nước ta.”?
5. Em thích hình ảnh nào trong bài đọc?
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
LUYỆN TẬP VIẾT TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC
1. Nêu sự khác nhau về cách viết hoa tên người với tên cơ quan, tổ chức dưới đây:
Tên người; Tên cơ quan, tổ chức
Lý Thường Kiệt ; Tổ chức y tế thế giới
Trần Hưng Đạo; Tổ chức Thương mại Thế giới
Chu Văn An; Bộ giáo dục và Đào tạo
Trang 108
2. Nhận xét cách viết hoa tên cơ quan, tổ chức sau:
– Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam
– Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam
– Trung tâm Chiếu phim Quốc gia
3. Trường hợp nào dưới đây viết hoa đúng tên cơ quan, tổ chức?
a. Ban công tác thiếu nhi trung ương Đoàn
Ban Công Tác thiếu nhi Trung ương Đoàn
Ban Công Tác Thiếu nhi Trung Ương Đoàn
Ban Công tác Thiếu nhi Trung ương Đoàn
b. Câu lạc bộ tiếng Anh tiểu học
Câu lạc bộ Tiếng Anh tiểu học
Câu lạc bộ Tiếng Anh Tiểu học
Câu lạc bộ tiếng Anh Tiểu học
4. Viết:
a. Tên tổ chức Đội của trường em.
b. Tên một cơ quan hoặc tổ chức mà em biết.
VIẾT
VIẾT BÀI VĂN MIÊU TẢ CÂY CỐI
Chọn 1 trong 3 đề dưới đây:
Đề 1: Viết bài văn miêu tả một cây ăn quả mà em yêu thích.
Đề 2: Viết bài văn miêu tả một cây ở sân trường đã gắn bó với em và bạn bè.
Đề 3: Viết bài văn miêu tả một cây mà em biết qua phim ảnh, sách báo.
1. Dựa vào dàn ý đã lập trong hoạt động Viết ở Bài 22, viết bài văn theo yêu
cầu của đề bài.
2. Đọc soát và chỉnh sửa.
a. Đọc lại bài của em để phát hiện lỗi
Lỗi sắp xếp ý; Lỗi dùng từ, viết câu; Lỗi chính tả
b. Chỉnh sửa.
Sửa lỗi trực tiếp vào bài hoặc ghi vào sổ tay những lỗi cần sửa.
Trao đổi với người thân về bài văn tả cây em đã viết và xin ý kiến góp ý