I – HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Cần tìm hiểu những hiện tượng đời sống hằng ngày được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những hiện tượng gần gũi đối với thanh niên, học sinh. Từ đó, nắm bắt được dư luận xã hội (đúng đắn hoặc lệch lạc) ; đồng thời giải thích, phân tích, đánh giá các hiện tượng đó để chuẩn bị thiết thực cho bài viết.
2. Xem lại hai bài học (Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí ; Nghị luận về một hiện tượng đời sống) và bài làm văn số 1 nhằm củng cố kiến thức và các kĩ năng làm văn nghị luận xã hội.
II – GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI
1. Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tại nạn giao thông
2. Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.
Anh (chị) hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.
3. Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động “nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”.
III – GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI
Cả ba đề trên đều bàn về một hiện tượng đời sống có ý nghĩa xã hội, liên quan tới trách nhiệm công dân của học sinh. Do đó, người viết cần bộc lộ chân thành và đúng đắn nhận thức, thái độ đối với các hiện tượng xã hội ấy.
Tham khảo những gợi ý thảo luận trong bài Nghị luận về một hiện tượng đời sống và xác định các ý cần thiết cho bài văn. Chẳng hạn :
Đề 1.
– Tai nạn giao thông đang là một quốc nạn, tác động xấu tới nhiều mặt trong cuộc sống.
– Giảm thiểu tai nạn giao thông là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa lớn đối với toàn xã hội. Thanh niên, học sinh cần làm những gì để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông?
Đề 2.
– Những “mái ấm tình thương” đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta có ý nghĩa như thế nào ? Bản thân anh (chị) từng biết (hoặc đã chứng kiến) hiện tượng ấy ở đâu ?
– Đề xuất quan điểm và biện pháp nhân rộng hiện tượng ấy.
Đề 3.
Cần chỉ rõ 2 ý lớn :
– Nói “không” với tiêu cực trong thi cử.
– Nói “không” với bệnh thành tích trong giáo dục.
Trong mỗi ý, cần nêu một số dẫn chứng và lí lẽ cụ thể để bác bỏ những sai lầm và đề xuất những suy nghĩ, hành động đúng,...