I – VĂN BẢN KHOA HỌC VÀ NGÔN NGỮ KHOA HỌC
1. Văn bản khoa học
a) Lịch sử Việt Nam xưa nay là lịch sử của một dân tộc và một đất nước thống nhất. Nếu có sự chia rẽ thì chỉ là thoáng qua, rồi sau đó thống nhất lại ngay. Ngay cả cuộc tranh giành giữa Trịnh và Nguyễn dù có kéo dài một trăm năm mươi năm, chỉ là sự tranh giành chính quyền giữa hai tập đoàn Trịnh, Nguyễn. Nhân danh đất nước thống nhất, nhân danh quyền lực duy nhất của vua Lê, cả hai đều chấp nhận niên hiệu, quan chức, thể chế và chỉ có một nước, một vua chung. Do đó, đặc điểm khu biệt của lịch sử Việt Nam là : Từ khi Ngô Quyền dựng nước năm 938 trở đi, đã là một nước thống nhất và mãi mãi thống nhất.
(Theo Phan Ngọc, Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học,
NXB Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2000)
b) Định nghĩa : Vectơ là một đoạn thẳng có hướng, nghĩa là trong hai điểm mút của đoạn thẳng, đã chỉ rõ điểm nào là điểm đầu, điểm nào là điểm cuối.
H.2. Các vectơ
(Theo Hình học 10 nâng cao, NXB Giáo dục, 2006)
c) Tại Việt Nam, theo điều tra của Viện Dinh dưỡng, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và gần một phần ba số trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp chiều cao theo tuổi (suy dinh dưỡng mãn tính). Trẻ bị suy dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân, nhưng đa số do chế độ ăn hằng ngày không cung cấp đủ năng lượng, do khả năng hấp thu kém hoặc do rối loạn tiêu hoá lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng.
Trẻ ăn nhiều vẫn bị suy dinh dưỡng có thể do lượng thức ăn đưa vào nhiều nhưng không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết hoặc cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng. Hơn nữa, ăn nhiều và thường xuyên một loại thức ăn nào đó khiến cho cơ thể thiếu cơ hội thu nhận các thực phẩm khác dẫn đến thiếu chất và không có sự tăng trưởng toàn diện.
[...] Để giải quyết tình trạng trên và cải thiện khả năng tiêu hoá của trẻ, chúng ta cần bổ sung cho trẻ một số vi khuẩn sống có ích cho đường ruột, một số vitamin, men amilaza,... giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột để tránh sự tăng sinh của các vi khuẩn gây bệnh, đồng thời tăng khả năng tiêu hoá thức ăn nhờ tác dụng của các men vi sinh. [...]
(Theo Lê Thị Hải, Trẻ ăn nhiều vẫn... suy dinh dưỡng,
báo Khoa học và đời sống, số 6 (2064), ngày 12 – 1 – 2008)
Các văn bản trên thuộc văn bản khoa học. Văn bản khoa học gồm ba loại chính :
– Các văn bản khoa học chuyên sâu bao gồm : chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, báo cáo khoa học,... Loại văn bản này thường mang tính chuyên ngành khoa học cao và sâu (ví dụ : Văn bản a), dùng để giao tiếp giữa những người làm công việc nghiên cứu trong các ngành khoa học.
– Các văn bản khoa học giáo khoa bao gồm : giáo trình, sách giáo khoa, thiết kế bài dạy,... về các môn Khoa học Tự nhiên, Khoa học Công nghệ, Khoa học Xã hội và Nhân văn (ví dụ : Văn bản b). Những văn bản này ngoài yêu cầu về khoa học còn có yêu cầu về sư phạm, tức là phải trình bày nội dung từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, phù hợp với trình độ học sinh theo từng cấp, từng lớp ; có định lượng kiến thức từng tiết, từng bài, có phần trình bày kiến thức, có phần thực hành : câu hỏi và bài tập.
– Các văn bản khoa học phổ cập (khoa học đại chúng) bao gồm các bài báo và sách phổ biến khoa học kĩ thuật,... nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho đông đảo bạn đọc, không phân biệt trình độ chuyên môn. Yêu cầu của loại văn bản này là viết dễ hiểu, hấp dẫn. Vì vậy, có thể dùng lối miêu tả, dùng cách ví von so sánh sao cho ai cũng có thể hiểu được để đưa khoa học vào cuộc sống (ví dụ : Văn bản c).
2. Ngôn ngữ khoa học
Ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học, tiêu biểu là trong các văn bản khoa học : Khoa học Tự nhiên (Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học,...), Khoa học Xã hội và Nhân văn (Ngữ văn, Triết học, Tâm lí học, Lịch sử,...), Khoa học Công nghệ (Công nghệ Điện tử, Công nghệ Vi sinh, Công nghệ Thông tin,...).
Ở dạng viết, ngoài việc sử dụng từ ngữ, ngôn ngữ khoa học còn thường dùng các kí hiệu, công thức của các ngành khoa học hay sơ đồ, bảng biểu để tổng kết, so sánh, mô hình hoá nội dung khoa học.
Ở dạng nói, ngôn ngữ khoa học có yêu cầu ở mức độ cao về phát âm chuẩn, về diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ ; người nói thường dựa trên cơ sở một đề cương viết trước.
Dù ở dạng nào, ngôn ngữ khoa học cũng đều có những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ khoa học.
II – ĐẶC TRƯNG CỦA PHONG CÁCH NGÔN NGŨ KHOA HỌC
Phong cách ngôn ngữ khoa học có ba đặc trưng cơ bản : tính khái quát, trừu tượng ; tính lí trí, lôgíc ; tính khách quan, phi cá thể. Các đặc trưng ấy thể hiện ở cách sử dụng từ ngữ và cú pháp, đặc biệt là cách trình bày, lập luận trong một văn bản khoa học.
1. Tính khái quát, trừu tượng
Đặc trưng này biểu hiện không chỉ ở nội dung khoa học mà cả ở các phương tiện ngôn ngữ, trước hết là các thuật ngữ khoa học.
Trong văn bản khoa học có sử dụng một số lượng lớn các thuật ngữ khoa học. Ví dụ : vectơ, đoạn thẳng (Hình học) ; thơ, thơ cũ, thơ mới, thơ tự do,... (Nghiên cứu văn học). Thuật ngữ khoa học là những từ ngữ chứa đựng khái niệm của chuyên ngành khoa học, là công cụ để tư duy khoa học. Các khái niệm khoa học là kết quả của quá trình khái quát hoá và trừu tượng hoá của con người. Vì thế các thuật ngữ biểu hiện chúng cũng mang tính trừu tượng, khái quát cao. Những thuật ngữ đó có thể được xây dựng từ những từ ngữ thông thường, như trong Hình học có : điểm, đường thẳng, đoạn thẳng, góc,... ; cũng có thể được vay mượn từ hệ thống thuật ngữ khoa học tiếng nước ngoài như : ôxi, hiđrô, canxi cacbonat (Hoá học),...
Thuật ngữ thuộc về lớp từ vựng khoa học chuyên ngành, không giống với từ ngữ thông thường được sử dụng khi giao tiếp hằng ngày.
Do đó, khi sử dụng thuật ngữ, cần phải dùng đúng với khái niệm khoa học mà nó biểu hiện. Ví dụ, trong ngôn ngữ hằng ngày, từ nước có thể có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng trong văn bản khoa học ngành Hoá học, nó chỉ được dùng để biểu hiện một khái niệm : hợp chất của hiđrô và ôxi theo công thức H2O.
Tính khái quát, trừu tượng của phong cách ngôn ngữ khoa học còn thể hiện ở kết cấu của văn bản (qua các phần, chương, mục, đoạn). Kết cấu đó phục vụ cho hệ thống các luận điểm khoa học từ lớn đến nhỏ, từ cấp độ cao đến cấp độ thấp, từ khái quát đến cụ thể (hoặc ngược lại). Đặc trưng này liên quan đến đặc trưng thứ hai là tính lí trí, lôgíc.
2. Tính lí trí, lôgíc
Văn bản khoa học mang đặc trưng lí trí, lôgíc cả trong nội dung khoa học, cả ở phương tiện ngôn ngữ. Về mặt phương tiện ngôn ngữ, tính lí trí, lôgíc thể hiện ở việc dùng từ ngữ, nhất là thuật ngữ khoa học như đã nói ở mục 1. Đặc biệt, tính lí trí, lôgíc thể hiện trong câu văn, cấu tạo đoạn văn và văn bản.
a) Từ ngữ trong các văn bản khoa học phần lớn là những từ ngữ thông thường, nhưng chỉ được dùng với một nghĩa. Trong văn bản khoa học, người ta không dùng từ đa nghĩa, không dùng từ theo nghĩa bóng và ít dùng các phép tu từ.
b) Câu văn trong văn bản khoa học là một đơn vị thông tin, đơn vị phán đoán lôgíc. Mỗi câu thường tương đương với một phán đoán lôgíc (mệnh đề lôgíc), nghĩa là được xây dựng từ hai khái niệm khoa học trở lên theo một quan hệ nhất định. Ví dụ :
– Trái Đất là một hành tinh chuyển động quanh Mặt Trời.
– Dao động là chuyển động có giới hạn trong không gian, lặp đi lặp lại nhiều lần quanh một vị trí cân bằng.
Câu văn trong văn bản khoa học yêu cầu chính xác, chặt chẽ, lôgíc. Văn bản khoa học không dùng câu đặc biệt, không dùng các phép tu từ cú pháp, kiểu như : “Và bụi. Và tanh. Và ồn ào. Và hơi người. Và chen chúc...” (Nguyễn Công Hoan). Phép tách câu như vậy chỉ dùng trong văn bản nghệ thuật.
c) Tính lí trí, lôgíc cũng thể hiện ở việc cấu tạo đoạn văn, văn bản. Các câu, các đoạn trong văn bản phải được liên kết chặt chẽ và mạch lạc. Mối liên hệ giữa các câu, các đoạn, các phần phục vụ cho lập luận khoa học. Toàn bộ văn bản khoa học cũng thể hiện một lập luận lôgíc, từ khâu đặt vấn đề, giải quyết vấn đề đến khâu kết luận. Ví dụ :
Trên cơ thể người có những cơ quan thoái hoá, tức là di tích của những cơ quan xưa kia khá phát triển ở động vật có xương sống. Ruột thừa là vết tích ruột tịt đã phát triển ở động vật ăn cỏ. Nếp thịt nhỏ ở khoé mắt là dấu vết mi mắt thứ ba ở bò sát và chim. Mấu lồi ở mép vành tai phía trên của người là di tích đầu nhọn của vành tai thú.
(Sinh học 12, NXB Giáo dục, 2006)
Đoạn văn trên có 4 câu, thể hiện một lập luận chặt chẽ theo kết cấu diễn dịch. Câu thứ nhất trình bày luận điểm, ba câu sau nêu ba luận cứ, mỗi luận cứ là một chứng tích trong hiện thực. Nhờ thế, luận điểm có tính thuyết phục cao.
Tóm lại, đặc trưng tính lí trí, lôgíc của phong cách ngôn ngữ khoa học thể hiện ở tất cả các phương tiện ngôn ngữ : từ ngữ, câu văn, đoạn văn, văn bản.
3. Tính khách quan, phi cá thể
Nét phổ biến của ngôn ngữ khoa học là sử dụng ngôn ngữ khách quan, phi cá thể. Ngôn ngữ trong văn bản khoa học, đặc biệt là văn bản khoa học chuyên sâu, văn bản khoa học giáo khoa, rất hạn chế sử dụng những biểu đạt có tính chất cá nhân. Do vậy, từ ngữ và câu văn trong văn bản khoa học có màu sắc trung hoà, ít biểu lộ sắc thái cảm xúc.
Tính khách quan, phi cá thể trong sử dụng ngôn ngữ là đặc trưng thứ ba của ngôn ngữ khoa học, trái với phong cách ngôn ngữ sinh hoạt và phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, những phong cách ngôn ngữ mang dấu ấn cá thể của người sử dụng.
GHI NHỚ • Văn bản khoa học gồm ba loại chính : các văn bản khoa học chuyên sâu, các văn bản khoa học giáo khoa, các văn bản khoa học phổ cập. • Ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học, tiêu biểu là trong các văn bản khoa học. • Phong cách ngôn ngữ khoa học có ba đặc trưng cơ bản : tính khái quát, trừu tượng ; tính lí trí, lôgíc ; tính khách quan, phi cá thể. Các đặc trưng đó thể hiện ở các phương tiện ngôn ngữ như từ ngữ, câu, đoạn văn, văn bản. |
LUYỆN TẬP
1. Bài Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX (trong Ngữ văn 12, tập một) là một văn bản khoa học. Hãy cho biết :
a) Văn bản đó trình bày những nội dung khoa học gì?
b) Văn bản đó thuộc ngành khoa học nào ?
c) Ngôn ngữ khoa học ở dạng viết của văn bản đó có đặc điểm gì dễ nhận thấy ? (Chú ý hệ thống đề mục từ lớn đến nhỏ, các thuật ngữ khoa học,...)
2. Giải thích và phân biệt thuật ngữ khoa học với từ ngữ thông thường qua các ví dụ sau trong môn Hình học : điểm, đường thẳng, đoạn thẳng, mặt phẳng, góc, đường tròn, góc vuông...
3. Hãy tìm các thuật ngữ khoa học và phân tích tính lí trí, lôgíc của phong cách ngôn ngữ khoa học thể hiện ở đoạn văn sau :
Những phát hiện của các nhà khảo cổ nước ta chứng tỏ Việt Nam xưa kia đã từng là nơi sinh sống của người vượn. Năm 1960 tìm thấy ở núi Đọ (Thiệu Hoá, Thanh Hoá) nhiều hạch đá, mảnh tước, rìu tay có tuổi 40 vạn năm. Cùng năm đó phát hiện ở núi Voi, cách núi Đọ 3 km, một di chỉ xưởng (vừa là nơi cư trú, vừa là nơi chế tạo công cụ) của người vượn, diện tích 16 vạn m. Ở Xuân Lộc (Đồng Nai) cũng đã tìm thấy công cụ đá của người vượn.
(Sinh học 12, Sđd)
4. Hãy viết một đoạn văn thuộc loại văn bản khoa học phổ cập về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường sống (nước, không khí và đất).