SGKVN

Ngữ Văn 12 - Tập Một - Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc | Giáo Dục Việt Nam

Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc - Ngữ Văn 12 - Tập Một . Xem chi tiết nội dung bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Ngữ Văn 12 - Tập Một | Giáo Dục Việt Nam

KẾT QUẢ CẦN ĐẠT

  • Nắm được những ý kiến sâu sắc, có lí có tình của Phạm Văn Đồng về thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu.
  • Từ đó, hiểu đúng đắn, sâu sắc hơn những giá trị lớn lao của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu đối với thời đại bấy giờ và đối với ngày nay, để càng thêm yêu quý con người và tác phẩm của nhà thơ lớn đó.

TIỂU DẪN

PHẠM VĂN ĐỒNG

     Phạm Văn Đồng (1906 - 2000), một nhà cách mạng lớn của nước ta trong thế kỉ XX, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Là người tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng từ khi chưa đầy hai mươi tuổi, ông đã từng bị thực dân Pháp bắt, kết án tù và đày ra Côn Đảo từ năm 1929 đến năm 1936. Đầu những năm 40 của thế kỉ XX, ông cùng một số đồng chí khác được giao nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa cách mạng ở vùng biên giới Việt - Trung. Tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, ông được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng.

     Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Phạm Văn Đồng có nhiều cống hiến to lớn trong việc xây dựng và quản lí nhà nước Việt Nam. Ông là Trưởng phái đoàn Chính phủ Việt Nam dự các hội nghị có ý nghĩa lịch sử như Hội nghị Phông-te-nơ-blô (1946), Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương (1954). Ông từng đảm nhiệm các cương vị : Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng, rồi Thủ tướng (1955 - 1981), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1981 - 1987). Ông là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam (1951 - 1986).

     Phạm Văn Đồng còn là một nhà giáo dục tâm huyết và một nhà lí luận văn hóa văn nghệ lớn. Trong vai trò của một người lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ông luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến mặt trận văn hóa văn nghệ ở nước ta. Không chỉ đưa ra những ý kiến có ý nghĩa chỉ đạo đường lối phát triển của nền văn học nghệ thuật mới, Phạm Văn Đồng còn có nhiều bài nói, bài viết sâu sắc, mới mẻ, đầy hào hứng về tiếng Việt và về các danh nhân văn hóa Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh,...

     Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc của ông được viết nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (3 - 7 - 1888).

VĂN BẢN

     Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, một nhà thơ lớn của nước ta, đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa trong bầu trời văn nghệ của dân tộc, nhất là trong lúc này.

     Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy. Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm !

     Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đâu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta.

     Nguyễn Đình Chiểu vốn là một nhà nho, nhưng sinh trưởng ở đất Đồng Nai hào phóng, lại sống giữa lúc nước nhà lâm nguy, vua nhà Nguyễn cam tâm bán nước để giữ ngai vàng, nhưng khắp nơi, nhân dân và sĩ phu anh dũng đứng lên đánh giặc cứu nước. Vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài những giá trị văn nghệ, còn quý giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường của tác giả, và ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại !

     "Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã !" (1). Đời sống và hoạt động của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương anh dũng. Cảnh đất nước cũng như cảnh riêng càng long đong, đen tối, thì khí tiết của người chí sĩ yêu nước càng cao cả, rạng rỡ :

Sự đời thà khuất đôi tròng thịt

Lòng đạo xin tròn một tấm gương !

(1) Kiến nghĩa bất vi vô dõng dã : thấy việc nghĩa mà không làm là không có dũng khí.

     Cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của một chiến sĩ hi sinh phấn đấu vì một nghĩa lớn. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng :

Học theo ngòi bút chí công

Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân thu ! (1)

và :

Chở bao nhiêu đạo hàm thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

     Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức. Và Nguyễn Đình Chiểu trọng chức trách của mình chừng nào thì càng khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa chừng nấy :

Thấy nay cũng nhóm văn chương

Vóc dê da cọp khôn lường thực hư !

(1) Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân thu : ngụ ý thơ phải thể hiện rõ thái độ khen chê giống như trong kinh Xuân thu (tương truyền do Khổng Tử san định).

*

*         *

     Thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu làm sống lại trong tâm trí của chúng ta phong trào kháng Pháp oanh liệt và bền bỉ của nhân dân Nam Bộ từ 1860 về sau, suốt hai mươi năm trời. Quân của triều đình dưới sự chỉ huy của một danh tướng của lúc bấy giờ, Nguyễn Tri Phương, đã đánh thua ở Sài Gòn, Tự Đức vội vã đầu hàng, năm 1862 cắt ba tỉnh miềng Đông, năm 1867 cắt ba tỉnh miền Tây cho giặc. Mặc dầu nước nhà gặp cảnh hiểm nghèo và khổ nhục như vậy, các tầng lớp nhân dân Nam Bộ lúc bấy giờ, nhân dân lao động và các bậc sĩ phu đều kiên quyết vùng dậy đánh giặc cứu nước. "Giặc đến nhà đàn bà phải đánh !". Phong trào bắt đầu dấy lên ở miền Đông, sau lan rộng khắp nơi ở "Lục tỉnh", biến thành cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn, nhiều nơi, nhiều lúc sôi nổi và mạnh mẽ lạ thường, khiến cả kẻ thù cũng không tiếc lời tỏ lòng khâm phục (theo nhiều sách của người Pháp trong cuộc viết về cuộc chiến tranh xâm lược Nam Bộ) : Khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công, Thủ khoa Huân ở Mĩ Tho, Phan Liêm và Phan Tôn ở Bến Tre, Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Đỗ Thừa Lương và Đỗ Thừa Tự ở Cần Thơ, Nguyễn Văn Bường và Quản Hớn ở Hóc Môn, Bà Điểm v.v... Làm sao sưu tầm tài liệu về những trang sử oanh liệt này, về biết bao cuộc chiến đấu anh dũng ở khắp nơi, về biết bao chiến công của biết bao anh hùng liệt sĩ, để đánh giá đúng tầm rộng lớn và sức mạnh của phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ, một phong trào bắt nguồn từ lòng căm thù vô hạn của quần chúng nhân dân đối với giặc ngoại xâm, nguyện hi sinh tất cả và chiến đấu đến cùng để cứu nước, cứu dân. Chúng ta hãy nghe một đôi đoạn trong một bài hịch phổ biến lúc bấy giờ :

     Bớ các quan ơi, chớ thấy chín trùng hòa nghị mà tấm lòng địch khái nỡ phôi pha, cho rằng ba tỉnh giao hòa mà cái việc cừu thù đành lơ lảng !

     Bớ các làng ơi, chớ thấy đồn dưới Gò Công thất thủ mà trở mặt hại nhau, chớ nghe bảo trên Bến Nghé phân cư mà đành lòng theo mọi !

     Hỡi ơi, oán nhường ấy, hận nhường ấy, cừu thù nhường ấy, làm sao trả đặng mới ưng ! Công bấy lâu, nghiệp bấy lâu, lao khổ bấy lâu, bao đành bỏ qua sao phải ?

     Hồi tưởng cuộc chiến đấu anh dũng vô song của của dân tộc Việt Nam ta ở Nam Bộ lúc bấy giờ, ruột gan chúng ta đau như cắt xé. Giá như triều đình lúc bấy giờ không phải ở trong tay bọn vua chúa nhà Nguyễn phải bội và đầu hàng ở trong tay những người kế tục sự nghiệp của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, kế tục sự nghiệp yêu nước và anh dũng của Nguyễn Huệ, thì phong trào kháng Pháp lúc bấy giờ ở Nam Bộ chắc còn mạnh mẽ hơn nhiều, nhất là đã được lãnh đạo thống nhất và kiên trì đấu tranh cho đến thắng lợi, đồng thời phong trào ấy chắc được sự ủng hộ kiên quyết của cả nước, như vậy đất Đồng Nai anh dũng từ đó đã trở nên bức thành đồng ngăn chặn bọn cướp nước phương Tây xâm phạm đất nước chúng ta ở Nam Bộ, và do đó, đã bảo vệ vẹn toàn độc lập và thống nhất của Tổ quốc !

     Cho nên không phải ngẫu nhiên mà thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, một phần lớn là những bài văn tế, ca ngợi những người anh hùng suốt đời tận trung với nước, và than khóc những người liệt sĩ đã trọn nghĩa với dân. Ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đã diễn tả, thật là sinh động và não nùng, cảm tình của dân tộc đối với người chiến sĩ của nghĩa quân, vốn là người nông dân, xưa kia chỉ quen cày cuốc, bỗng chốc trở thành người anh hùng cứu nước.

     Chúng ta hãy đọc lại nhiều đoạn trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc :

     Hỡi ôi !

     Súng giặc đất rền ; lòng dân trời tỏ.

     [...]

     Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen ; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ...

     Bài ca của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn : hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Bài cáo của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang : "Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc... muôn kiếp nguyện được trả thù kia...".

     Có lẽ dưới suối vàng, linh hồn của Nguyễn Đình Chiểu và những nghĩa quân lúc bấy giờ, ngày nay phần nào đã được hả dạ !

     Trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn có những đóa hoa, những hòn ngọc rất đẹp, như bài Xúc cảnh :

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,

Chúa xuân đâu hỡi có hay không ?

Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,

Ngày xế non nam bặt tiếng hồng.

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung !

     Phong trào kháng Pháp khắp nơi sôi nổi và mạnh mẽ lúc bấy giờ ở Nam Bộ, làm nảy nở nhiều nhà văn, nhà thơ, tài năng xuất chúng, bản lãnh phi thường, mà tác phẩm là những bông hoa của một thời buổi oanh liệt và đau thương : Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Bùi Hữu Nghĩa, Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Văn Lạc, Nguyễn Hữu Huân, Hồ Huân Nghiệp,... Thật rất khó chọn một bài để thí dụ trong rất nhiều bài đều hay, đều có ý nghĩa và hương vị. Xin trích mấy câu trong bài thơ của Nguyễn Tư Giản tiễn Nguyễn Thông về hương vị. Xin trích mấy câu trong bài thơ của Nguyễn Tư Giản tiễn Nguyễn Thông về Bình Thuận (nguyên văn chữ Hán, dưới đây là văn dịch) :

Bao giờ Bến Nghé lại trong,

Cho Dòng sông Nhị vang lừng khải ca ?

Cưỡi thuyền lên tận Ngân Hà,

Biển xanh ra ngắm, trăng ngà sáng soi.

...

Cảnh tình nghĩ lại chưa vui,

Núi sông còn gánh hai vai nặng nề.

*

*         *

     Bây giờ xin nói về Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa ! Tất nhiên những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều bậc hiền triết ngày xưa ở phương Đông hoặc phương Tây, vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quý trọng. Lại thêm Nguyễn Đình Chiểu suốt đời sống trong lòng của quần chúng nhân dân, giữa lúc nhân tình thế thái là sự mỉa mai đối với triết lí Khổng - Mạnh.. Chính Nguyễn Đình Chiểu phải viết câu : "Trượng phu có chí ngang tàng !" không thể tự trói mình trong khuôn khổ của đạo lí cổ truyền. Cho nên các nhân vật của Lục Vân Tiên : Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu đồng,... là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn. Họ là những nhân vật của một thuở đã qua, điều đó không cần phải nói. Nhưng họ là những con người có ruột gan, xương thịt. Họ sống trong một xã hội cũng như biết bao xã hội từ xưa đến nay - có người tốt kẻ xấu, người ngay kẻ gian, có nhiều đau khổ, bất công - họ đã đấu tranh không khoan nhượng chống mọi gian dối, bất công và họ đã thắng. Họ là những tấm gương dũng cảm. Vì những lẽ đó họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú.

     Về văn chương của Lục Vân Tiên, phải để ý đây là một chuyện "kể", chuyện "nói". Tác giả cố ý viết một lối văn "nôm na", dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Có người hay hạch những chỗ lời văn không hay lắm ; ở đây phải nhớ rằng Nguyễn Đình Chiểu vì mù nên chỉ có thể đọc cho người khác viết, và như vậy, thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản ! Lại thêm, đến nay chẳng ai biết nguyên bản ấy là bản nào ! Và hiện nay mấy bản sao mà người ta có thể căn cứ đều có chỗ khác nhau ! Dẫu sao đôi chỗ sơ sót về văn chương không thể làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật là hấp dẫn từ đầu đến cuối. Tôi không nhớ tôi đọc Lục Vân Tiên lúc nào, song đến nay tôi còn thuộc lòng nhiều vần thơ rất hay :

Kim Liên ơi hỡi Kim Liên, 

Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê.

...

Vân Tiên đầu đội kim khôi,

Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô.

     Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên.

     Tóm lại Nguyễn Đình Chiểu là một người chí sĩ yêu nước, một nhà thơ lớn của nước ta. Đời sống và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu là một tấm gương sáng, nêu cao địa vị và tác dụng của văn học, nghệ thuật, nêu cao sứ mạng của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa và tư tưởng.

     Nhân kỉ niệm ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu (ngày 3 tháng 7 năm 1888), trong lòng chúng ta, chúng ta hãy đốt một nén hương để tưởng nhớ người con quang vinh của dân tộc !

(Tạp chí Văn học, tháng 7 - 1963)

HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

  1. Tìm những luận điểm chính của bài viết. Anh (chị) thấy cách sắp xếp các luận điểm đó có gì khác với trật tự thông thường ?
  2. Theo tác giả, vì sao văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng giống như "những vì sao có ánh sáng khác thường", "con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy" ?
  3. Tác giả đã giúp chúng ta nhận ra những "ánh sáng khác thường" nào của ngôi sao sáng Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam, qua :
    - Cuộc sống và quan niệm sáng tác của nhà thơ ;
    - Thơ văn mà ông sáng tác để phục vụ cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc ;
    Truyện Lục Vân Tiên ?
  4. Vì sao tác giả cho rằng ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu đáng lẽ phải sáng tỏ hơn nữa không chỉ trong thời ấy, mà cả trong thời đại hiện nay ?
  5. Có thể thấy bài văn nghị luận này không khô khan mà trái lại, có sức hấp dẫn, lôi cuốn. Vì sao ?

GHI NHỚ

  • Bằng cách nhìn, cách nghĩ sâu rộng, mới mẻ và nhiệt tình của một người gắn bó hết mình với đất nước, với nhân dân, Phạm Văn Đồng đã làm sáng tỏ mối liên hệ khăng khít giữa thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu với hoàn cảnh của Tổ quốc lúc bấy giờ và với thời đại hiện nay. Đồng thời, tác giả hết lòng ca ngợi Nguyễn Đình Chiểu, một người trọn đời dùng cây bút làm vũ khí chiến đấu cho dân, cho nước, một ngôi sao sáng trong nền văn nghệ của dân tộc Việt Nam.
  • Bài viết có sức lôi cuốn mạnh mẽ dó cách nghị luận vừa xác đáng, chặt chẽ vừa xúc động, thiết tha, với nhiều hình ảnh, ngôn từ đặc sắc.

LUYỆN TẬP

     Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu vẫn không xa lạ với giới trẻ ngày nay, và việc học những tác phẩm như Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của ông ở nhà trường là rất bổ ích.

     Anh (chị) hãy viết một bài văn nghị luận tỏ bày ý kiến của mình về vấn đề trên.

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Ngữ Văn 12 - Tập Một

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

toan-4-tap-1-1573

Toán 4 - Tập 1

NXB Kết nối tri thức với cuộc sống - Toán 4 (Tập 1)

khoa-hoc-tu-nhien-6-123

Khoa Học Tự Nhiên 6

Sách Cánh Diều Lớp 6

bai-giai-giai-tich-12-nang-cao-1104

Bài giải GIẢI TÍCH 12 (Nâng Cao)

SGK Lớp 12 NXB Giáo Dục

bai-tap-toan-5-1092

Bài tập Toán 5

Sách Lớp 5 NXB Giáo Dục Việt Nam

tin-hoc-3-1052

Tin Học 3

Sách Lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.