TIỂU DẪN
Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948, quê ở xã Đông Vệ, thị xã Thanh Hoá (nay là thành phố Thanh Hoá), tỉnh Thanh Hoá. Mẹ mất sớm, Nguyễn Duy ở với bà ngoại từ nhỏ. Trong tâm hồn của Nguyễn Duy, bà ngoại là hình ảnh gần gũi, thân thuộc nhất. Năm 1966, ông nhập ngũ. Từ năm 1971 đến năm 1975, vẫn đang khoác áo lính, Nguyễn Duy về học tại Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuối năm 1975, ông cùng đơn vị vào tiếp quản Vũng Tàu. Năm 1976, Nguyễn Duy vào sống và công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, là biên tập viên báo Văn nghệ Giải phóng, rồi làm Trưởng đại diện của báo Văn nghệ ở phía Nam.
Nguyễn Duy làm thơ rất sớm, khi đang còn là học sinh phổ thông. Năm 1973, ông đoạt giải Nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ với chùm thơ : Hơi ấm ổ rơm, Bầu trời vuông, Tre Việt Nam. Thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp hài hoà giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thể sự đậm đặc, nhiều bài là tiếng nói khảng khái, bộc trực, đầy ngang tàng mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm và mang tinh thần công dân sâu sắc. Ông là một trong số không nhiều cây bút hiện nay đã góp phần làm mới thể lục bát bằng những tìm tòi theo hướng hiện đại, tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn trong cấu trúc, hình ảnh và ngôn ngữ của thế thơ truyền thống này. Năm 2007, Nguyễn Duy được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
NGUYỄN DUY
Tác phẩm chính về thơ : Cát trắng (1973), Ánh trăng (1984), Đãi cát tìm vàng (1987), Mẹ và em (1987),... Ngoài thơ, ông còn viết tiểu thuyết, bút kí và một số thể loại khác như : Em – Sóng (kịch thơ, 1983), Khoảng cách (tiểu thuyết, 1986), Nhìn ra bể rộng trời cao (bút kí, 1986),...
Bài Đò Lèn được viết năm 1983, trong một dịp nhà thơ trở về quê hương, sống với những hồi ức đan xen nhiều buồn vui thời thơ ấu.
(1) Đò Lèn : địa danh ở Thanh Hoá, vùng quê tác giả.
VĂN BẢN
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần(1)
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị(2)
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng(3)
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
cái năm đói, củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm
Bom Mĩ giội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
(1), (2), (3) Chùa Trần, đền Cây Thị, đền Sòng : các địa danh ở Thanh Hoá, vùng quê tác giả.
(4) Hát văn (còn gọi là hát chầu văn) : hát có đàn hoà theo, để ca tụng thần thánh khi cúng bái hay lên đồng.
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.
9 - 1983
(Ánh trăng, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1984)
HƯỚNG DẪN ĐỌC THÊM
1. Trong bài thơ, cái tôi của tác giả thời tuổi nhỏ được tái hiện như thế nào ? Nét quen thuộc và mới mẻ trong cách nhìn của tác giả về chính mình trong quá khứ?
2. Tình cảm sâu nặng của tác giả đối với bà mình được biểu hiện cụ thể như thế nào ?
3. Cách thể hiện tình thương bà của tác giả có gì đặc biệt ? So sánh nét riêng trong cách sử dụng hình ảnh thơ giữa hai tác giả cùng viết về một đề tài : Bằng Việt (Bếp lửa) và Nguyễn Duy (Đò Lèn).