KẾT QUẢ CẦN ĐẠT
- Viết được bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, trước hết là của tuổi trẻ học đường ngày nay.
- Nâng cao ý thức rèn luyện tư tưởng, đạo đức để không ngừng tự hoàn thiện nhân cách của mình.
I - HƯỚNG DẪN CHUNG
1. Ôn lại các kiến thức và kĩ năng cơ bản làm một bài nghị luận. Chú ý các thao tác lập luận : giải thích, chứng minh, phân tích, bác bỏ, bình luận,... Đặc biệt, xem lại bài Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí ở tuần 1.
2. Xem lại những bài làm văn ở lớp 11, nhất là các bài nghị luận xã hội. Chú ý những ưu điểm, nhược điểm để rút kinh nghiệm.
II - GỢI Ý MỘT SỐ ĐỀ BÀI
1. Tình thương là hạnh phúc của con người,
2. "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động".
Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân ?
3. Hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng : "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".
III - GỢI Ý CÁCH LÀM BÀI
1. Xác định nội dung bài viết
- Ba đề trên đều tập trung vào vấn đề tư tưởng, đạo lí, đặc biệt là đối với thanh niên, học sinh trong giai đoạn hiện nay của nước ta.
- Mỗi đề có yêu cầu cụ thể. Anh (chị) cần đọc kĩ đề bài để xác định đúng vấn đề cần bàn bạc và xác định các luận điểm. Ví dụ :
Đề 1. Cần nêu khái niệm "tình thương", tiếp đó trình bày những biểu hiện, ý nghĩa và tác dụng lớn lao của tình thương trong cuộc sống. (3 ý lớn)
Đề 2. Vấn đề trung tâm của bài viết là mối quan hệ giữa "đức hạnh" (phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm hồn) và "hành động" của mỗi người. "Đức hạnh" là cội nguồn tạo ra "hành động" và "hành động" là biểu hiện cụ thể của "đức hạnh". Tiếp đó, đề xuất bài học tu dưỡng bản thân. (3 ý lớn)
Đề 3. Nên bàn về từng nội dung trong đề xướng của UNESCO tức là từng mục đích học tập của học sinh, sinh viên thời nay. Sau đó, xác định tính chất của các nội dung theo hai khía cạnh : "Học để biết" là yêu cầu tiếp thu kiến thức ; "học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình" là yêu cầu thực hành, vận dụng kiến thức, từng bước hoàn thiện nhân cách,... (2 ý lớn)
2. Xác định cách thức làm bài
- Thao tác lập luận : Phối hợp các thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, bình luận,...
- Lựa chọn dẫn chứng : Chủ yếu dùng dẫn chứng thực tế trong cuộc sống. Có thể dẫn một số thơ văn để bài viết thêm sinh động, nhưng cần vừa mức, tránh lan man, lạc sang nghị luận văn học.
- Diễn đạt cần chuẩn xác, mạch lạc ; có thể sử dụng một số yếu tố biểu cảm, nhất là ở phần liên hệ thực tế và trình bày những suy nghĩ riêng của bản thân.
ĐỌC THÊM
CON ĐƯỜNG TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CỦA THANH NIÊN
[...] Tình thương là cơ sở quan trọng nhất tạo nên cái đẹp của xã hội xã hội chủ nghĩa. Tình thương là hạnh phúc của con người, là tình cảm cao đẹp thuộc bản chất của người lao động.
[...] Dân tộc Việt Nam ta xây dựng đất nước trên tình thương và đấu tranh : thương nước, thương nhà, thương người, thương mình ; đồng thời đấu tranh kiên cường bất khuất chống cường quyền, chống xâm lược. Dân tộc ta có tinh thần yêu nước rất cao, đồng thời là một dân tộc giàu lòng nhân ái. Ngày nay, trong chế độ mới, chúng ta cần nêu cao giá trị tinh thần đó. Đặc biệt, thanh niên cần phải xây dựng tình thương sâu sắc đối với nhân dân lao động và vì tình thương đó mà căm ghét bóc lột, ăn bám và tội ác. Tình cảm ấy, ý thức ấy phải biểu hiện trong nếp sống, trong sự tiếp xúc hằng ngày với nhân dân.
Đối với ông già, bà già, thanh niên phải có thái độ khinh nhường và hết lòng giúp đỡ, bởi vì một lẽ dễ hiểu là có ông già, bà già thì mới có chúng ta. Trên đường đi, thanh niên phải nhường bước cho người cao tuổi, phải đỡ gánh nặng cho cụ già, phải dìu bà lão qua cầu, qua suối. Những việc như thế thanh niên không thể làm ngơ, và cũng không là việc khó nếu thanh niên thực sự có lòng kính yêu ông già, bà già.
Khi đi tàu, đi xe, thanh niên không được chen lấn phụ nữ. Trong trường hợp phụ nữ, nhất là phụ nữ có thai, chưa có chỗ ngồi, thanh niên phải nhường chỗ của mình cho họ. Như vậy là biết khiêm nhường và tôn trọng phụ nữ. Sỗ sàng, thô bạo đối với phụ nữ là những hành vi xấu xa, đáng chê trách.
Trong xã hội ta, nhiều thanh niên biết tỏ lòng yêu thương yêu quý mến nhân dân bằng những hành động dũng cảm và hào hiệp ; lúc chiến tranh xông pha lửa đạn để bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào ; lúc bình thường cứu giúp trẻ em bị tai nạn, đỡ đần người đi đường bị ốm đau,... Những việc làm mang nội dung đạo đức tốt đẹp của người thanh nuên mới như thế rất đáng biểu dương, khuyến khích.
Thanh niên phải có tính thần xung phong, gương mẫu ; bất cứ việc gì tập thể cần thì thanh niên phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất ; song phải luôn luôn khiêm tốn, thật thà, không được phô trương, dối trá. Đó cũng là một thái độ đúng đắn của thanh niên đối với nhân dân, của cá nhân đối với tập thể.
Thanh niên cũng phải dành thì giờ nhất định để giúp đỡ cha mẹ, săn sóc các em, chăm lo một phần công việc gia đình. Người thanh niên nào không biết tí gì đến việc nhà, không kính yêu cha mẹ, không thương mến người thân trong gia đình thì ngoài xã hội làm sao có lòng yêu mến nhân dân thực sự được ? Thanh niên cần phải biết tổ chức tốt cuộc sống gia đình hợp với những tiêu chuẩn của đạo đức mới nhằm tạo điều kiện cho mọi người trong gia đình làm tròn nghĩa vụ công dân, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng.
Tóm lại, thanh niên phải có lòng thương yêu, kính trọng nhân dân như thương yêu, kính trọng cha mẹ và người thân của mình thì mới có quan hệ tốt với nhân dân được.
(Lê Duẩn, Con đường tu dưỡng rèn luyện đạo đức của thanh niên,
trong Thanh niên với cách mạng xã hội chủ nghĩa, NXB Sự thật, Hà Nội, 1966)