SGKVN

Giáo Dục Công Dân 11 - Bài 8: Chủ Nghĩa Xã Hội | Giáo Dục Việt Nam

Bài 8: Chủ Nghĩa Xã Hội - Giáo Dục Công Dân 11. Xem chi tiết nội dung bài Bài 8: Chủ Nghĩa Xã Hội và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Giáo Dục Công Dân 11 | Giáo Dục Việt Nam

I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đang ra sức phấn đấu xây dựng. Hiện nay, nước ta đang trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Vậy, chủ nghĩa xã hội là gì ? Thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội là thế nào ?

Học xong bài này, học sinh cần :

– Hiểu được chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

– Nêu được những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

– Nêu được tính tất yếu khách quan đi lên chủ nghĩa xã hội và đặc điểm của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

– Phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa chủ nghĩa xã hội với các xã hội trước đó ở Việt Nam.

– Tin tưởng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở nước ta ; có ý thức sẵn sàng tham gia xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ nghĩa xã hội.

II – NỘI DUNG BÀI HỌC

1. Chủ nghĩa xã hội và những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

a) Chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa

Bằng những kiến thức lịch sử, triết học, em hãy cho biết :

– Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã và đang trải qua những chế độ xã hội nào ?

– Nguyên nhân nào dẫn đến sự thay đổi chế độ xã hội này bằng chế độ xã hội khác tiến bộ hơn ?

Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho đến nay đã và đang trải qua năm chế độ xã hội khác nhau, từ xã hội có trình độ phát triển thấp lên xã hội có trình độ phát triển cao hơn và tiến bộ hơn : xã hội cộng sản nguyên thuỷ, xã hội chiếm hữu nô lệ, xã hội phong kiến, xã hội tư bản chủ nghĩa, xã hội cộng sản chủ nghĩa. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thay đổi đó là sự phát triển của kinh tế, trong đó sự phát triển của lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định nhất.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển qua hai giai đoạn cơ bản từ thấp lên cao :

– Giai đoạn đầu (hay giai đoạn thấp) của xã hội cộng sản chủ nghĩa gọi là chủ nghĩa xã hội. Một trong những đặc trưng của giai đoạn này là sự phát triển kinh tế, đặc biệt là sự phát triển của lực lượng sản xuất mới đạt tới giới hạn bảo đảm cho xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối "Làm theo năng lực, hưởng theo lao động".

– Giai đoạn sau (hay giai đoạn cao) của xã hội cộng sản chủ nghĩa gọi là chủ nghĩa cộng sản. Ở giai đoạn này, sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất xã hội, đặc biệt là sự phát triển của lực lượng sản xuất sẽ tạo ra năng suất lao động rất cao và ngày càng tăng, các nguồn của cải dồi dào, xã hội có đủ điều kiện vật chất và tinh thần để thực hiện nguyên tắc phân phối "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu".

Tóm lại, xã hội cộng sản chủ nghĩa có quá trình phát triển lâu dài qua hai giai đoạn cơ bản, trong đó chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

b) Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Theo em, chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đang phấn đấu xây dựng có những đặc trưng gì ?

Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta đã xác định chủ nghĩa xã hội ở nước ta có những đặc trưng sau :

– Là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ;

– Do nhân dân làm chủ ;

– Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp ;

– Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc ;

– Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện ;

– Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển ;

– Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ;

– Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Những đặc trưng trên đây cho chúng ta thấy, chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đang xây dựng là một xã hội phát triển ưu việt hơn, tốt đẹp hơn các xã hội trước.

2. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

a) Tính tất yếu khách quan đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Bàn về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã khẳng định rằng : "Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi"(1) và đều phải trải qua một thời kì quá độ – thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa Mác – Lê-nin còn khẳng định có hai hình thức quá độ :

Một là, quá độ trực tiếp từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Hai là, quá độ gián tiếp từ xã hội tiền tư bản lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa.

(1) V.I. Lê-nin : Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 30, tr. 160.

Nước ta đi lên chủ nghĩa xã hội theo hình thức quá độ nào trên đây ?

Sau khi hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn con đường phát triển tiếp theo là đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và nhân dân ta. Bởi vì :

– Chỉ có đi lên chủ nghĩa xã hội thì đất nước mới thực sự độc lập.

– Đi lên chủ nghĩa xã hội mới xoá bỏ được áp bức, bóc lột.

– Đi lên chủ nghĩa xã hội mới có cuộc sống ấm no, tự do và hạnh phúc ; mọi người mới có điều kiện phát triển toàn diện.

Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là mấy chục năm đổi mới do Đảng ta lãnh đạo đã chứng minh cho chúng ta thấy rõ những điều đó.

Em hiểu thế nào về quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ?

Đảng ta đã khẳng định : "Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ, để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại".(1)

Từ những điều phân tích trên đây cho thấy quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện lịch sử, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và xu thế phát triển của thời đại.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 84.

b) Đặc điểm thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

Thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội có những đặc điểm gì ?

Nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước lạc hậu và kém phát triển về kinh tế, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Do vậy, đặc điểm nổi bật và bao trùm của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự tồn tại đan xen lẫn nhau và đấu tranh với nhau giữa những yếu tố của xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng – và những tàn dư của xã hội cũ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Đặc điểm này được biểu hiện cụ thể như sau :

Trên lĩnh vực chính trị : Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội ngày càng được tăng cường ; Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày càng được củng cố và hoàn thiện để trở thành Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Trên lĩnh vực kinh tế : Do lực lượng sản xuất còn ở trình độ phát triển thấp, lại chưa đồng đều, nên trong thời kì này nền kinh tế ở nước ta là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó thành phần kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.

Trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá : Còn tồn tại nhiều loại, nhiều khuynh hướng tư tưởng, văn hoá khác nhau. Bên cạnh những tư tưởng, văn hoá xã hội chủ nghĩa, vẫn còn tồn tại những tàn dư tư tưởng và văn hoá của chế độ cũ.

Trên lĩnh vực xã hội : Do đặc điểm kinh tế trên đây quy định, trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta còn tồn tại nhiều giai cấp và tầng lớp khác nhau, trong đó, giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là hạt nhân đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Do còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nên trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn sự chênh lệch về đời sống của nhân dân giữa các vùng, miền của đất nước, vẫn còn sự khác biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay.

Những đặc điểm trên đây cho chúng ta thấy thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một thời kì, xét trên mọi phương diện, còn tồn tại nhiều yếu tố khác nhau, thậm chí đối lập nhau, thâm nhập vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Cùng với những bước tiến trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, các thành phần, nhân tố mang tính chất xã hội chủ nghĩa sẽ ngày càng phát triển và vươn lên giữ vị trí chi phối trên mọi lĩnh vực để đảm bảo cho chủ nghĩa xã hội được xây dựng thành công ở nước ta.

III – TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. V.I. Lê-nin viết : "Với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô-viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa."(1)

2. V.I. Lê-nin viết : "Tất cả các dân tộc đều sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không tránh khỏi, nhưng các dân tộc tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau ; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội."(2)

3. "Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản."(3)

4. "Chỉ ở trong chế độ xã hội chủ nghĩa thì mỗi người mới có điều kiện để cải thiện đời sống riêng của mình, phát huy tính cách riêng và sở trường riêng của mình."(4)

5. "Xây dựng chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực là sự nghiệp rất khó khăn, phức tạp, cho nên phải trải qua một thời kì quá độ lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội diễn ra sự đan xen và đấu tranh giữa cái mới và cái cũ."(5)

(1) V.I. Lê-nin : Toàn tập, Sđd, 2006, tập 41, tr. 295.

(2) V.I. Lê-nin : Toàn tập, Sđd, 2006, tập 30, tr. 160.

(3) Hồ Chí Minh : Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 3, tr. 1.

(4) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Sđd, 2000, tập 9, tr. 291.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Sđd, tr. 85.

IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Hai giai đoạn phát triển của xã hội cộng sản chủ nghĩa có gì khác nhau ? Vì sao có sự khác nhau đó ?

2. Hãy nêu những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo em, đặc trưng nào được thể hiện rõ nhất trong thực tiễn cuộc sống hiện nay ở nước ta ?

3. Tại sao nói, nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan ?

4. Em hiểu thế nào là "quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa" ?

5. Theo em, chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt hơn so với các chế độ xã hội trước đây ở nước ta ở điểm nào ?

6. Em hãy nêu một vài biểu hiện về những tàn dư của xã hội cũ cần phải đấu tranh khắc phục ở nước ta hiện nay (hay ở địa phương mình). Là học sinh phổ thông, em có thể làm gì để khắc phục những tàn dư đó ?

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Giáo Dục Công Dân 11

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

vo-bai-tap-tu-nhien-va-xa-hoi-2-1036

Vở bài tập TỰ NHIÊN và XÃ HỘI 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

giai-tich-12-nang-cao-749

Giải Tích 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam, gồm 4 chương

giao-duc-kinh-te-va-phap-luat-11-1190

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 11

Mỗi hoạt động trong sách đều được chỉ dẫn bằng số hiệu

khoa-hoc-5-1842

Khoa Học 5

NXB Kết nối tri thức - Khoa học 5

vo-bai-tap-hoat-dong-trai-nghiem-2-1040

Vở bài tập HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.