SGKVN

Giáo Dục Công Dân 11 - Bài 9: Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa | Giáo Dục Việt Nam

Bài 9: Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa - Giáo Dục Công Dân 11. Xem chi tiết nội dung bài Bài 9: Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Giáo Dục Công Dân 11 | Giáo Dục Việt Nam

I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC

Cho đến nay, trong lịch sử phát triển của xã hội loài người đã tồn tại bốn kiểu nhà nước : nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước kiểu mới, khác về chất so với các kiểu nhà nước trước đó.

Vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa là gì ? Bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa có gì khác với các nhà nước trước đó ?

Học xong bài này, học sinh cần :

– Biết được nguồn gốc, bản chất của nhà nước.

– Nêu được thế nào là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ; bản chất, chức năng và vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

– Hiểu được trách nhiệm của công dân trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

– Biết tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phù hợp với lứa tuổi và điều kiện của bản thân.

– Tin tưởng, tôn trọng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

II – NỘI DUNG BÀI HỌC

1. Nguồn gốc và bản chất của nhà nước

a) Nguồn gốc của nhà nước

Dựa vào kiến thức lịch sử, em hãy cho biết : Nhà nước xuất hiện từ khi nào ?

Lịch sử phát triển của xã hội loài người đã trải qua một thời kì chưa có nhà nước – đó là xã hội cộng sản nguyên thuỷ. Trong xã hội này, trình độ của lực lượng sản xuất còn rất thấp kém, khối lượng sản phẩm lao động chỉ đủ duy trì ở mức nhu cầu tối thiểu của các thành viên trong xã hội, không có sản phẩm dư thừa làm của riêng, chưa có tư hữu tài sản, chưa có sự phân chia giai cấp, chưa có bóc lột, do đó chưa có nhà nước.

Vào thời kì cuối của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, lực lượng sản xuất phát triển và sự phân công lao động xã hội được mở rộng đã làm cho năng suất lao động tăng lên, sản phẩm lao động làm ra ngày càng nhiều hơn so với nhu cầu ở mức cần thiết của xã hội, đã xuất hiện điều kiện chiếm đoạt của cải dư thừa của công xã nguyên thuỷ làm tài sản riêng. Những người có địa vị trong công xã như tù trưởng, thủ lĩnh quân sự lợi dụng ưu thế của mình chiếm đoạt tài sản đó của công xã. Quá trình tư hữu tài sản diễn ra, chế độ tư hữu hình thành, xã hội đã phân chia thành hai giai cấp đối lập nhau : giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột.

Do lợi ích đối lập nhau nên mâu thuẫn giữa giai cấp bóc lột và giai cấp bị bóc lột ngày càng trở nên gay gắt, không thể điều hoà được. Để duy trì trật tự và quản lí một xã hội đã có những thay đổi rất căn bản ấy, đòi hỏi phải có một tổ chức với quyền lực mới. Tổ chức đó do giai cấp chiếm ưu thế về kinh tế lập ra để thực hiện sự thống trị giai cấp, làm dịu bớt sự xung đột giữa các giai cấp và giữ cho sự xung đột đó nằm trong vòng “trật tự”, bảo vệ lợi ích và địa vị của giai cấp mình. Tổ chức đó chính là nhà nước(1).

Như vậy, nhà nước chỉ ra đời khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, khi xã hội phân hoá thành các giai cấp, mâu thuẫn giữa các giai cấp ngày càng gay gắt đến mức không thể điều hoà được. V.I. Lê-nin viết : "Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào, mà về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hoà được, thì nhà nước xuất hiện."(2)

b) Bản chất của nhà nước

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nhà nước là sản phẩm của xã hội có giai cấp, do đó nhà nước bao giờ cũng mang bản chất giai cấp. Bản chất giai cấp của nhà nước được thể hiện :

– Nhà nước là bộ máy dùng để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác.

Trong xã hội có giai cấp, sự thống trị giai cấp, xét về mặt nội dung, thể hiện ở ba mặt : kinh tế, chính trị, tư tưởng. Để thực hiện sự thống trị của mình, giai cấp thống trị phải tổ chức và sử dụng nhà nước để duy trì quyền lực kinh tế, chính trị và tư tưởng của mình đối với toàn xã hội. Bằng nhà nước và thông qua nhà nước, giai cấp thống trị về kinh tế trở thành giai cấp thống trị về chính trị và tư tưởng ; ý chí của giai cấp thống trị được thể hiện thành ý chí nhà nước, bắt buộc mọi thành viên trong xã hội phải tuân theo.

(1) Xem C. Mác và Ph. Ăng-ghen : Toàn tập, Sđd, 1995, tập 21, tr. 252 – 253.

(2) V.I. Lê-nin : Toàn tập, Sđd, 2006, tập 33, tr. 9.

– Nhà nước là bộ máy trấn áp đặc biệt của giai cấp này đối với giai cấp khác.

Bất kì nhà nước nào cũng có những lực lượng đặc biệt được vũ trang như quân đội, cảnh sát v.v... Để bảo vệ địa vị thống trị và lợi ích của mình, giai cấp thống trị sử dụng những lực lượng đặc biệt đó đàn áp sự phản kháng của các giai cấp bị thống trị.

Như vậy, nhà nước mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị.

2. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

a) Thế nào là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Để hiểu được thế nào là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trước hết phải hiểu nhà nước pháp quyền là gì.

Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lí mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật ; mọi hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và mọi công dân đều được thực hiện trên cơ sở pháp luật.

Từ quan niệm trên đây, chúng ta hiểu :

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lí mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

b) Bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thành quả cách mạng của quần chúng nhân dân lao động do giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Vì vậy, Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân.

Theo em, bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta được thể hiện như thế nào ?

Bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta được thể hiện tập trung nhất ở su lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với nhà nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn bộ hoạt động của Nhà nước từ pháp luật, cơ chế, chính sách đến những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước đều thể hiện quan điểm của giai cấp công nhân, nhằm thực hiện lợi ích, ý chí và nguyện vọng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc.

Như vậy, bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước ta bao hàm cả tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc.

– Tính nhân dân của Nhà nước ta thể hiện : Nhà nước ta là Nhà nước của dân, vì dân, do nhân dân lập nên và nhân dân tham gia quản lí ; Nhà nước thể hiện ý chí, lợi ích và nguyện vọng của nhân dân, là công cụ chủ yếu để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình.

– Tính dân tộc của Nhà nước ta được thể hiện : Trong tổ chức và thực hiện, Nhà nước ta kế thừa và phát huy những truyền thống, bản sắc tốt đẹp của dân tộc ; Nhà nước có chính sách dân tộc đúng đắn, chăm lo lợi ích mọi mặt cho các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam và thực hiện đại đoàn kết dân tộc, coi đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân là đường lối chiến lược và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

c) Chức năng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nhà nước có nhiều chức năng khác nhau, bởi vì hoạt động của nhà nước rất đa dạng và phức tạp. Trong phạm vi bài học này, chúng ta đề cập đến hai chức năng cơ bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Một là, chức năng bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Để xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, Nhà nước ta sử dụng toàn bộ sức mạnh của mình để phòng ngừa, ngăn chặn mọi âm mưu gây rối, phá hoại, bạo loạn, xâm hại đến nền an ninh quốc gia, đến sự ổn định chính trị trong nước, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội, tạo điều kiện hoà bình, ổn định cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

Hai là, chức năng tổ chức và xây dựng, bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.

Đây là một chức năng tổng hợp bao gồm các nội dung cơ bản sau :

– Tổ chức xây dựng và quản lí nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

– Tổ chức xây dựng và quản lí văn hoá, giáo dục, khoa học.

– Tổ chức xây dựng và bảo đảm thực hiện các chính sách xã hội.

– Xây dựng hệ thống pháp luật để bảo đảm thực hiện các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân.

Hai chức năng cơ bản trên đây của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có mối quan hệ hữu cơ và thống nhất với nhau, trong đó chức năng tổ chức và xây dựng là căn bản nhất và giữ vai trò quyết định. Bởi vì, với nhà nước xã hội chủ nghĩa, chức năng đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội "mới chỉ là những công việc quét dọn trước khi xây dựng, chứ chưa phải là đích thân việc xây dựng"(1) như Lê- nin đã khẳng định.

(1) Xem V.I. Lê-nin : Toàn tập, Sđd, 2006, tập 39, tr. 27.

d) Vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống chính trị

Để hiểu được vấn đề này, trước hết chúng ta cần hiểu hệ thống chính trị là gì.

Hệ thống chính trị là tập hợp các thiết chế chính trị, bao gồm nhà nước, các đảng phái chính trị, các tổ chức chính trị xã hội có quan hệ gắn bó hữu cơ và tác động qua lại lẫn nhau nhằm thực hiện quyền lực chính trị của giai cấp cầm quyền.

Hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội khác như : Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam...

Là một yếu tố cấu thành của hệ thống chính trị, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những vai trò sau :

– Thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam ; thể chế hoá và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.

– Tổ chức xây dựng xã hội mới – xã hội xã hội chủ nghĩa.

– Là công cụ hữu hiệu để Đảng thực hiện vai trò của mình đối với toàn xã hội.

– Là công cụ chủ yếu của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3. Trách nhiệm của công dân trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, vì vậy, mọi công dân đều phải có trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng và bảo vệ Nhà nước. Cụ thể là :

– Gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

– Tích cực tham gia các hoạt động : xây dựng, củng cố, bảo vệ chính quyền ; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

– Phê phán, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật.

– Thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Là công dân trẻ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường, em thấy mình có trách nhiệm gì trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam ?

III – TƯ LIỆU THAM KHẢO

1. Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

2. V.I. Lê-nin : "Chuyên chính vô sản... không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột, và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Cơ sở kinh tế của bạo lực cách mạng đó, cái bảo đảm sức sống và thắng lợi của nó chính là việc giai cấp vô sản đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Đấy là thực chất của vấn đề. Đấy là nguồn sức mạnh, là điều bảo đảm cho thắng lợi hoàn toàn và tất nhiên của chủ nghĩa cộng sản."(1)

(1) V.I. Lê-nin : Toàn tập, Sđd, 2006, tập 39, tr. 15–16.

IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Trong lịch sử xã hội loài người, nhà nước xuất hiện từ khi nào? Tại sao khi đó nhà nước xuất hiện ?

2. Giải thích tại sao nhà nước mang bản chất giai cấp của giai cấp thống trị ? Cho ví dụ minh hoạ.

3. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là gì ? Tại sao nói Nhà nước ta mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân rộng rãi và tính dân tộc sâu sắc ?

4. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những chức năng cơ bản nào ? Chức năng nào là cơ bản nhất ? Tại sao?

5. Vai trò của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hệ thống chính trị ở nước ta như thế nào ?

6. Mỗi công dân cần phải làm gì để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta ?

7. Em hãy nêu những ví dụ thể hiện Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

8. Hãy nêu những việc làm của chính quyền địa phương nhằm phát huy quyền dân chủ của nhân dân mà em biết.

9. Là một học sinh, em phải làm gì để góp phần xây dựng chính quyền vững mạnh ở địa phương mình ?

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Giáo Dục Công Dân 11

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

lich-su-7-856

Lịch Sử 7

Sách Giáo Khoa Lớp 7 NXB Giáo Dục

bai-giai-sinh-hoc-12-nang-cao-784

Bài giải SINH HỌC 12 (Nâng Cao)

SGK Lớp 12 NXB Giáo Dục

giao-duc-the-chat-7-875

Giáo Dục Thể Chất 7

Sách Lớp 7 Cánh Diều

ngu-van-7-tap-1-893

Ngữ Văn 7 - Tập 1

Sách Lớp 7 Kết Nối Tri Thức

giao-duc-the-chat-1-28

GIÁO DỤC THỂ CHẤT 1

Sách Lớp 1 Chân Trời Sáng Tạo

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.