I – MỞ ĐẦU BÀI HỌC
Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng, thông minh, sáng tạo, với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Ngày nay, dân tộc ta đang đứng trước thách thức của cuộc đấu tranh chống đói nghèo, lạc hậu, khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Vì vậy, mỗi chúng ta phải làm gì để góp phần xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh ?
Học xong bài này, học sinh cần:
– Nêu được thế nào là sản xuất của cải vật chất và vai trò của sản xuất của cải vật chất đối với đời sống xã hội.
– Nêu được các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất và mối quan hệ giữa chúng.
– Nêu được nội dung và ý nghĩa của sự phát triển kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
– Biết được mỗi người phải làm gì để góp phần phát triển kinh tế đất nước.
– Tích cực tham gia xây dựng kinh tế gia đình và địa phương.
II – NỘI DUNG BÀI HỌC
1. Sản xuất của cải vật chất
a) Thế nào là sản xuất của cải vật chất ?
Sản xuất của cải vật chất là sự tác động của con người vào tự nhiên, biến đổi các yếu tố của tự nhiên để tạo ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
b) Vai trò của sản xuất của cải vật chất
– Sản xuất của cải vật chất là cơ sở tồn tại của xã hội.
Trong đời sống xã hội, loài người có nhiều mặt hoạt động như hoạt động kinh tế, chính trị, văn hoá, khoa học... Các hoạt động này ngày càng phong phú, đa dạng. Để tiến hành các hoạt động nói trên, trước hết con người phải tồn tại. Muốn tồn tại, con người phải có thức ăn, đồ mặc, nhà ở, phương tiện đi lại và nhiều thứ cần thiết khác. Để có những thứ đó, con người phải sản xuất và sản xuất với quy mô ngày càng lớn. Xã hội sẽ không tồn tại nếu ngừng sản xuất ra của cải vật chất.
Công ti sản xuất giày Thanh niên xung phong Hải Phòng
Ảnh : TTXVN
– Sản xuất của cải vật chất quyết định mọi hoạt động của xã hội.
Sự phát triển của hoạt động sản xuất là tiền đề, là cơ sở thúc đẩy việc mở rộng các hoạt động khác của xã hội, sáng tạo ra toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Đồng thời, thông qua hoạt động sản xuất của cải vật chất, con người ngày càng được hoàn thiện và phát triển toàn diện.
Vì vậy, sản xuất vật chất giữ vai trò là cơ sở của sự tồn tại và phát triển của xã hội, xét đến cùng quyết định toàn bộ sự vận động của đời sống xã hội.
2. Các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất
Để thực hiện quá trình sản xuất, cần phải có những yếu tố cơ bản nào ?
Mọi quá trình sản xuất đều là sự kết hợp của ba yếu tố cơ bản : sức lao động, đối tượng lao động và tư liệu lao động.
a) Sức lao động
Sức lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần của con người được vận dụng vào quá trình sản xuất.
Sức lao động khác với lao động. Sức lao động mới chỉ là khả năng của lao động, còn lao động là sự tiêu dùng sức lao động trong hiện thực.
Lao động là hoạt động có mục đích, có ý thức của con người làm biến đổi những yếu tố của tự nhiên cho phù hợp với nhu cầu của con người.
Em hiểu như thế nào về câu nói sau đây của C. Mác :
"Con nhện làm những động tác giống như động tác của người thợ dệt, và bằng việc xây dựng những ngăn tổ sáp của mình, con ong còn làm cho một số nhà kiến trúc phải hổ thẹn. Nhưng điều ngay từ đầu phân biệt nhà kiến trúc tồi nhất với con ong giỏi nhất là trước khi xây dựng những ngăn tổ ong bằng sáp, nhà kiến trúc đã xây dựng chúng ở trong đầu óc của mình rồi"(1).
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen : Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 23, tr. 266 267.
Lao động là hoạt động bản chất nhất của con người, là tiêu chuẩn để phân biệt con người với loài vật. Hoạt động tự giác, có ý thức, có mục đích, biết chế tạo ra công cụ lao động là phẩm chất đặc biệt của con người.
b) Đối tượng lao động
Đối tượng lao động là những yếu tố của tự nhiên mà lao động của con người tác động vào nhằm biến đổi nó cho phù hợp với mục đích của con người.
Đối tượng lao động có thể chia thành hai loại :
– Loại có sẵn trong tự nhiên như gỗ trong rừng, quặng trong lòng đất, tôm cá dưới sông, biển... mà con người chỉ cần khai thác là dùng được. Loại này thường là đối tượng lao động của các ngành công nghiệp khai thác.
– Loại đã trải qua tác động của lao động, được cải biến ít nhiều như sợi để dệt vải, sắt thép để chế tạo máy... gọi là nguyên liệu. Loại này thường là đối tượng lao động của các ngành công nghiệp chế biến.
Cùng với sự phát triển của lao động sản xuất và khoa học – kĩ thuật, đối tượng lao động ngày càng đa dạng, phong phú ; con người ngày càng tạo ra nhiều nguyên vật liệu "nhân tạo" có tính năng, tác dụng theo ý muốn. Tuy nhiên, những nguyên vật liệu "nhân tạo" đó cũng đều có nguồn gốc từ tự nhiên.
c) Tư liệu lao động
Tư liệu lao động là một vật hay hệ thống những vật làm nhiệm vụ truyền dẫn sự tác động của con người lên đối tượng lao động, nhằm biến đổi đối tượng lao động thành sản phẩm thoả mãn nhu cầu của con người.
Tư liệu lao động được chia thành ba loại :
– Công cụ lao động hay công cụ sản xuất như : cày, cuốc, máy móc,...
– Hệ thống bình chứa của sản xuất như : ống, thùng hộp...
– Kết cấu hạ tầng của sản xuất như : đường sá, bến cảng, sân bay... là điều kiện rất cần thiết đối với sản xuất. Do vậy, phát triển kết cấu hạ tầng của sản xuất phải đi trước một bước so với sản xuất trực tiếp.
Em hãy tìm thêm ví dụ về các loại tư liệu lao động nói trên.
Trong các yếu tố cấu thành tư liệu lao động thì công cụ lao động là yếu tố quan trọng nhất. Nó là một trong những căn cứ cơ bản để phân biệt các thời đại kinh tế. C. Mác viết : "Những thời đại kinh tế khác nhau không phải là ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào"(1).
Một vật nào đó là tư liệu lao động hay là đối tượng lao động tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng gắn với chức năng mà nó đảm nhận trong quá trình sản xuất.
Ví dụ :
Cây gỗ là đối tượng lao động của người thợ mộc, nhưng là tư liệu lao động của người thợ chống lò trong hầm mỏ.
Đối tượng lao động và tư liệu lao động kết hợp lại thành tư liệu sản xuất. Vì vậy, quá trình lao động sản xuất là sự kết hợp giữa sức lao động với tư liệu sản xuất.
Trong các yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất, tư liệu lao động và đối tượng lao động bắt nguồn từ tự nhiên. Còn sức lao động với tính sáng tạo, giữ vai trò quan trọng và quyết định nhất. Suy đến cùng, trình độ phát triển của tư liệu sản xuất là sự phản ánh sức lao động sáng tạo của con người. Một quốc gia không giàu về tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn có thể trở thành một cường quốc kinh tế, nếu ở đó sức lao động có chất lượng cao. Một xã hội muốn có nhiều của cải vật chất phải thường xuyên chăm lo phát triển nguồn lực con người ; khôi phục và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường ; sử dụng các yếu tố sản xuất một cách hợp lí và có hiệu quả nhất. Vì vậy, việc thường xuyên rèn luyện, học tập để nâng cao hiệu quả lao động và góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường là trách nhiệm của mọi công dân.
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen : Toàn tập, tập 23, Sđd, tr. 269.
3. Phát triển kinh tế và ý nghĩa của phát triển kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội
a) Phát triển kinh tế
Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với cơ cấu kinh tế hợp lí, tiến bộ và công bằng xã hội.
Phát triển kinh tế bao gồm ba nội dung chủ yếu :
– Phát triển kinh tế biểu hiện trước hết ở sự tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế là sự tăng lên về số lượng, chất lượng sản phẩm và các yếu tố của quá trình sản xuất ra nó. Quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế là căn cứ quan trọng để xác định phát triển kinh tế, trong đó có sự tác động của mức tăng dân số. Vì vậy, để phát triển kinh tế, các quốc gia không chỉ chú ý thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn phải có chính sách dân số phù hợp.
– Sự tăng trưởng kinh tế phải dựa trên cơ cấu kinh tế hợp lí, tiến bộ để đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững.
Mọi nền kinh tế đều tồn tại và vận động trong một cơ cấu nhất định.
Vậy, cơ cấu kinh tế là gì ?
Cơ cấu kinh tế là tổng thể mối quan hệ hữu cơ, phụ thuộc và quy định lẫn nhau cả về quy mô và trình độ giữa các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế, các vùng kinh tế.
Trong các cơ cấu kinh tế nói trên của nền kinh tế thì cơ cấu kinh tế ngành là quan trọng nhất.
Cơ cấu kinh tế hợp lí là cơ cấu kinh tế phát huy được mọi tiềm năng, nội lực của toàn bộ nền kinh tế ; phù hợp với sự phát triển của khoa học và công nghệ hiện đại ; gắn với phân công lao động và hợp tác quốc tế.
Cơ cấu kinh tế biến đổi theo hướng tiến bộ là cơ cấu kinh tế có tỉ trọng của các ngành dịch vụ và công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc dân tăng dần, tỉ trọng của ngành nông nghiệp giảm dần.
Em hãy tìm hiểu và nhận xét về cơ cấu kinh tế ngành của địa phương mình.
– Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người có quyền bình đẳng trong đóng góp và hưởng thụ kết quả của tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế phải phù hợp với sự biến đổi nhu cầu phát triển toàn diện của con người và xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái. Mức độ thoả mãn các nhu cầu cơ bản của con người thể hiện ở sự tăng lên của thu nhập thực tế và chất lượng văn hoá, giáo dục, y tế, môi trường... mà mỗi người dân được hưởng. Nội dung này của phát triển kinh tế phản ánh mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Tăng trưởng kinh tế cao tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết công bằng xã hội, khi công bằng xã hội được đảm bảo sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế.
b) Ý nghĩa của phát triển kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội
– Đối với cá nhân
Phát triển kinh tế tạo điều kiện cho mỗi người có việc làm và thu nhập ổn định, cuộc sống ấm no ; có điều kiện chăm sóc sức khoẻ, nâng cao tuổi thọ ; đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng phong phú ; có điều kiện học tập, tham gia các hoạt động xã hội, phát triển con người toàn diện...
– Đối với gia đình
Phát triển kinh tế là tiền đề, là cơ sở quan trọng để thực hiện tốt các chức năng của gia đình : chức năng kinh tế, chức năng sinh sản, chức năng chăm sóc và giáo dục, đảm bảo hạnh phúc gia đình ; xây dựng gia đình văn hoá... để gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
– Đối với xã hội
+ Phát triển kinh tế làm tăng thu nhập quốc dân và phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của cộng đồng được cải thiện như giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ em ; giảm bớt tình trạng đói nghèo...
+ Phát triển kinh tế tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm, giảm thất nghiệp, giảm tệ nạn xã hội.
+ Phát triển kinh tế là tiền đề vật chất để phát triển văn hoá, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác của xã hội ; đảm bảo ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội.
+ Phát triển kinh tế tạo điều kiện vật chất để củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững chế độ chính trị, tăng hiệu lực quản lí của Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
+ Đối với nước ta, phát triển kinh tế còn là điều kiện tiên quyết để khắc phục sự tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước tiên tiến trên thế giới ; xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, mở rộng quan hệ quốc tế, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tóm lại, tích cực tham gia phát triển kinh tế vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của công dân, góp phần thực hiện dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.
III – TƯ LIỆU THAM KHẢO
1. C. Mác : "Sức lao động hay năng lực lao động là toàn bộ những năng lực thể chất và tinh thần tồn tại trong một cơ thể, trong một con người đang sống, và được người đó đem ra vận dụng mỗi khi sản xuất ra một giá trị sử dụng nào đó"(1).
2. C. Mác : "Trong khi tác động vào tự nhiên ở bên ngoài thông qua sự vận động đó, và làm thay đổi tự nhiên, con người cũng đồng thời làm thay đổi bản tính của chính nó"(2).
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen : Toàn tập, Sđd, tập 23, tr. 251.
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen : Toàn tập, Sđd, tập 23, tr. 266.
3. C. Mác : "Người ta chỉ sản xuất được khi hợp tác với nhau theo một cách nào đó và trao đổi hoạt động với nhau. Muốn sản xuất được, người ta phải có những mối quan hệ với nhau và chỉ trong phạm vi những mối liên hệ và quan hệ xã hội đó thì mới có tác động vào tự nhiên, vào sản xuất được"(1).
4. Đảng Cộng sản Việt Nam : "Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững"(2).
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen : Tuyển tập, NXB Sự thật, Hà Nội, 1971, tập 2, tr. 541.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 108, 109.
IV – CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Hãy phân biệt đối tượng lao động với tư liệu lao động của một số ngành sản xuất mà em biết.
2. Hãy chỉ ra những điều kiện khách quan, chú quan để người có sức lao động thực hiện được quá trình lao động.
3. Hãy cho biết vì sao Đảng ta xác định : Phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu ?
4. Em hãy trình bày những nội dung cơ bản của phát triển kinh tế và biểu hiện của nó ở nước ta hiện nay.
5. Nêu một ví dụ về ý nghĩa của phát triển kinh tế đối với cá nhân, gia đình và xã hội.
6. Vì sao sự phát triển kinh tế phải đặt trong mối quan hệ với sự gia tăng dân số và bảo vệ môi trường ?
7. Hãy cho biết vài nét về phát triển kinh tế của gia đình mình và em có thể làm gì để phát triển kinh tế gia đình.