(Trang 75)
Thảo luận về một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi (ý thức trách nhiệm với cộng đồng của học sinh)
Trước những vấn đề của cuộc sống, không phải mọi người đều nhận thức giống nhau. Do vậy, chúng ta cần biết tổ chức thảo luận. Việc thảo luận đòi hỏi chúng ta phải nắm được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi, trình bày lại được các nội dung đó để hiểu sâu hơn về vấn đề và nâng cao khả năng nói. Cũng qua thảo luận, ta mới thấy được trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng, đất nước, từ đó biết hành động một cách đúng đắn.
1 TRƯỚC KHI THẢO LUẬN
Mục đích thảo luận Để những người tham gia thảo luận cùng hiểu đúng bản chất của vấn đề, tạo được sự đồng thuận, từ đó có thái độ và hành động phù hợp. Người nghe Các thành viên tham gia cuộc thảo luận và những người tham dự buổi thảo luận do muốn hiểu thêm về vấn đề. |
- Từng thành viên trong lớp cần nêu vấn đề theo góc nhìn của mình, tập thể lớp trao đổi, thống nhất chọn một vấn đề trong đời sống phù hợp với lứa tuổi, được nhiều người quan tâm làm đề tài cho cuộc thảo luận. Có thể xem lại các đề tài đã gợi ý ở phần Viết, hoặc tham khảo thêm một số đề tài sau để lựa chọn:
+ Học sinh có cần quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đất nước?
(Trang 76)
+ Học sinh có trách nhiệm như thế nào với vấn đề trật tự an toàn giao thông?
+ Học sinh cần làm gì để góp phần giữ gìn tiếng nói của dân tộc?
- Sau khi thống nhất đề tài, mỗi cá nhân tự tìm hiểu, tham khảo thêm những tài liệu có liên quan, ghi chép nhanh các ý nảy sinh trong quá trình suy nghĩ để chuẩn bị phát biểu ý kiến thảo luận.
- Lớp cử một người điều hành thảo luận đảm nhận việc sắp xếp, giới thiệu tuần tự các ý kiến, định hướng vào trọng tâm đề tài, kiểm soát thời gian phát biểu ý kiến của từng người; tổ chức đánh giá, tổng kết cuộc thảo luận.
- Cử một thư kí ghi ghép các ý kiến trong cuộc thảo luận.
2 THẢO LUẬN
- Người điều hành nhắc lại đề tài, nêu định hướng và mục đích thảo luận.
- Theo định hướng của người điều hành, các thành viên trong lớp lần lượt phát biểu ý kiến. Ý kiến cần tập trung vào trọng tâm vấn đề, phân tích từng khía cạnh, có lí lẽ và bằng chứng để thuyết phục người nghe.
- Người phát biểu sau có thể bàn luận về vấn đề theo góc nhìn riêng, tán thành hay phản đối ý kiến của người phát biểu trước, trên cơ sở đó, khẳng định quan điểm của mình.
- Các thành viên tham gia thảo luận cần nắm được nội dung chính mà nhóm đã trao đổi và trình bày lại được nội dung các ý kiến đó.
- Thư kí ghi chép các ý kiến, người điều hành dựa vào đó tổng hợp, kết luận về vấn đề. Tuỳ thực tế cuộc thảo luận, người điều hành có thể khẳng định sự đồng thuận của các ý kiến hoặc khái quát các nhóm ý kiến khác nhau. Mục đích cuối cùng là để mọi người hiểu sâu sắc hơn về bản chất của vấn đề và có thái độ, hành động phù hợp.
3 ĐÁNH GIÁ
Sau khi thảo luận, cả lớp cần tập trung trao đổi về một số khía cạnh:
- Vấn đề đời sống được thảo luận thực sự có ý nghĩa không, có tác động gì đến nhận thức của bản thân?
- Các ý kiến phát biểu đã tập trung vào trọng tâm của vấn đề chưa, có tác dụng làm sáng tỏ vấn đề như thế nào?
- Các thành viên tương tác với nhau ở mức độ nào, có thể hiện thái độ tôn trọng, học hỏi nhau trong thảo luận không?
- Người điều hành và thư kí đã thể hiện đúng vai trò của mình chưa?