1. KHÁI QUÁT VỀ DÂN CƯ VÀ ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN KINH TẾ KHU VỰC ĐÔNG Á
Đông Á là khu vực có dân số rất đông, nhiều hơn dân số của các châu lục lớn như châu Phi, châu Âu, châu Mĩ. Các quốc gia và lãnh thổ của Đông Á có nền văn hoá rất gần gũi với nhau.
Bảng 13.1. Dân số các nước và vùng lãnh thổ Đông Á năm 2002 (triệu người)
Trung Quốc | Nhật Bản | CHDCND Triều Tiên | Hàn Quốc | Đài Loan |
1288,0 | 127,4 | 23,2 | 48,4 | 22,5 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2002. NXB Thống kê, Hà Nội, 2003.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền kinh tế các nước Đông Á đều kiệt quệ, đời sống nhân dân rất cực khổ. Ngày nay nền kinh tế các nước và vùng lãnh thổ Đông Á có đặc điểm:
Phát triển nhanh và duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Quá trình phát triển đi từ sản xuất thay thế hàng nhập khẩu đến sản xuất để xuất khẩu. Biểu hiện điển hình là sự phát triển của Nhật Bản. Hàn Quốc và Trung Quốc.
Bảng 13.2. Xuất, nhập khẩu của một số quốc gia Đông Á năm 2001 (tỉ USD)
Tiêu chí | Quốc gia | ||
Nhật Bản | Trung Quốc | Hàn Quốc | |
Xuất khẩu Nhập khẩu | 403,50 349,09 | 266,620 243,520 | 150,44 141,10 |
Nguồn: Số liệu kinh tế - xã hội các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. NXB Thống kê, Hà Nội, 2002.
Dựa vào bảng 13.2, em hãy cho biết tình hình xuất, nhập khẩu của một số nước Đông Á. Nước nào có giá trị xuất khẩu vượt giá trị nhập khẩu cao nhất trong số ba nước đó?
2. ĐẶC ĐIỂM PHÁT TRIỂN CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA ĐÔNG Á
a) Nhật Bản
Từ sau năm 1945, Nhật Bản tập trung khôi phục và phát triển kinh tế. Ngày nay, Nhật Bản là cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kì.
Trong quá trình phát triển, Nhật Bản đã tổ chức lại nền kinh tế, phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn phục vụ xuất khẩu.
Các ngành công nghiệp hàng đầu thế giới của Nhật Bản:
- Công nghiệp chế tạo ô tô, tàu biển.
- Công nghiệp điện tử: chế tạo các thiết bị điện tử, máy tính điện tử, người máy công nghiệp.
- Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng: đồng hồ, máy ảnh, xe máy, máy giặt, máy lạnh...
Các sản phẩm công nghiệp nói trên được khách hàng ưa chuộng và có bán rộng rãi trên thế giới.
Nhờ những thành tựu trong sản xuất công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ... thu nhập của người Nhật Bản rất cao.
Bình quân GDP đầu người của Nhật Bản năm 2001 đạt 33 400 USD. Chất lượng cuộc sống cao và ổn định.
b) Trung Quốc
Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới. Nhờ đường lối chính sách cải cách và mở cửa, phát huy được nguồn lao động dồi dào, nguồn tài nguyên phong phú nên trong vòng 20 năm trở lại đây nền kinh tế Trung Quốc đã có những thay đổi lớn lao.
Bảng 133. Sản lượng một số sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Trung Quốc năm 2001
Lương thực | Than | Dầu mỏ | Thép | |
Sản lượng (triệu tấn) | 385,5 | 1110 | 165 | 152,6 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2002. NXB Thống kê, Hà Nội, 2003
Thành tựu quan trọng nhất của nền kinh tế Trung Quốc trong mấy chục năm qua là:
- Nền nông nghiệp phát triển nhanh và tuơng đối toàn diện, nhờ đó giải quyết tốt vấn đề lương thực cho gần 1,3 tỉ nguời.
- Phát triển nhanh chóng một nền công nghiệp hoàn chỉnh, trong đó có một số ngành công nghiệp hiện đại như điện tử, cơ khí chính xác, nguyên tử, hàng không vũ trụ.
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định (từ 1995 - 2001 tốc độ tăng hàng năm trên 7%), sản lượng của nhiều ngành như lương thực, than, điện năng đứng hàng đầu thế giới.
Đông Á là khu vực có dân số rất đông. Hiện nay các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực có sự phát triển nhanh và một số trở thành các nền kinh tế mạnh của thế giới. Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển cao. Hàn Quốc, Đài Loan là nước và vùng lãnh thổ công nghiệp mới. Trung Quốc có nền kinh tế phát triển nhanh và đầy tiềm năng.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Em hãy nêu tên các nước, vùng lãnh thổ thuộc Đông Á và vai trò của các nước, vùng lãnh thổ đó trong sự phát triển hiện nay trên thế giới.
2. Dựa vào bảng 13.1 và 5.1 em hãy tính số dân Đông Á năm 2002, tỉ lệ dân số Trung Quốc so với dân so châu Á và dân số khu vực Đông Á.
3. Em hãy nêu những ngành sản xuất công nghiệp của Nhật Bản đứng hàng đầu thế giới.