1. VIỆT NAM LÀ NƯỚC GIÀU TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN
Ngành địa chất Việt Nam đã khảo sát, thăm dò được khoảng 5000 điểm quặng và tụ khoáng của gần 60 loại khoáng sản khác nhau, trong đó có nhiều loại đã và đang được khai thác.
Phần lớn các khoáng sản của ta có trữ lượng vừa và nhỏ. Một số khoáng sản có trữ lượng lớn là than, dầu khí, apatit, đá vôi, sắt, crôm, đồng, thiếc, bôxit (quặng nhôm).
Em hãy tìm trên hình 26.1 một số mỏ khoáng sản lớn nêu trên.
2. SỰ HÌNH THÀNH CÁC VÙNG MỎ CHÍNH Ở NUỚC TA
a) Giai đoạn Tiền Cambri
Giai đoạn này có các mỏ than chì, đồng, sắt, đá quý... phân bố tại các nền cổ, đá bị biến chất mạnh như khu nền cổ Việt Bắc, Hoàng Liên Sơn, Kon Tum...
b) Giai đoạn Cổ kiến tạo
Giai đoạn này có nhiều vận động tạo núi lớn, đã sản sinh rất nhiều loại khoáng sản và phân bố trên khắp lãnh thổ nước ta. Các khoáng sản chính là apatit, than, sắt, thiếc, mangan, titan, vàng, đất hiếm, bôxit trầm tích, đá vôi, đá quý...
c) Giai đoạn Tân kiến tạo
Khoáng sản chủ yếu là dầu mỏ, khi đốt, than nâu, than bùn tập trung ở các bồn trầm tích ngoài thềm lục địa và dưới đồng bằng châu thổ sông Hồng, sông Cửu Long..., các mỏ bôxit (quặng nhôm) ở Tây Nguyên.
Em hãy tìm trên hình 26.1 các mỏ chính ở nước ta được nêu trong bảng 26.1.
3. VẤN ĐỀ KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN
Khoáng sản là loại tài nguyên không thể phục hồi. Do đó, dù giàu có đến đâu chúng ta cũng phải khai thác hợp lí, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên này.
Hiện nay một số khoáng sản của nước ta có nguy cơ bị cạn kiệt và sử dụng còn lãng phí.
Em hãy cho biết một số nguyên nhân dẫn tới hậu quả đó và cho một số dẫn chứng.
Việc khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản ở một số vùng của nước ta như vùng mỏ Quảng Ninh, Thái Nguyên, Vũng Tàu v.v... đã làm ô nhiễm môi trường sinh thái. Cần phải thực hiện nghiêm chỉnh Luật khoáng sản của Nhà nước ta.
Nước ta có nguồn khoáng sản phong phú, đa dạng. Phần lớn các mỏ có trữ lượng vừa và nhỏ. Một số mỏ lớn là than, dầu mỏ, khí đốt, bôxit, sắt, crôm, thiếc, apatit, đất hiếm và đá vôi.
Cần thực hiện tốt Luật khoáng sản để khai thác hợp lí, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá của nước ta.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Chứng minh rằng nước ta có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng.
2. Nêu một số nguyên nhân làm cạn kiệt nhanh chóng một số tài nguyên khoáng sản nước ta.
3. Điền lên bản đồ trống các mỏ khoáng sản sau đây: than, dầu mỏ, bôxit, sắt, crôm, thiếc, apatit, đá quý.
Bảng 26.1. Các khoáng sản chính
Các giai đoạn | Các vùng mỏ chính | Các mỏ chính |
Tiền Cambri | Việt Bắc và hữu ngạn sông Hồng | Than, chì, đồng, vàng (Lào Cai); đá quý (Yên Bái), sắt (Tòng Bá - Hà Giang). |
Nền cổ Kon Turn | Vàng (Quảng Nam và tây Kon Tum, Gia Lai), đá quý, đất hiếm. | |
Cổ kiến tạo | Đông Bắc Bắc Bộ | Tại Thái Nguyên: sắt (Trại Câu), than đá (Quán Triều), than mỡ (Làng Cẩm), titan (Núi Chúa), đá vôi. |
Tại Quảng Ninh: than đá (Cẩm Phả, Đèo Nai, Mạo Khê, Uông Bí...); đá vôi, cát, sét... | ||
Tại Cao Bằng, Lạng Sơn: thiếc (Tinh Túc), bô-xit, mangan (Trùng Khánh), đá vôi. | ||
Tây Bắc | Đồng (Sơn La), vàng (Mai Sơn - Hoà Bình), barit (Nậm Xe - Lai Châu), đất hiếm (Phong Thổ - Lai Châu), đá vôi. | |
Bắc Trung Bộ | Crôm (Cô Định - Thanh Hoá), thiếc (Quỳ Hợp - Nghệ An), sắt (Thạch Khê - Hà Tĩnh), đá quý (Quỳ Châu - Nghệ An), đá vôi. | |
Tây Nguyên | Cao lanh, kim loại màu (Lâm Đồng). | |
Tân kiến tạo | Các đồng bằng | Than nâu, dầu mỏ, khí tự nhiên (Đồng bằng sông Hồng), than bùn (Đồng bằng sông Cửu Long). |
Thềm lục địa | Dầu mỏ, khí đốt. | |
Tây Nguyên | Bô-xit (Lâm Đồng, Đắk Lắk...). |