Trước sự xâm lược của thực dân Pháp, một số nhà nho yêu nước như Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ,... chủ trương canh tân đất nước để đủ sức tự lập, tự cường.
Nguyễn Trường Tộ quê ở Nghệ An. Thuở nhỏ, ông thông minh hiểu biết hơn người, được dân trong vùng gọi là “Trạng Tộ”.
Năm 1860, Nguyễn Trường Tộ được sang Pháp. Trong những năm ở Pháp, ông chú ý quan sát, tìm hiểu sự giàu có, văn minh của nước Pháp để tìm cách đưa nước nhà thoát khỏi cảnh nghèo đói, lạc hậu.
Về nước, Nguyễn Trường Tộ trình lên vua Tự Đức nhiều bản điều trần, bày tỏ mong muốn làm cho đất nước giàu mạnh.
Ông đề nghị mở rộng quan hệ ngoại giao với nhiều nước, thông thương với thế giới, thuê người nước ngoài đến giúp nhân dân ta khai thác các nguồn lợi về biển, rừng, đất đai, khoáng sản ; mở các trường dạy đóng tàu, đúc súng, sử dụng máy móc,…
Nguyễn Trường Tộ
- Theo em, qua những đề nghị nêu trên, Nguyễn Trường Tộ mong muốn điều gì?
Vua quan nhà Nguyễn không hiểu biết tình hình các nước trên thế giới và cũng không muốn có những thay đổi trong nước. Ví dụ, khi nghe kể về chuyện đèn điện không có dầu vẫn sáng, xe đạp (hai bánh) vẫn chạy băng băng mà không đổ, họ cho đó là sự bịa đặt.
Trước những đề nghị canh tân của Nguyễn Trường Tộ, các quan trong triều có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Vua Tự Đức cho rằng không cần nghe theo Nguyễn Trường Tộ, bởi: những phương pháp cũ đã đủ để điều khiển quốc gia rồi. Cuối cùng, những đề nghị canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ không được thực hiện.
Mặc dù vậy, người đời sau vẫn kính trọng ông, coi ông là người hiểu biết sâu rộng, có lòng yêu nước và mong muốn dân giàu, nước mạnh.
- Tại sao Nguyễn Trường Tộ được người đời sau kính trọng?
Nguyễn Trường Tộ đã nhiều lần đề nghị canh tân đất nước. Nhưng những đề nghị của ông không được vua quan nhà Nguyễn nghe theo và thực hiện.
Chú thích
- Canh tân : từ bỏ những cách làm cũ, lạc hậu, thực hiện cách làm mới để đạt được sự phát triển tốt đẹp hơn.
- Bản điều trần : bản ý kiến (hay bản hiến kế) trình lên vua.