Vừa giành được độc lập, Việt Nam muốn có hoà bình để xây dựng đất nước. Chính phủ ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nhiều lần nhân nhượng với Pháp. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn được âm mưu xâm lược của chúng. Sau khi đánh chiếm Sài Gòn, thực dân Pháp mở rộng xâm lược Nam Bộ, đánh chiếm Hải Phòng, Hà Nội. Ngày 18 - 12 - 1946, Pháp gửi tối hậu thư đe doạ, đòi Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Hà Nội cho chúng. Nếu ta không chấp nhận thì chúng sẽ nổ súng tấn công ; bắt đầu từ ngày 20 - 12 - 1946, quânđội Pháp sẽ đảm nhiệm việc trị an ở thành phố Hà Nội.
Đêm 18 rạng sáng 19 - 12 - 1946, Trung ương Đảng và Chính phủ họp, quyết định phát động toàn quốc kháng chiến.
Sáng 20 - 12 - 1946, Đài tiếng nói Việt Nam phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh :
“Hỡi đồng bào toàn quốc !
Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa !
Không ! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.”
-Lời kêu gọi của Bác Hồ thể hiện điều gì ?
Hà Nội nêu cao tấm gương “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Những chiến sĩ Vệ quốc quân và tự vệ của Thủ đô đã giành giật với địch từng góc phố. Đồng bào đã khuân bàn ghế, giường, tủ, hòm xiểng, cánh cửa,… ra đường phố làm chướng ngại vật cản bước quân địch. Ròng rã 60 ngày đêm, ta đánh hơn 200 trận, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2000 tên, giam chân địch để bảo vệ cho hàng vạn đồng bào và Chính phủ rời thành phố về căn cứ kháng chiến.
Hình 1. Nhân dân phố Mai Hắc Đế (Hà Nội) dùng giường, tủ… dựng chiến luỹ trên đường phố để ngăn cản quân Pháp, cuối năm 1946
Ở Huế, rạng sáng 20 - 12 - 1946, quân và dân ta nhất tề vùng lên nổ súng vào các vị trí địch chiếm đóng ở phía nam bờ sông Hương. Sau gần 50 ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân và dân Thừa Thiên - Huế đã tiêu diệt khoảng 200 tên địch, sau đó rút khỏi thành phố để kháng chiến lâu dài. Ở Đà Nẵng, sáng 20 - 12 - 1946, ta nổ súng tấn công địch. Trung đoàn Vệ quốc quân Quảng Nam cùng tự vệ và nhân dân kiên cường chặn đánh địch từ trung tâm đến ngoại ô thành phố. Hàng vạn người dân các huyện lân cận đào công sự, xây dựng các tuyến chiến hào nhiều tầng, lập vành đai bao vây thành phố, giam chân địch trong một thời gian dài.
Hình 2. Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh
Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc chiến đấu chống quân xâm lược cũng diễn ra quyết liệt. Nhân dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài với niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi”.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước ta giành được độc lập nhưng thực dân Pháp quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.
Cả dân tộc Việt Nam đứng lên kháng chiến với tinh thần “thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Chú thích
-Tối hậu thư : văn bản gồm những điều kiện buộc đối phương phải chấp nhận, nếu không sẽ bị tấn công tiêu diệt.
-Vệ quốc quân : tên gọi của Quân đội nhân dân Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945.