Trước khi đọc
Anh hùng là những người được ngưỡng mộ vì những phẩm chất cao quý hay thành tích phi thường. Họ có thể là những người nổi tiếng hoặc là những người bình thường sống xung quanh ta.
1. Đối với em, ai là người anh hùng? Người đó có những phẩm chất và thành tích gì khiến em ngưỡng mộ?
2. Thiết kế bản giới thiệu ngắn về một người anh hùng với các nội dung: tên, phẩm chất, chiến công. Trang trí bản giới thiệu bằng các hình ảnh phù hợp và sử dụng bản giới thiệu để nói về người anh hùng.
Đọc văn bản
THÁNH GIÓNG(1)
Tục truyền(2), đời Hùng Vương(3) thứ sáu, ở làng Phù Đổng(4) có hai vợ chồng ông lão nhà nghèo, chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức(5). Hai ông bà ao ước có một chút con để tuổi già đỡ hiu quạnh. Một hôm, bà ra đồng, trông thấy một vết chân rất to hơn chân người thường. Thấy hay hay, bà đặt bàn chân mình vào, ướm thử. Không ngờ về nhà bà thụ thai, rồi sau mười hai tháng thai nghén, bà sinh ra một em bé, mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng lấy làm mừng lắm. Nhưng kì lạ thay, chú bé đã ba tuổi mà chẳng biết cười, biết nói gì cả, và cũng không nhích đi được bước nào, đặt đâu nằm đấy [...]
Bấy giờ, có giặc Ân(6) đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc rất mạnh, nhà vua lo sợ, bèn truyền(7) sứ giả(8) đi khắp nơi, tìm người tài giỏi cứu nước. Chú bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói với mẹ:
- Mẹ ra mời sứ giả vào đây, con xin thưa chuyện.
Sứ giả vào. Chú bé bảo:
- Ông về tâu(9) với vua, đúc cho ta một con ngựa bằng sắt, làm cho ta một bộ áo giáp(10) bằng sắt, và rèn cho ta một cái roi cũng bằng sắt, ta nguyện phá tan lũ giặc này.
Sứ giả vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, vội vàng về tâu với vua. Nhà vua lập tức sai thợ đêm ngày làm cho đủ những đồ vật như lời chú bé dặn.
Càng lạ hơn nữa, sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no. Áo vừa may xong đã chật nít. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, thành thử(11) phải chạy nhờ bà con hàng xóm. Bà con hàng xóm cũng vui lòng gom góp gạo thóc nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.
Giặc đã đến chân núi Trâu Sơn(12). Thế rất nguy, ai nấy đều hoảng hốt. Vừa lúc đó, sứ giả đem ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái, bỗng biến thành một tráng sĩ, oai phong lẫm liệt(13). Tráng sĩ bước lại, vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí vang lên mấy tiếng. Tráng sĩ mặc áo giáp vào, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, phi thẳng đến nơi quân giặc đóng. Tráng sĩ xông vào trận đánh giết; giặc chết như ngả rạ(14). Bỗng roi sắt gãy(15). Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ.
Đám tàn quân(16) giẫm đạp nhau mà trốn thoát. Tráng sĩ đuổi đến núi Ninh Sóc(17). Nhưng đến đấy, không biết vì sao, Người một mình cưỡi ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời, biến mất.
Vua nhớ công ơn, không biết lấy gì đền đáp, bèn phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập miếu thờ ngay ở quê nhà.
Hiện nay, vẫn còn đền thờ ở làng Phù Đổng, tục gọi là làng Gióng. Mỗi năm đến tháng Tư, làng mở hội to lắm. Người ta kể rằng những bụi tre đằng ngà ở huyện Gia Bình(18) vì ngựa phun lửa bị cháy mới ngả màu vàng óng như thế. Còn những vết chân ngựa nay thành những hồ ao liên tiếp. Và khi ngựa thét ra lửa có cháy cả một làng. Làng đó nay là làng Cháy(19).
(Theo Lê Trí Viễn, Văn tuyển (Lớp 5 tập I),
Bộ Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1957, tr.18 -19)
_________________________________________
(1) Thánh Gióng: vị thánh làng Gióng (Gióng còn có cách viết là "Dóng". Thánh: nhân vật có tài năng, đức độ, trí tuệ vượt lên trên người thường đến mức siêu phàm, ở đây chỉ bậc thần thánh theo tín ngưỡng của Đạo giáo (tức những vị thần bất tử, có năng lực siêu phàm, có phép thần thông).
(2) Tục truyền: theo dân gian truyền lại.
(3) Hùng Vương: Vua Hùng.
(4) Làng Phù Đổng: trước thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
(5) Phúc đức: sống lương thiện, thường và ưa làm những điều tốt lành cho người khác.
(6) Ân: tên một triều đại trong lịch sử Trung Quốc (còn gọi là Thương, Ân Thương). Ở đây, giặc Ân chỉ giặc phương Bắc.
(7) Truyền: ra lệnh.
(8) Sứ giả: người được vua phải đi giao thiệp với nước ngoài hoặc thực hiện một nhiệm vụ quan trọng.
(9) Tâu: chỉ việc bề tôi đối với vua (thời xưa).
(10) Áo giáp: bộ mặt ngoài, thường được làm bằng chắc liệu bền chắc (da thú, kim loại,...) được dùng trong chiến trận, có khả năng chống được các loại binh khí, sự tấn công từ bên ngoài để bảo vệ cơ thể người mặc.
(11) Thành thử: như cho nên, vì vậy.
(12) Trâu Sơn: núi nằm ở huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
(13) Oai phong lẫm liệt: (dáng vẻ) hùng dũng, làm cho người ta phải kính phục, khiếp sợ.
(14) Chết như ngả rạ: người (ở đây là quân giặc) đổ xuống hàng loạt như người ta cắt thân cây lúa (rạ) cho đổ xuống.
(15) Theo một số dị bản khác, Gióng đã bỏ khúc roi gãy ở làng Cáo hay làng Xuân Tảo (nay là phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), sau đó xuống Hồ Tây tắm mát rồi về Sóc Sơn và bay lên trời. Ở Xuân Tảo hiện nay vẫn còn đền thờ Thánh Gióng.
(16) Tàn quân: quân lính còn sót lại sau khi đã bị thất bại.
(17) Núi Ninh Sóc: còn gọi là núi Dền hay núi Vệ Linh nằm ở địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Tương truyền, Thánh Gióng bay lên trời từ đỉnh Vây Rồng. Cây mà Thánh Gióng vắt áo lên được gọi là cây Dịch Phục (cởi áo).
(18) Huyện Gia Bình: huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh.
(19) Làng Cháy: tức làng Phù Chẩn (nay thuộc xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
Sau khi đọc
Em có biết?• Truyện Thánh Gióng được lưu truyền rộng rãi ở nước ta (đặc biệt là ở miền Bắc) từ nhiều thế kỉ nay với một số dị bản. Văn bản truyện Thánh Gióng trên đây chỉ là một trong số các dị bản đó. • Thánh Gióng được thờ ở nhiều nơi, trong đó nổi tiếng nhất là làng Phù Đồng, thôn Vệ Linh và làng Xuân Tảo. |
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Nêu thời gian, địa điểm, hoàn cảnh diễn ra các sự việc trong câu chuyện.
2. Thánh Gióng đã ra đời một cách kì lạ như thế nào?
3. Chỉ ra ý nghĩa của các chi tiết sau:
a. Câu nói của chú bé: “Ông về tâu với vua, đúc cho ta một con ngựa bằng sắt, làm cho ta một bộ áo giáp bằng sắt, và rèn cho ta một cái roi cũng bằng sắt, ta nguyện phá tan lũ giặc này.”.
b. Bà con hàng xóm vui lòng gom góp gạo thóc để nuôi chú bé.
c. Chú bé vươn vai trờ thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt
d. Ngựa sắt phun ra lửa, roi sắt quật giặc chết như ngả rạ và những cụm tre cạnh đường quật giặc tan vỡ.
e. Tráng sĩ đánh giặc xong, cởi giáp bỏ lại và bay thẳng lên trời.
4. Chiến công phi thường mà Thánh Gióng đã làm nên là gì? Em hãy nêu ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng.
5. Theo em, chủ đề của truyện Thánh Gióng là gì?
6. Lời kể nào trong truyện Thánh Gióng hàm ý rằng câu chuyện đã thực sự xảy ra trong quá khứ? Nhận xét về ý nghĩa của lời kể đó.
VIẾT KẾT NỐI VỚI ĐỌC
Viết đoạn văn (khoảng 5-7 câu) về một hình ảnh hay hành động của Thánh Gióng đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất.