SGKVN

Lịch Sử 11 (Nâng Cao) - Bài 30: Các Nước Đông Nam Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) | Giáo Dục Việt Nam

Bài 30: Các Nước Đông Nam Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) - Lịch Sử 11 (Nâng Cao). Xem chi tiết nội dung bài Bài 30: Các Nước Đông Nam Á Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, cùng với những chuyển biến quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, phong trào độc lập dân tộc diễn ra sôi nổi ở khu vực Đông Nam Á. Ở nhiều nước trong khu vực, giai cấp tư sản nắm quyền lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Từ thập niên 20 của thế kỉ XX, giai cấp vô sản trẻ tuổi bắt đầu bước lên vũ đài chính trị, mở ra một triển vọng mới cho phong trào giải phóng dân tộc ở khu vực này.

I – TÌNH HÌNH CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á SAU CHIẾN TRANH THẾ GIỚI THỨ NHẤT

1. Tình hình kinh tế, chính trị, xã hội

Trong những thập niên đầu thế kỉ XX, ở các nước Đông Nam Á đã diễn ra những chuyển biến quan trọng về kinh tế, chính trị và xã hội.

Về kinh tế, phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành thuộc địa của các nước đế quốc, là thị trường tiêu thụ hàng hoá và nơi cung cấp nguyên liệu cho chính quốc.

Về chính trị, mặc dù thể chế ở các nước có khác nhau, nhưng đặc trưng cơ bản là do chính quyền thực dân thống trị (trừ Xiêm). Toàn bộ quyền hành đều tập trung trong tay chính quyền thực dân.

Về xã hội, sự phân hoá giai cấp diễn ra ngày càng sâu sắc. Giai cấp tư sản dân tộc lớn mạnh cùng với sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp. Giai cấp nông dân, lực lượng chiếm đa số trong xã hội, ngày càng bị bần cùng hoá và sẵn sàng đi theo các giai cấp tiên tiến làm cách mạng. Giai cấp công nhân dần dần trưởng thành về số lượng và ý thức cách mạng.

Cùng với những chuyển biến của tình hình trong nước, thắng lợi của Cách mạng tháng Mười Nga và cao trào cách mạng thế giới sau chiến tranh đã tác động mạnh mẽ đến phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á.

Nêu những chuyển biến chủ yếu của các nước Đông Nam Á trong những thập niên đầu thế kỉ XX.

2. Khái quát về phong trào độc lập dân tộc ở Đông Nam Á

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, phong trào cách mạng ở Đông Nam Á bước vào một thời kì mới. Cùng với sự lớn mạnh của giai cấp tư sản dân tộc, phong trào dân tộc tư sản có những bước tiến rõ rệt.

Nếu như trước đó, hoạt động chính trị của giai cấp tư sản dân tộc chỉ nhằm mục đích “khai trí để chấn hưng quốc gia” thì đến lúc này mục tiêu giành độc lập dân tộc được đề xuất rõ ràng : đòi quyền tự chủ về chính trị, quyền tự do trong kinh doanh, quyền dùng tiếng mẹ đẻ trong giáo dục... Một số chính đảng tư sản được thành lập và có ảnh hưởng xã hội rộng lớn như Đảng Dân tộc ở In-đô-nê-xi-a, tổ chức Phong trào Thakin ở Miến Điện, Đại hội toàn Mã Lai...

Từ thập niên 20 của thế kỉ XX, cùng với sự trưởng thành của giai cấp vô sản và việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào các nước Đông Nam Á, một số đảng cộng sản được thành lập, đầu tiên là Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a (5 – 1920). Tiếp theo, trong năm 1930, các đảng cộng sản lần lượt ra đời ở Việt Nam, Mã Lai, Xiêm và Phi-líp-pin.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phong trào độc lập dân tộc diễn ra sôi nổi, nổi bật là cuộc khởi nghĩa vũ trang ở In-đô-nê-xi-a (1926 – 1927) và phong trào cách mạng 1930 –1931 ở Việt Nam, mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ – Tĩnh. Riêng ở Việt Nam, từ tháng 2 – 1930 quyền lãnh đạo cách mạng chuyển vào tay chính đảng của giai cấp vô sản.

Phong trào dân tộc ở Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới (1918 – 1939) có những điểm gì mới ?

II – PHONG TRÀO ĐỘC LẬP DÂN TỘC Ở IN-ĐÔ-NÊ-XI-A

1. Phong trào độc lập dân tộc trong thập niên 20 của thế kỉ XX

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, sự phát triển của phong trào công nhân cùng với việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào In-đô-nê-xi-a đã dẫn tới việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân (5 – 1920). Được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng, Đảng Cộng sản nhanh chóng trưởng thành và lãnh đạo phong trào cách mạng ở In-đô-nê-xi-a trong thập niên 20 của thế kỉ XX.

Hình 85. A. Xu-các-nô (1901 1970)

Phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân diễn ra sôi nổi trong những năm 1920 – 1925. Trước khí thế cách mạng ngày càng lên cao của quần chúng nhân dân, Đảng Cộng sản đã phát động khởi nghĩa vũ trang ở Gia-va và Xu-ma-tơ-ra trong những năm 1926 – 1927. Mặc dù khởi nghĩa thất bại nhưng cơn bão táp cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã làm rung chuyển nền thống trị của thực dân Hà Lan ở In-đô-nê-xi-a.

Sau thất bại của Đảng Cộng sản, từ năm 1927 quyền lãnh đạo phong trào cách mạng chuyển vào tay giai cấp tư sản dân tộc, đứng đầu là Ác-mét Xu-các-nô, lãnh tụ Đảng Dân tộc In-đô-nê-xi-a. Với chủ trương chống đế quốc, đoàn kết các lực lượng dân tộc, tiến hành đấu tranh giành độc lập bằng biện pháp hoà bình và bằng phong trào bất hợp tác với chính quyền thực dân, Đảng Dân tộc đã nhanh chóng giành được uy tín chính trị và trở thành lực lượng dẫn dắt phong trào giải phóng dân tộc ở In-đô-nê-xi-a.

Biện pháp đấu tranh của Đảng Dân tộc có điểm gì khác so với Đảng Cộng sản In-đô-nê-xi-a ?

2. Phong trào độc lập dân tộc trong thập niên 30 của thế kỉ XX

Đầu thập niên 30 của thế kỉ XX, phong trào đấu tranh chống thực dân Hà Lan tiếp tục dâng cao trên đất nước In-đô-nê-xi-a, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của các thuỷ binh ở cảng Su-ra-bay-a vào năm 1933. Sau khi đàn áp tàn khốc những người khởi nghĩa, chính quyền thực dân tăng cường khủng bố, bắt giữ các lãnh tụ của Đảng Dân tộc (từ năm 1929 là Đảng In-đô-nê-xi-a) và đặt Đảng ra ngoài vòng pháp luật. Phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống trong những năm 1933-1937.

Cuối thập niên 30 của thế kỉ XX, trước nguy cơ của chủ nghĩa phát xít, những người cộng sản đã kết hợp với Đảng In-đô-nê-xi-a thành lập Liên minh chính trị In-đô-nê-xi-a, nhằm đoàn kết các lực lượng dân tộc cùng xây dựng một mặt trận thống nhất chống phát xít. Tháng 12 – 1939, Liên minh chính trị In-đô-nê-xi-a, đứng đầu là Xu-các-nô, đã triệu tập Đại hội đại biểu nhân dân, bao gồm đại biểu của 90 đảng phái và các tổ chức chính trị tham dự, biểu thị sự thống nhất dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập.

Đại hội đã thông qua Nghị quyết về ngôn ngữ (Bahasa Inđônêxia), Quốc kì (cờ màu đỏ và trắng), Quốc ca (bài Inđônêxia Raya). Đại hội đã tuyên bố là cơ quan thường trực của Mặt trận dân tộc thống nhất. Tháng 9 - 1941, Hội đồng nhân dân In-đô-nê-xi-a được thành lập và bày tỏ nguyện vọng cùng hợp tác với chính quyền thực dân chống phát xít Nhật. Trên cơ sở đó, In-đô-nê-xi-a sẽ được trao trả độc lập từ thực dân Hà Lan.

Chính quyền thực dân đã từ chối những yêu cầu chính đáng của phong trào dân tộc In-đô-nê-xi-a. Từ đây, nhân dân In-đô-nê-xi-a bước vào cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật.

Nêu những diễn biến chính của phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

III – PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN PHÁP Ở LÀO VÀ CAM-PU-CHIA

1. Phong trào chống Pháp trong những năm 20 của thế kỉ XX

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, thực dân Pháp tăng cường chính sách khai thác thuộc địa, đặc biệt là ở các nước Đông Dương, nơi được coi là quan trọng và giàu có nhất trong hệ thống thuộc địa của Pháp. Chính sách khai thác tàn bạo và chế độ thuế khoá, lao dịch nặng nề đã làm bùng nổ phong trào đấu tranh chống Pháp ở các nước Đông Dương.

Ở Lào, cuộc khởi nghĩa của Ong Kẹo và Com-ma-đam diễn ra trong hơn 30 năm đầu thế kỉ XX. Cuộc khởi nghĩa của người Mèo do Chậu Pa-chay lãnh đạo kéo dài trong những năm 1918 – 1922 ở Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam.

Ở Cam-pu-chia, phong trào chống thuế, chống bắt phu bùng lên mạnh mẽ trong những năm 1925 1926 ở các tỉnh Prây-veng, Công-pông Chàm, Công-pông Chơ-năng... Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của nông dân thuộc huyện Rô-lê-phan ở Công-pông Chơ-năng. Từ đấu tranh chống thuế, chống bắt phu, phong trào chuyển sang đấu tranh vũ trang chống thực dân Pháp. Chính quyền thực dân đàn áp đẫm máu phong trào, hơn 400 người bị tra tấn đến chết.

2. Phong trào chống Pháp trong những năm 30 của thế kỉ XX

Từ năm 1930, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 10 – 1930 là Đảng Cộng sản Đông Dương) đã mở ra thời kì mới trong phong trào cách mạng ở Đông Dương. Những cơ sở bí mật đầu tiên của Đảng được thành lập ở Lào và Cam-pu-chia. Tuy nhiên, sau khi thực dân Pháp đàn áp được phong trào cách mạng 1930 – 1931 ở Việt Nam, chúng tập trung lực lượng đàn áp dã man những người cộng sản, phá vỡ các cơ sở cách mạng ở hai nước này.

Trong những năm 1936 – 1939, Mặt trận Dân chủ Đông Dương được thành lập, đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống phát xít và chống chiến tranh.

Phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương đã kích thích sự phát triển của phong trào đấu tranh dân chủ ở Lào và Cam-pu-chia. Những người cộng sản có điều kiện hoạt động công khai, xây dựng cơ sở cách mạng của Đảng ở những thành phố lớn như Viêng Chăn và Phnôm Pênh... Các lực lượng dân tộc chủ nghĩa cũng tăng cường hoạt động, phê phán chế độ thuộc địa, chủ trương giành độc lập một cách ôn hoà từ tay người Pháp, tiêu biểu là nhóm Pắc Chuông, Sơn Ngọc Thành ở Cam-pu-chia.

Tháng 9 – 1940, phát xít Nhật vào Đông Dương, phong trào cách mạng ở Lào và Cam-pu-chia chuyển sang thời kì đấu tranh chống phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Nêu những diễn biến chính của phong trào cách mạng ở Lào và Cam-pu-chia trong thời gian giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

IV – CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG THỰC DÂN ANH Ở MÃ LAI VÀ MIẾN ĐIỆN

1. Phong trào chống thực dân Anh ở Mã Lai

Từ đầu thế kỉ XX, phong trào đấu tranh chống thực dân Anh đã lan rộng trên khắp bán đảo Mã Lai. Ách áp bức nặng nề của chủ nghĩa thực dân, gánh nặng nợ nần chồng chất đã làm bùng nổ những cuộc đấu tranh của nông dân người Mã Lai bản địa và người Mã Lai gốc Hoa, gốc Ấn. Giai cấp tư sản dân tộc thông qua tổ chức Đại hội toàn Mã Lai đã lên tiếng đấu tranh đòi dùng tiếng Mã Lai trong nhà trường, đòi thực hiện quyền tự do dân chủ trong kinh doanh. Nhiều cuộc bãi công lớn của công nhân bùng nổ đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc.

Những năm 20 của thế kỉ XX, ở Cu-a-la Lăm-pơ đã xuất hiện các nhóm mácxít và các nghiệp đoàn dân chủ. Trên cơ sở đó, Uỷ ban cách mạng Cômanhđan được thành lập để lãnh đạo phong trào. Sự phát triển của phong trào công nhân đã dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Mã Lai vào tháng 4 – 1930. Trong những năm 1934 – 1936, các cuộc tổng bãi công liên tiếp diễn ra, chính quyền thực dân phải đi đến thoả thuận tăng lương cho công nhân. Tuy nhiên, những khác biệt về tôn giáo và dân tộc ở Mã Lai đã bị thực dân Anh lợi dụng để phá hoại sự thống nhất lực lượng trong phong trào đấu tranh dân tộc.

2. Phong trào chống thực dân Anh ở Miến Điện

Ở Miến Điện, những năm đầu thế kỉ XX đã diễn ra những cuộc nổi dậy của nông dân, công nhân nông nghiệp và binh lính chống lại ách thống trị của chính quyền thực dân Anh. Vào đầu thập niên 20, các nhà sư trẻ, đứng đầu là Ốt-ta-ma, đã khởi xướng phong trào bất hợp tác, không đóng thuế và tẩy chay hàng hoá Anh. Phong trào lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Trong thập niên 30, học sinh, sinh viên Miến Điện đã phát động phong trào Thakin (phong trào của những người làm chủ đất nước) đòi cải cách quy chế đại học, thành lập trường đại học riêng cho Miến Điện, đòi tách Miến Điện ra khỏi Ấn Độ và được quyền tự trị. Trước áp lực đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, năm 1937, Miến Điện được tách ra, chấm dứt hơn nửa thế kỉ là một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.

Phong trào giải phóng dân tộc ở Mã Lai và Miến Điện diễn ra như thế nào ?

V – CUỘC CÁCH MẠNG NĂM 1932 Ở XIÊM

Là nước duy nhất ở Đông Nam Á không bị rơi vào tình trạng thuộc địa, nước Xiêm trên thực tế cũng không giữ được trọn vẹn nền độc lập của mình, bị phụ thuộc về nhiều mặt vào Anh và Pháp. Sự bất mãn của các tầng lớp trong xã hội đối với chế độ quân chủ Ra-ma VII ngày một tăng lên.

Mùa hè năm 1932, một cuộc cách mạng đã xảy ra ở Thủ đô Băng Cốc dưới sự lãnh đạo của giai cấp tư sản, đứng đầu là Pri-đi Pha-nô-mi-ông.

Hình 86. Pri-đi Pha-nô-mi-ông (1900_1983)

Pha-nô-mi-ông là thủ lĩnh Đảng Nhân dân, linh hồn của cuộc Cách mạng năm 1932. Ông vạch ra chương trình cải tạo xã hội qua 3 giai đoạn, nhằm cải cách nền chính trị ở Xiêm theo phương thức dân chủ phương Tây. Tuy nhiên, ông không chủ trương đi tới một nền dân chủ triệt để mà vẫn duy trì ngôi vua cùng với sự thiết lập nghị viện, xây dựng chế độ quân chủ lập hiến và tiến hành những cải cách kinh tế – xã hội theo hướng tư sản.

Nhìn chung, cuộc Cách mạng năm 1932 không đem lại kết quả như Pri-đi Pha-nô-mi-ông và nhân dân mong muốn. Những quyền hạn của giai cấp phong kiến, quý tộc vẫn được duy trì. Tuy nhiên, cuộc cách mạng đã tăng cường địa vị của giai cấp tư sản trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội, thay thế chế độ quân chủ bằng chế độ quân chủ lập hiến, tạo điều kiện tiến hành các cải cách theo hướng tư sản. Cũng từ đây Xiêm bước sang một thời kì phát triển mới.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Nêu những điểm mới trong phong trào dân tộc ở Đông Nam Á giữa hai cuộc chiến tranh thế giới.

2. Sự liên minh chiến đấu chống Pháp của nhân dân ba nước Đông Dương được thể hiện qua những sự kiện tiêu biểu nào ?

3. Hãy nhận xét về cuộc Cách mạng năm 1932 ở Xiêm.

PHẦN ĐỌC THÊM

Xu-các-nô (1901 _ 1970), lãnh tụ phong trào giải phóng dân tộc In-đô-nê-xi-a

Xu-các-nô sinh ngày 6 – 6 – 1901 tại Bli-ta, thành phố Su-ra-bay-a thuộc Đông Gia-va, con một nhà giáo. Ông tốt nghiệp đại học Y khoa. Năm 1927, ông sáng lập Đảng Dân tộc In-đô-nê-xi-a. Với tư cách là Chủ tịch Đảng, Xu-các-nô nhiều lần tuyên bố đòi thực dân Hà Lan trao trả độc lập cho In-đô-nê-xi-a. Cuối năm 1929, Xu-các-nô và các nhà lãnh đạo Đảng Dân tộc bị chính quyền thực dân bắt giam. Tháng 8 – 1930, thực dân Hà Lan mở phiên toà xét xử Xu-các-nô. Với tài hùng biện, ông đã tự bào chữa trước toà bằng bài phát biểu nổi tiếng “In-đô-nê-xi-a tố cáo”, lên án tội ác và sự thống trị của thực dân Hà Lan. Bất chấp dư luận phản đối ở trong và ngoài nước, chính quyền thực dân kết án Xu-các-nô 4 năm tù giam. Do cuộc đấu tranh của nhân dân In-đô-nê-xi-a và bạn bè quốc tế, ngày 31 – 12 – 1931, ông được ra tù trước thời hạn và tiếp tục lãnh đạo phong trào độc lập dân tộc ở In-đô-nê-xi-a.

Tháng 8 – 1933, Xu-các-nô lại bị thực dân Hà Lan bắt và lưu đày tại đảo Kê-xin, sau đó là đảo Ben-cu-len.

Xu-các-nô là Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hoà In-đô-nê-xi-a (1945 – 1965). Ông là nhà hoạt động chính trị, lãnh tụ xuất sắc của phong trào giải phóng dân tộc

In-đô-nê-xi-a.

(Theo : Phan Ngọc Liên (Chủ biên),
Từ điển tri thức lịch sử phổ thông thế kỉ XX, Sđd, tr. 876 – 877)

Cuộc cách mạng “ngập ngừng” năm 1932 ở Xiêm

Không khí chính trị ở Xiêm ngột ngạt như cái nóng oi bức của mùa hè nhiệt đới. Lòng bất mãn với chế độ quân chủ Ra-ma VII bộc lộ công khai trong câu chuyện thường ngày của quan chức, trí thức và sĩ quan cao cấp.

Sáng sớm 24 – 5 – 1932, người dân thành phố Băng Cốc ngạc nhiên khi thấy một số đơn vị pháo binh và bộ binh bao vây cung điện nhà vua và các cơ quan Chính phủ. Thủ đô bị đặt vào tình trạng báo động, đường phố vắng ngắt, hiệu buôn đóng cửa, chợ búa không có người, nhưng không một tiếng nổ, không một vụ lộn xộn. Các hoàng thân lặng lẽ tập trung dưới sự kiểm soát của quân đội.

... Những người đại diện Đảng Nhân dân gửi đến vua một bức thư, có người gọi đó là “tối hậu thư”, viết rằng : “Đảng Nhân dân không hề có ý định xâm đoạt bằng bất cứ cách nào tài sản của Hoàng gia. Mục đích chính là thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Hoàng thượng trở về kinh đô để trị vì chính thể mới do Đảng Nhân dân thiết lập là chế độ quân chủ lập hiến...”.

Bức thư mang chữ kí của 3 vị đại tá cầm đầu quân đội. Rõ ràng là mục tiêu của Đảng Nhân dân không nhằm đạt tới nền cộng hoà có thể chế dân chủ mà chỉ mong muốn chuyển từ nền quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến. Ngay từ phút đầu, tiếng kèn cách mạng đã tỏ ra ngập ngừng, do dự...

(Theo : Vũ Dương Ninh, Lịch sử Vương quốc Thái Lan,
NXB Giáo dục, H., 1994, tr. 103 – 105)

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

vo-bai-tap-mi-thuat-2-1038

Vở bài tập MĨ THUẬT 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

ngu-van-8-tap-1-933

Ngữ Văn 8 - Tập 1

Sách Lớp 8 Kết Nối Tri Thức

toan-8-tap-1-516

Toán 8 - Tập 1

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

hinh-hoc-12-750

Hình Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

tieng-anh-9-tap-2-838

Tiếng Anh 9 - Tập 2

NXB Giáo Dục Việt Nam - Tiếng Anh 9 - Tập 2

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.