SGKVN

Lịch Sử 11 (Nâng Cao) - Bài 16: Ấn Độ | Giáo Dục Việt Nam

Bài 16: Ấn Độ - Lịch Sử 11 (Nâng Cao). Xem chi tiết nội dung bài Bài 16: Ấn Độ và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 11 (Nâng Cao) | Giáo Dục Việt Nam

Từ giữa thế kỉ XIX, do chính sách thống trị hà khắc của thực dân Anh, mâu thuẫn giữa nhân dân Ấn Độ với thực dân Anh trở nên vô cùng sâu sắc. Nhiều cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc diễn ra quyết liệt dưới nhiều hình thức, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Điển hình là cuộc khởi nghĩa Xipay (1857 – 1859), phong trào của giai cấp tư sản dẫn tới sự ra đời của Đảng Quốc đại, cuộc bãi công của công nhân Bom-bay năm 1908...

1. Tình hình kinh tế, xã hội Ấn Độ nửa sau thế kỉ XIX

Ấn Độ là quốc gia rộng lớn và đông dân, nằm ở phía nam châu Á. Bước vào đầu thời kì cận đại của lịch sử thế giới, dân số Ấn Độ có khoảng 100 triệu người thuộc nhiều dân tộc khác nhau, có nền kinh tế khá phát triển và nền văn hoá lâu đời, phong phú. Song từ đầu thế kỉ XVII, cuộc tranh giành quyền lực giữa các chúa phong kiến trong nước làm cho Ấn Độ suy yếu. Lợi dụng cơ hội này, các nước tư bản phương Tây, chủ yếu là Anh và Pháp, đua tranh xâm lược Ấn Độ. Đến giữa thế kỉ XIX, thực dân Anh độc chiếm và cai trị Ấn Độ.

Về kinh tế, thực dân Anh tiến hành cuộc khai thác Ấn Độ một cách quy mô, ra sức vơ vét các nguồn nguyên liệu và bóc lột nhân công để thu lợi nhuận tối đa. Ấn Độ trở thành thuộc địa quan trọng nhất của thực dân Anh.

Ấn Độ phải cung cấp ngày càng nhiều lương thực, nguyên liệu cho chính quốc. Ở nông thôn, chính quyền thực dân đã tiến hành tăng thuế, cướp đoạt ruộng đất để lập đồn điền. Đất đai, đồng cỏ, rừng của công xã bị chiếm đoạt. Nợ nần chồng chất buộc người nông dân phải gán đến mảnh đất cuối cùng và chịu lĩnh canh với mức tổ 60% hoa lợi. Do vậy, nhân dân Ấn Độ bị bần cùng và chết đói ngày càng nhiều (trong 25 năm cuối thế kỉ XIX, có tới 26 triệu người bị chết đói). Trong khi đó, Ấn Độ vẫn phải cung cấp ngày càng nhiều lương thực cho nước Anh.

Về chính trị _ xã hội, Chính phủ Anh nắm quyền cai trị trực tiếp Ấn Độ. Để tạo chỗ dựa vững chắc cho nền thống trị của mình, thực dân Anh đã thực hiện chính sách nhượng bộ tầng lớp có thế lực trong giai cấp phong kiến bản xứ.

Hình 46. Cảnh người dân bị đói ở Ấn Độ

Anh tuyên bố tôn trọng quyền lợi, danh dự, tài sản và đặc quyền của quý tộc, thực chất là hợp pháp hoá chế độ đẳng cấp, biến các quý tộc phong kiến bản xứ thành tầng lớp tay sai của thực dân Anh. Người Anh còn tìm cách khơi sâu thêm sự cách biệt về chủng tộc, đẳng cấp và tôn giáo ở Ấn Độ. Ngày 1 – 1 – 1877, trong một buổi lễ có đông đảo quý tộc người Ấn tham gia, Nữ hoàng Anh Vích-to-ri-a tuyên bố đồng thời là Nữ hoàng Ấn Độ.

Hãy nêu những nét lớn trong chính sách thống trị của thực dân Anh ở Ấn Độ.

2. Cuộc khởi nghĩa Xipay (1857 – 1859)

Sự kiện tiêu biểu mở đầu cho phong trào đấu tranh nửa sau thế kỉ XIX là cuộc khởi nghĩa của binh lính Xipay và nhân dân ở Mi-rút.

Xipay là tên gọi những đơn vị binh lính người Ấn Độ trong quân đội Anh. Mặc dù đội quân Xipay là một trong những công cụ xâm lược và thống trị của thực dân, nhưng những binh lính này cũng không tránh khỏi bị sĩ quan người Anh đối xử tàn tệ. Lương của một sĩ quan Ấn Độ chỉ bằng 1/6 lương sĩ quan Anh cùng cấp bậc, người Ấn Độ không được giữ chức vụ cao trong quân đội. Lính Xipay phải sống trong các doanh trại tồi tàn, trái ngược với cảnh sống sung túc của binh lính Anh. Đặc biệt, sau khi công cuộc xâm lược Ấn Độ hoàn thành, người lính Xipay càng bị coi rẻ. Không những thế, tinh thần dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo của họ lại bị xúc phạm nghiêm trọng khi họ phải dùng các đạn pháo có bọc giấy tẩm mỡ bò, mỡ lợn. Muốn bắn loại đạn này, họ thường phải dùng răng để xé các loại giấy đó, trong khi những người lính Xipay theo đạo Hinđu thì kiêng thịt bò và theo đạo Hồi thì kiêng thịt lợn. Họ đã chống lệnh của thực dân Anh. Đó là nguyên cớ làm bùng lên cuộc khởi nghĩa.

Hình 47. Cuộc khởi nghĩa Xipay

Rạng sáng 10 – 5 – 1857, ở Mi-rút (gần Đê-li), khi thực dân Anh sắp áp giải 85 binh lính Xipay trái lệnh thì 3 trung đoàn Xipay nổi dậy khởi nghĩa, vây bắt bọn chỉ huy Anh. Nông dân các vùng phụ cận cũng gia nhập nghĩa quân. Thừa thắng, nghĩa quân tiến về Đê-li. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương thuộc miền Bắc và miền Trung Ấn Độ. Nghĩa quân đã lập được chính quyền ở một số thành phố lớn. Cuộc khởi nghĩa duy trì được 2 năm thì bị thực dân Anh dốc toàn lực đàn áp rất dã man. Nhiều nghĩa quân bị trói vào miệng nòng đại bác, rồi bị bắn cho tan xác. Mặc dù thất bại, cuộc khởi nghĩa Xipay được coi là cuộc khởi nghĩa dân tộc, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, ý chí chống xâm lược của nhân dân Ấn Độ.

Tại sao nói cuộc khởi nghĩa Xipay là cuộc khởi nghĩa dân tộc ?

3. Đảng Quốc đại và phong trào dân tộc (1885 – 1908)

Từ giữa thế kỉ XIX, giai cấp tư sản và tầng lớp trí thức dân tộc ở Ấn Độ đã xuất hiện và dần lớn mạnh. Họ mở nhiều xí nghiệp dệt ở các thành phố lớn hoặc làm đại lí cho các hãng buôn của Anh.

Tư sản Ấn Độ muốn phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và đòi hỏi được tham gia chính quyền, nhưng bị thực dân Anh kìm hãm bằng mọi cách.

Vào khoảng năm 1880, có 56 xưởng dệt bông, 40 xưởng dệt đay, 60 mỏ than và nhiều xí nghiệp của tư sản người Ấn. Một số đông hoạt động về thương mại, đồn điền và ngân hàng. Tầng lớp trí thức Ấn Độ gồm các nhà luật học, bác sĩ y khoa, thầy giáo và viên chức cao cấp..., họ tiếp thu văn hoá phương Tây nhưng vẫn nuôi dưỡng ý thức dân tộc.

Cuối năm 1885, Đảng Quốc dân đại hội (gọi tắt là Đảng Quốc đại) được thành lập. Đó là chính đảng đầu tiên của giai cấp tư sản Ấn Độ. Nó đánh dấu một thời kì mới – thời kì giai cấp tư sản Ấn Độ bước lên vũ đài chính trị.

Trong 20 năm đầu (1885 – 1905), Đảng Quốc đại chủ trương dùng phương pháp ôn hoà để đòi chính phủ thực dân cải cách và phản đối phương pháp đấu tranh bằng bạo lực. Giai cấp tư sản Ấn Độ chỉ yêu cầu Anh nới rộng điều kiện để họ được tham gia các hội đồng tự trị, giúp đỡ họ phát triển kĩ nghệ, thực hiện một số cải cách về mặt giáo dục, xã hội. Tuy vậy, thực dân Anh vẫn tìm cách hạn chế hoạt động của Đảng Quốc đại.

Hình 48. B. Ti-lắc (1856 - 1920)

Thất vọng trước thái độ thoả hiệp của những người lãnh đạo Đảng Quốc đại và chính sách hai mặt của chính quyền Anh, một phái dân chủ cấp tiến do Ti-lắc đứng đầu xuất hiện, thường được gọi là “phái cực đoan”. Phái này phản đối đường lối thoả hiệp của “phái ôn hoà”, đòi hỏi có thái độ kiên quyết chống Anh.

Ban Gan-đa-kha Ti-lắc là nhà ngôn ngữ học, nhà sử học, đã tập hợp những trí thức tiến bộ, có tinh thần chống Anh, tuyên truyền ý thức dân tộc và khơi dậy lòng yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên. Ông phản đối đường lối “ôn hoà”, chủ trương phát động nhân dân lật đổ ách thống trị của Anh, xây dựng một quốc gia độc lập, dân chủ.

Nhằm hạn chế phong trào đấu tranh của nhân dân, tháng 7 – 1905 chính quyền Anh thi hành chính sách “chia để trị”, ban hành đạo luật chia đôi xứ Ben-gan : miền Đông của những người theo đạo Hồi và miền Tây của những người theo đạo Hinđu. Điều đó làm bùng lên phong trào đấu tranh chống thực dân Anh, đặc biệt ở Bom-bay và Can-cút-ta. Ngày 16 – 10 – 1905, ngày đạo luật chia cắt Ben-gan có hiệu lực, nhân dân coi là ngày quốc tang. Hơn 10 vạn người kéo đến bờ sông Hằng, dòng sông linh thiêng của người Ấn, làm lễ tuyên thệ, hát vang bài Kính chào Người _ Mẹ hiền Tổ quốc để tỏ ý chí đoàn kết, thống nhất. Khắp nơi vang lên khẩu hiệu : “Ấn Độ của người Ấn Độ !”.

Hình 49. Lược đồ phong trào cách mạng ở Ấn Độ cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX

Những người “ôn hoà” hoảng sợ. Cuối năm 1907, họ tuyên bố khai trừ Ti-lắc ra khỏi Đảng Quốc đại. Tháng 6 – 1908, thực dân Anh bắt ông, kết án 6 năm tù. Vụ án Ti-lắc làm bùng lên một đợt đấu tranh mới. Hàng vạn công nhân ở Bom-bay, tiến hành tổng bãi công 6 ngày phản đối việc Ti-lắc bị kết án 6 năm tù. Họ còn xây dựng chiến luỹ, thành lập các đơn vị chiến đấu chống lại quân đội Anh. Nhân dân các thành phố khác cũng hưởng ứng. Cuộc đấu tranh lên đến đỉnh cao, buộc thực dân Anh phải thu hồi đạo luật chia cắt Ben-gan.

Phong trào đấu tranh 1905 – 1908 thể hiện tinh thần yêu nước, chống thực dân Anh của nhân dân Ấn Độ. Phong trào do một bộ phận giai cấp tư sản lãnh đạo, mang đậm ý thức dân tộc, mục tiêu đấu tranh vì một nước Ấn Độ độc lập và dân chủ. Đây là nét khác biệt chủ yếu so với những phong trào đấu tranh trước đó, đánh dấu sự thức tỉnh của nhân dân Ấn Độ, hoà vào trào lưu dân tộc dân chủ của nhiều nước châu Á trong những năm đầu thế kỉ XX. Công nhân Ấn Độ lần đầu tiên tham gia phong trào đấu tranh dân tộc. Song, do chính sách chia rẽ của thực dân Anh và sự phân hoá trong Đảng Quốc đại nên phong trào tạm ngừng.

Hãy trình bày sự thành lập và phân hoá trong Đảng Quốc đại.

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Đảng Quốc đại có vai trò như thế nào trong phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ ?

2. Hãy nêu những nét chính về phong trào đấu tranh ở Ấn Độ từ năm 1905 đến năm 1908. Tính chất và ý nghĩa.

PHẦN ĐỌC THÊM

Cuộc tổng bãi công ở Bom-bay năm 1908 là một cuộc đấu tranh chính trị lớn đầu tiên của giai cấp vô sản Ấn Độ. Công nhân đã xuống đường biểu dương lực lượng và bênh vực những người lãnh đạo của phong trào yêu nước. Nó chứng tỏ rằng : “Giai cấp vô sản Ấn Độ đã trưởng thành, có thể điều hành cuộc đấu tranh chính trị tự giác mang tính chất quần chúng” (Lê-nin).

(Theo : Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng,
Lịch sử thế giới cận đại, Sđd, tr. 511)

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 11 (Nâng Cao)

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Lịch Sử 11

Lịch sử 11 - NXB Giáo Dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

ngu-van-7-tap-2-894

Ngữ Văn 7 - Tập 2

Sách Lớp 7 Kết Nối Tri Thức

khoa-hoc-tu-nhien-7-868

Khoa Học Tự nhiên 7

Sách Lớp 7 Cánh Diều

hoat-dong-trai-nghiem-3-1058

Hoạt Động Trải Nghiệm 3

Sách Lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo

vo-bai-tap-hoat-dong-trai-nghiem-2-1040

Vở bài tập HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM 2

Sách Lớp 2 Kết Nối Tri Thức

cong-nghe-3-261

Công Nghệ 3

Sách Lớp 3 Cánh Diều

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.