THƯỜNG THỨC ÂM NHẠC
1 Đàn tranh và đàn đáy
Đàn tranh
Đàn tranh có 16 dây, còn gọi là đàn thập lục. Khi chơi đàn, người ta dùng tay phải có đeo móng ở đầu ngón tay để gảy; các ngón của bàn tay trái dùng để rung, nhấn. Đàn tranh có âm sắc trong trẻo.
Ảnh: Minh Hiền cung cấp
Đàn đáy
Đàn đáy có 3 dây. Khi chơi đàn, người ta dùng tay phải cầm móng để gảy; tay trái bấm vào dây đàn trên hàng phím tạo cao độ cho âm thanh. Âm sắc của đàn đáy hơi đục, ấm. Đây là nhạc cụ giai điệu duy nhất được dùng với phách và trống chầu khi diễn xướng Ca trù.
- Âm thanh của đàn tranh thường để thể hiện những giai điệu nào?
- Em có nhận xét gì về hình dáng cây đàn đáy?
2 Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ (1909 – 2001)
Nghệ sĩ Nhân dân Quách Thị Hồ quê ở Hưng Yên, vùng đất có nhiều làn điệu dân ca. Bà là nghệ nhân Ca trù tiêu biểu của Việt Nam và là người đầu tiên giới thiệu tiếng hát Ca trù ra thế giới.
Năm 1978, bà nhận bằng danh dự vì có công gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống quý báu của Việt Nam, một vốn quý của nhân loại do Hội đồng Âm nhạc UNESCO và Viện Nghiên cứu Quốc tế về Âm nhạc trao tặng.
Ảnh: Tư liệu
Ảnh: Tư liệu
Năm 1983, tại Liên hoan Quốc tế Âm nhạc Truyền thống châu Á ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên), băng ghi âm tiếng hát của bà, đại diện cho Việt Nam, đã được xếp hạng Nhất.
Năm 1988, bà là nghệ nhân Ca trù duy nhất được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.
? - Kể tên một vài nghệ nhân Ca trù hoặc nghệ sĩ hát nhạc cổ truyền mà em biết.
- Em có biết nghệ thuật Ca trù phổ biến ở vùng, miền nào của Việt Nam không?