I - MỤC TIÊU
- Phân biệt các dạng đột biến số lượng NST trên tiêu bản cố định hay tiêu bản tạm thời.
- Vẽ được hình thái, số lượng NST đã quan sát.
II - CHUẨN BỊ
Mỗi nhóm học sinh (gồm 3-4 em) được trang bị :
- Kính hiển vi quang học có vật kính 10x, 40x và thị kính 10x, 20x.
- Tiêu bản cố định bộ NST của :
+ Khoai môn, khoai sọ (hoặc ráy) lưỡng bội (2n).
+ Khoai môn, khoai sọ tam bội (3n) hoặc rảy tứ bội (4n).
- Tiêu bản cố định bộ NST tế bào bạch cầu được nuôi cấy của bệnh nhân :
+ Đao.
+ Tơcnơ.
- Trường hợp không có tiêu bản cố định bộ NST của khoai môn, khoai sọ, hoặc ráy có thể làm tiêu bản tạm thời bộ NST.
Cách tiến hành như sau:
Lấy các củ khoai môn, khoai sọ hoặc ráy trồng vào chậu cát ẩm. Khi các củ khoai, ráy mọc rễ dài 2-3 cm, cắt lấy phần chóp rễ, rửa sạch rồi cho vào dung dịch cố định pha theo tỉ lệ 3 phần cồn 90° : 1 phần axit axêtic đặc. Sau đó, giữ cố định 12 giờ rồi đem rửa rễ bằng cồn 70°.
Đun cách thuỷ rễ trong dung dịch thuốc nhuộm oocxein (hoặc cacmin) 4-5% đã được pha trong axit axêtic 45% tới khi mẫu rễ mềm.
Lấy 1-2 mẫu chóp rễ dài 2-3 mm đưa lên phiến kính. Nhỏ thêm 1 giọt thuốc nhuộm oocxein axêtic 4-5% lên mẫu. Đậy lá kính lên mẫu sau đó đặt miếng giấy lọc lên trên rồi ấn nhẹ cho NST tung đều.
Quan sát tiêu bản trên kính hiển vi.
III - CÁCH TIẾN HÀNH
Từng nhóm tiến hành quan sát
- Đặt tiêu bản lên kính hiển vi rồi nhìn từ ngoài (chưa qua thị kính) để điều chỉnh chỗ có mẫu vật trên tiêu bản vào giữa vùng sáng.
- Quan sát toàn bộ tiêu bản từ đầu này đến đầu kia dưới vật kính 10x để sơ bộ xác định vị trí của những tế bào có NST tung ra.
- Chỉnh vùng tế bào có NST tung ra vào giữa trường kính và chuyển sang quan sát dưới vật kính 40x.
Lưu ý : Điều chỉnh để chọn bộ NST tung đều, rõ nhất, không có sự chồng lấp lên nhau giữa các NST.
- Thảo luận nhóm để xác định kết quả quan sát được.
- Vẽ lại hình thái một bộ NST đẹp nhất trong một tế bào vào vở.
- Đếm số lượng NST/tế bào và ghi kết quả vào vở.
- Học sinh cũng có thể tập nhận biết các dạng đột biến NST trên ảnh chụp hoặc trên các tiêu bản đột biến NST khác.
IV - THU HOẠCH
Từng học sinh viết báo cáo thu hoạch vào vở của mình theo bảng sau :
STT | Đối tượng | Số NST/tế bào | Giải thích cơ chế hình thành đột biến |
1 | Khoai môn, khoai sọ (hoặc ráy) lưỡng bội (2n) | ||
2 | Khoai môn, khoai sọ tam bội (3n) hoặc ráy tứ bội (4n) | ||
3 | Bệnh nhân Đao | ||
4 | Bệnh nhân Tơcnơ |