SGKVN

Lịch Sử 12 - Bài 4: Các Nước Đông Nam Á Và Ấn Độ | Giáo Dục Việt Nam

Bài 4: Các Nước Đông Nam Á Và Ấn Độ - Lịch Sử 12. Xem chi tiết nội dung bài Bài 4: Các Nước Đông Nam Á Và Ấn Độ và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 12 | Giáo Dục Việt Nam

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội ở khu vực Đông Nam Á và Nam Á có sự thay đổi sâu sắc : các nước trong khu vực đã giành được độc lập và bước vào thời kì xây dựng cuộc sống mới với nhiều thành tựu rực rỡ.

I – CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

1. Sự thành lập các quốc gia độc lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai

a) Vài nét chung về quá trình đấu tranh giành độc lập

Khu vực Đông Nam Á rộng 4,5 triệu km2, hiện nay gồm 11 nước(1) với số dân 528 triệu người (2000).

Vốn là thuộc địa của các nước đế quốc Âu – Mĩ (trừ Thái Lan), trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, các nước Đông Nam Á bị biến thành thuộc địa của quân phiệt Nhật Bản. Tận dụng thời cơ Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, vào giữa tháng 8 – 1945, nhân dân Đông Nam Á đứng lên đấu tranh, nhiều nước đã giành được độc lập dân tộc, hoặc đã giải phóng phần lớn lãnh thổ.

Ngày 17 – 8 – 1945, Inđônêxia tuyên bố độc lập và thành lập nước Cộng hoà Inđônêxia. Tháng 8 – 1945, nhân dân Việt Nam tiến hành Tổng khởi nghĩa ; ngày 2 – 9, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Tháng 8 – 1945, nhân dân các bộ tộc Lào nổi dậy, đến ngày 12 – 10, nước Lào tuyên bố độc lập.

Mặc dù chưa giành được độc lập, nhưng nhân dân Miến Điện (nay là Mianma), Mã Lai (nay là Malaixia) và Philíppin cũng đã giải phóng được nhiều vùng rộng lớn của đất nước khỏi ách quân phiệt Nhật Bản.

(1) Brunây, Campuchia, Đông Timo, Inđônêxia, Lào, Malaixia, Mianma, Philíppin, Thái Lan, Việt Nam và Xingapo.

Nhưng ngay sau đó, thực dân Âu – Mĩ quay trở lại tái chiếm Đông Nam Á. Nhân dân các nước lại phải tiến hành kháng chiến chống xâm lược. Trải qua cuộc đấu tranh kiên cường và gian khổ, năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia đã kết thúc thắng lợi. Thực dân Hà Lan phải công nhận Cộng hoà Liên bang Inđônêxia (1949) và ngày 15 – 8 – 1950, nước Cộng hoà Inđônêxia thống nhất ra đời. Trong bối cảnh của cuộc đấu tranh chung đó, các đế quốc Âu – Mĩ lần lượt phải công nhận độc lập của Philíppin (4 – 7 – 1946), Miến Điện (4 – 1 – 1948), Mã Lai (31 – 8 – 1957) và quyền tự trị của Xingapo (3 – 6 – 1959).

Hình 10. Lược đồ khu vực Đông Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai

Tuy nhiên, nhân dân Việt Nam và Lào, tiếp đó là Campuchia phải tiến hành cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa thực dân mới của Mĩ, đến năm 1975 mới giành được thắng lợi hoàn toàn.

Riêng Brunây, tới tháng 1 – 1984 mới tuyên bố là quốc gia độc lập. Đông Timo ra đời sau cuộc trưng cầu dân ý tách khỏi Inđônêxia (8 – 1999), ngày 20 – 5 – 2002 đã trở thành một quốc gia độc lập.

b) Lào (1945 – 1975)

Giữa tháng 8 – 1945, Nhật Bản đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Nắm thời cơ thuận lợi, ngày 23 – 8 – 1945, nhân dân Lào nổi dậy giành chính quyền. Ngày 12 – 10, nhân dân Thủ đô Viêng Chăn khởi nghĩa thắng lợi, Chính phủ Lào ra mắt quốc dân và tuyên bố về nền độc lập của Lào.

Tháng 3 – 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước Lào. Nhân dân Lào một lần nữa phải cầm súng kháng chiến bảo vệ nền độc lập của mình.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Lào ngày càng phát triển. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ (7 – 1954) đã công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, thừa nhận địa vị hợp pháp của các lực lượng kháng chiến Lào.

Nhưng sau đó, Mĩ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Lào. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Lào (thành lập ngày 22 – 3 – 1955)(1), cuộc đấu tranh chống đế quốc Mĩ được triển khai cả trên ba mặt trận : quân sự – chính trị – ngoại giao và giành được nhiều thắng lợi.

Nhân dân Lào đã lần lượt đánh bại các kế hoạch chiến tranh của Mĩ, đến đầu những năm 70 vùng giải phóng được mở rộng đến 4/5 lãnh thổ.

Do thắng lợi trên, cùng với việc Hiệp định Pari về Việt Nam được kí kết (1 – 1973), các phái ở Lào đã thoả thuận kí Hiệp định Viêng Chăn (21 – 2 – 1973), lập lại hoà bình, thực hiện hoà hợp dân tộc ở Lào.

Năm 1975, hoà theo thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam, từ tháng 5 đến tháng 12, quân và dân Lào đã nổi dậy giành chính quyền trong cả nước.

Ngày 2 – 12 – 1975, nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào chính thức được thành lập, do Hoàng thân Xuphanuvông làm Chủ tịch. Nước Lào bước sang một thời kì mới – xây dựng đất nước, phát triển kinh tế – xã hội.

(1) Năm 1972, đổi thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

c) Campuchia (1945 – 1993)

Đầu tháng 10 – 1945, thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Campuchia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và từ năm 1951 là Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, nhân dân Campuchia tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngày 9 – 11 – 1953, do hoạt động ngoại giao của Quốc vương N. Xihanúc, Chính phủ Pháp kí hiệp ước trao trả độc lập cho Campuchia, nhưng quân Pháp vẫn chiếm đóng đất nước này.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Chính phủ Pháp phải kí Hiệp định Giơnevơ năm 1954 công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia, Lào và Việt Nam.

Từ năm 1954 đến đầu năm 1970, Chính phủ Xihanúc thực hiện đường lối hoà bình, trung lập, không tham gia bất cứ khối liên minh quân sự hoặc chính trị nào ; tiếp nhận viện trợ từ mọi phía, không có điều kiện ràng buộc.

Ngày 18 – 3 – 1970, Chính phủ Xihanúc bị lật đổ bởi các thế lực tay sai của Mĩ. Từ đây, nhân dân Campuchia sát cánh cùng nhân dân Việt Nam và Lào tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ, từng bước giành thắng lợi. Ngày 17 – 4 – 1975, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân Campuchia kết thúc thắng lợi.

Ngay sau đó, tập đoàn Khơme đỏ do Pôn Pốt cầm đầu đã phản bội cách mạng, thi hành chính sách diệt chủng, tàn sát hàng triệu người dân vô tội.

Nhân dân Campuchia, được sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, đã nổi dậy đánh đổ tập đoàn Khơme đỏ. Ngày 7 – 1 – 1979, thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, nước Cộng hoà Nhân dân Campuchia được thành lập. Campuchia bước vào thời kì hồi sinh, xây dựng lại đất nước.

Tuy nhiên, từ năm 1979, ở Campuchia đã diễn ra cuộc nội chiến kéo dài hơn một thập niên giữa lực lượng của Đảng Nhân dân Cách mạng với các phe phái đối lập, chủ yếu là lực lượng Khơme đỏ.

Với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, các bên Campuchia đã đi đến thoả thuận hoà giải và hoà hợp dân tộc. Ngày 23 – 10 – 1991, Hiệp định hoà bình về Campuchia được kí kết tại Pari. Sau cuộc tổng tuyển cử, đến tháng 9 – 1993, Quốc hội mới họp thông qua Hiến pháp, tuyên bố thành lập Vương quốc Campuchia do Xihanúc làm Quốc vương. Từ đó, đời sống chính trị và kinh tế của nhân dân Campuchia bước sang một thời kì phát triển mới.

Tháng 10 – 2004, Quốc vương Xihanúc thoái vị, Hoàng tử Xihamôni lên kế ngôi, trở thành Quốc vương của Campuchia.

2. Quá trình xây dựng và phát triển của các nước Đông Nam Á

Các nước Đông Nam Á sau khi giành độc lập đã bước vào thời kì phát triển kinh tế với những chiến lược phát triển khác nhau.

a) Nhóm năm nước sáng lập ASEAN

Thời kì đầu sau khi giành được độc lập, nhóm năm nước sáng lập ASEAN (Inđônêxia, Malaixia, Philíppin, Xingapo, Thái Lan) đều tiến hành công nghiệp hoá thay thế nhập khẩu (chiến lược kinh tế hướng nội) với mục tiêu nhanh chóng xoá bỏ nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng nền kinh tế tự chủ. Nội dung chủ yếu là đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nội địa thay thế hàng nhập khẩu, lấy thị trường trong nước làm chỗ dựa để phát triển sản xuất v.v..

Thực hiện chiến lược kinh tế hướng nội, các nước này đã đạt được một số thành tựu bước đầu về kinh tế – xã hội.

Sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của nhân dân trong nước, góp phần giải quyết nạn thất nghiệp, phát triển một số ngành chế biến, chế tạo. Kế hoạch phát triển kinh tế 6 năm của Thái Lan (1961 – 1966) đã tăng thu nhập quốc dân 7,6%, dự trữ ngoại tệ và vàng tăng 15%. Với Malaixia, sau kế hoạch 5 năm (1966 – 1970), miền Tây đã tự túc được lương thực, miền Đông giảm nhập khẩu gạo v.v..

Tuy nhiên, chiến lược kinh tế này cũng bộc lộ những hạn chế.

Thiếu nguồn vốn, nguyên liệu và công nghệ, chi phí cao dẫn tới tình trạng thua lỗ, tệ tham nhũng, quan liêu phát triển, đời sống người lao động còn khó khăn, chưa giải quyết được quan hệ giữa tăng trưởng với công bằng xã hội.

Sự hạn chế đó đã buộc chính phủ các nước, từ những năm 60 – 70 trở đi chuyển sang chiến lược công nghiệp hoá lấy xuất khẩu làm chủ đạo (chiến lược kinh tế hướng ngoại). Các nước này đều tiến hành “mở cửa” nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư và kĩ thuật của nước ngoài, tập trung sản xuất hàng hoá để xuất khẩu, phát triển ngoại thương.

Sau khi thực hiện chiến lược kinh tế hướng ngoại, bộ mặt kinh tế – xã hội của các nước này có sự biến đổi to lớn. Tỉ trọng công nghiệp trong nền kinh tế quốc dân cao hơn nông nghiệp, mậu dịch đối ngoại tăng trưởng nhanh.

Năm 1980, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm nước này đạt tới 130 tỉ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch ngoại thương của các quốc gia và khu vực đang phát triển. Vấn đề tăng trưởng và công bằng xã hội đã được chú trọng giải quyết.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm nước này khá cao : Trong những năm 70 của thế kỉ XX, tốc độ tăng trưởng của Inđônêxia là 7% – 7,5%, của Malaixia là 7,8%, của Philíppin là 6,3%, còn Thái Lan là 9% (1985 – 1995), Xingapo chuyển mình mạnh nhất với tốc độ tăng trưởng 12% (1966 – 1973) và trở thành “con rồng” nổi trội nhất trong bốn “con rồng” kinh tế của châu Á.

Năm 1997 – 1998, các nước ASEAN trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng. Nền kinh tế bị suy thoái, tình hình chính trị một số nước không ổn định. Sau vài năm khắc phục, kinh tế dần dần được phục hồi, các nước ASEAN lại tiếp tục phát triển.

b) Nhóm các nước Đông Dương

Sau khi giành được độc lập, về cơ bản các nước Đông Dương(1) đã phát triển theo hướng kinh tế tập trung, đạt được một số thành tựu, nhưng còn nhiều khó khăn. Vào những năm 80 – 90 của thế kỉ XX, các nước này từng bước chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Bước vào thời kì hoà bình xây dựng đất nước, nhân dân Lào đã đạt được một số thành tựu bước đầu, nhưng về căn bản, Lào vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Từ cuối năm 1986, nước Lào thực hiện công cuộc đổi mới, nền kinh tế có sự khởi sắc, đời sống các bộ tộc được cải thiện. GDP năm 2000 tăng 5,7%, sản xuất nông nghiệp tăng 4,5%, công nghiệp tăng 9,2%.

Sau khi tình hình chính trị ổn định, Campuchia bước vào thời kì phục hồi kinh tế và đạt được một số thành tựu đáng kể. Mặc dù sản xuất công nghiệp tăng 7% (1995), nhưng Campuchia vẫn là một nước nông nghiệp.

c) Các nước khác ở Đông Nam Á

Nền kinh tế Brunây có nét khác biệt. Hầu như toàn bộ thu nhập của nước này đều dựa vào nguồn dầu mỏ và khí tự nhiên. Lương thực, thực phẩm phải nhập tới 80%. Từ giữa những năm 80 của thế kỉ XX, Chính phủ thi hành chính sách đa dạng hoá nền kinh tế để tiết kiệm nguồn năng lượng dự trữ, gia tăng các mặt hàng tiêu dùng và xuất khẩu.

Sau gần 30 năm thực hiện chính sách tự lực hướng nội của chính quyền quân sự, Mianma có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Từ cuối năm 1988, Chính phủ tiến hành cải cách kinh tế và “mở cửa”, do đó nền kinh tế có sự khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 1995 là 7%, năm 2000 là 6,2%. Tuy nhiên, bình quân thu nhập đầu người ở Mianma còn thấp (hơn 100 USD năm 2003).

(1) Phần này chỉ đề cập nội dung về lịch sử Lào và Campuchia, còn nội dung về Việt Nam sẽ được đề cập kĩ trong các bài lịch sử Việt Nam ở phần sau.

3. Sự ra đời và phát triển của tổ chức ASEAN

ASEAN ra đời trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến chuyển to lớn vào nửa sau những năm 60 của thế kỉ XX.

Sau khi giành được độc lập, bước vào thời kì phát triển kinh tế trong điều kiện rất khó khăn, nhiều nước trong khu vực thấy cần có sự hợp tác với nhau để cùng phát triển. Đồng thời, họ cũng muốn hạn chế ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực, nhất là khi cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Đông Dương đang bị sa lầy và sự thất bại là không tránh khỏi. Hơn nữa, những tổ chức hợp tác mang tính khu vực trên thế giới xuất hiện ngày càng nhiều, những thành công của Khối thị trường chung châu  u đã cổ vũ các nước Đông Nam Á tìm cách liên kết với nhau.

Ngày 8 – 8 – 1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (viết tắt theo tiếng Anh là ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của năm nước : Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan và Philíppin.

Mục tiêu của ASEAN là phát triển kinh tế và văn hoá thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tinh thần duy trì hoà bình và ổn định khu vực.

Trong giai đoạn đầu (1967 – 1975), ASEAN là một tổ chức non trẻ, sự hợp tác trong khu vực còn lỏng lẻo, chưa có vị trí trên trường quốc tế. Sự khởi sắc của ASEAN được đánh dấu từ Hội nghị cấp cao lần thứ nhất họp tại Bali (Inđônêxia) tháng 2 – 1976, với việc kí Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (gọi tắt là Hiệp ước Bali).

Hiệp ước Bali xác định những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước : tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau ; không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ bằng vũ lực đối với nhau ; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình ; hợp tác phát triển có hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá và xã hội.

Vào thời điểm này, quan hệ giữa các nước Đông Dương và ASEAN bước đầu được cải thiện. Hai nhóm nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao và bắt đầu có những chuyến viếng thăm lẫn nhau của các nhà lãnh đạo cấp cao.

Sau thời kì căng thẳng giữa hai nhóm nước (từ cuối thập kỉ 70 đến giữa thập kỉ 80) về “vấn đề Campuchia”, Việt Nam và ASEAN bắt đầu quá trình đối thoại, hoà dịu. Đây cũng là thời kì kinh tế các nước ASEAN bắt đầu tăng trưởng.

Năm 1984, Brunây gia nhập và trở thành thành viên thứ sáu của ASEAN.

Từ đầu những năm 90, ASEAN tiếp tục mở rộng thành viên của mình trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều thuận lợi.

Năm 1992, Việt Nam và Lào tham gia Hiệp ước Bali. Tiếp đó, ngày 28 – 7 – 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN. Tháng 7 – 1997, Lào và Mianma gia nhập ASEAN. Đến năm 1999, Campuchia được kết nạp vào tổ chức này.

Hình 11. Các nhà lãnh đạo mười nước ASEAN tại Hội nghị cấp cao (không chính thức) lần thứ ba (Philíppin, tháng 11 – 1999)

Từ năm nước sáng lập ban đầu, đến năm 1999, ASEAN đã phát triển thành mười nước thành viên. Từ đây, ASEAN đẩy mạnh hoạt động hợp tác kinh tế, xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hoà bình, ổn định, cùng phát triển.

Tháng 11 – 2007, các nước thành viên đã kí bản Hiến chương ASEAN nhằm xây dựng ASEAN thành một cộng đồng vững mạnh.

– Nêu các mốc chính của cuộc đấu tranh chống đế quốc ở Lào từ năm 1945 đến năm 1975.

– Hãy cho biết nội dung chính của các giai đoạn lịch sử Campuchia từ năm 1945 đến năm 1993.

– Trình bày hoàn cảnh ra đời của tổ chức ASEAN và nội dung chính của Hiệp ước Bali (1976).

II – ẤN ĐỘ

1. Cuộc đấu tranh giành độc lập

Ấn Độ là một nước rộng lớn và đông dân thứ hai ở châu Á, với diện tích gần 3,3 triệu km2, dân số 1 tỉ 20 triệu người (2000).

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cuộc đấu tranh chống thực dân Anh, đòi độc lập của nhân dân Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Đảng Quốc đại phát triển mạnh mẽ.

Năm 1946, ở Ấn Độ đã xảy ra 848 cuộc bãi công. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của 2 vạn thuỷ binh trên 20 chiến hạm ở Bombay (19 – 2 – 1946) chống đế quốc Anh, đòi độc lập dân tộc. Cuộc khởi nghĩa này nhanh chóng được sự hưởng ứng của các lực lượng dân tộc.

Ngày 22 – 2, ở Bombay, 20 vạn công nhân, học sinh, sinh viên bãi công, tuần hành và mít tinh chống thực dân Anh. Cuộc đấu tranh ở Bombay đã kéo theo cuộc nổi dậy của quần chúng ở Cancútta, Mađrát, Carasi, v.v. cũng như những cuộc xung đột vũ trang của nông dân với địa chủ và cảnh sát ở các tỉnh.

Đầu năm 1947, cao trào bãi công của công nhân tiếp tục bùng nổ ở nhiều thành phố lớn, như cuộc bãi công của hơn 40 vạn công nhân ở Cancútta (2 – 1947).

Trước sức ép của phong trào đấu tranh của nhân dân Ấn Độ, thực dân Anh buộc phải nhượng bộ, hứa sẽ trao quyền tự trị theo “phương án Maobátton” chia đất nước này thành hai quốc gia trên cơ sở tôn giáo : Ấn Độ của người theo Ấn Độ giáo, Pakixtan của người theo Hồi giáo. Ngày 15 – 8 – 1947, hai nhà nước tự trị Ấn Độ và Pakixtan(1) được thành lập.

Hình 12. Lược đồ các nước Nam Á sau Chiến tranh thế giới thứ hai

(1) Khi đó, Pakixtan gồm hai phần ở phía đông và phía tây Ấn Độ. Ngày 26 – 3 – 1971, nhân dân miền Đông Pakixtan, vốn là cộng đồng người Bengan, đã nổi dậy đấu tranh vũ trang, tuyên bố tách khỏi Pakixtan, thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Bănglađét.

Ngày 30 – 1 – 1948, vị lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Ấn Độ là M. Ganđi bị bọn phản động ám sát, nhưng Đảng Quốc đại vẫn tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Không thoả mãn với quy chế tự trị, Đảng Quốc đại do G. Nêru đứng đầu đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập trong những năm 1948 – 1950. Ngày 26 – 1 – 1950, Ấn Độ tuyên bố độc lập và thành lập nước cộng hoà.

Sự thành lập nước Cộng hoà Ấn Độ đánh dấu thắng lợi to lớn của nhân dân Ấn Độ, có ảnh hưởng quan trọng đến phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Hình 13. G. Nêru (1889 - 1964)

2. Công cuộc xây dựng đất nước

Trong thời kì xây dựng đất nước, Ấn Độ đạt được nhiều thành tựu về nông nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp nặng, chế tạo máy, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.

Nhờ tiến hành cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp, từ giữa những năm 70 của thế kỉ XX, Ấn Độ đã tự túc được lương thực, và từ năm 1995, là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba trên thế giới.

Cũng trong những năm 70, Ấn Độ đã sử dụng năng lượng hạt nhân vào sản xuất điện. Trong những năm 80, Ấn Độ đứng hàng thứ mười trong những nước sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới. Ấn Độ đã chế tạo được máy móc, thiết bị ngành dệt, hoá chất, máy bay, tàu thuỷ, đầu máy xe lửa, ti vi màu v.v. ; tốc độ tăng trưởng GDP năm 1995 là 7,4%, năm 2000 là 3,9%.

Trong các lĩnh vực khoa học – kĩ thuật, văn hoá, giáo dục, Ấn Độ có những bước tiến nhanh chóng và hiện nay đang cố gắng vươn lên hàng các cường quốc về công nghệ phần mềm, công nghệ hạt nhân, công nghệ vũ trụ. Cuộc “cách mạng chất xám” đã đưa Ấn Độ trở thành một trong những cường quốc sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới.

Năm 1974, Ấn Độ thử thành công bom nguyên tử ; năm 1975, phóng vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo Trái Đất bằng tên lửa của mình. Đến năm 2002, Ấn Độ đã có 7 vệ tinh nhân tạo hoạt động trong vũ trụ.

Về đối ngoại, Ấn Độ theo đuổi chính sách hoà bình, trung lập tích cực, luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh giành độc lập của các dân tộc. Ngày 7 – 1 – 1972, Ấn Độ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.

Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ trong những năm 1945 – 1950 diễn ra như thế nào ?

CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP

1. Lập niên biểu về thời gian tuyên bố độc lập của các quốc gia ở Đông Nam Á.

2. Sưu tầm tài liệu về tổ chức ASEAN.

3. Nêu những thành tựu chính mà nhân dân Ấn Độ đạt được trong quá trình xây dựng đất nước.

 

 

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 12

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Ngữ Văn 12 - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Một

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Công Nghệ 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Địa Lý 12 Nâng Cao

Địa lý 12 - Nâng cao

Ngữ Văn 12 (Nâng Cao) - Tập Hai

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Giáo Dục Quốc Phòng - An Ninh 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Lịch Sử 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Tin Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Sinh Học 12 Nâng Cao

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam

Gợi ý cho bạn

bai-tap-ngu-van-6-tap-1-71

Bài Tập Ngữ Văn 6 - Tập 1

Sách Lớp 6 Kết Nối Tri Thức

ngu-van-11-tap-mot-453

Ngữ văn 11 (tập một)

Ngữ văn 11 (tập một)

hoa-hoc-12-nang-cao-755

Hóa Học 12 (Nâng Cao)

Sách Lớp 12 NXB Giáo Dục Việt Nam, gồm 9 chương

tin-hoc-3-1077

Tin Học 3

Sách Lớp 3 Kết Nối Tri Thức

atlat-1361

Atlat

Atlat hay atlas là một tập hợp các bản đồ, thường là của Trái Đất hoặc một khu vực trên Trái Đất. Ngoài ra còn có atlas của các hành tinh trong hệ Mặt Trời.

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.