Vào nửa cuối những năm 30 của thế kỉ XX, trước những biến chuyển của tình hình thế giới và trong nước, Đảng Cộng sản Đông Dương thay đổi chủ trương, chuyển sang hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, với mục tiêu đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hoà bình.
I – TÌNH HÌNH THẾ GIỚI VÀ TRONG NƯỚC
1. Tình hình thế giới
Từ đầu những năm 30 của thế kỉ XX, các thế lực phát xít cầm quyền ở một số nước như Đức, Italia, Nhật Bản ráo riết chạy đua vũ trang, chuẩn bị chiến tranh thế giới.
Tháng 7 – 1935, Quốc tế Cộng sản tiến hành Đại hội lần thứ VII tại Mátxcơva (Liên Xô). Đại hội đã quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng như : xác định kẻ thù là chủ nghĩa phát xít và nhiệm vụ trước mắt của giai cấp công nhân là chống chủ nghĩa phát xít, mục tiêu đấu tranh là giành dân chủ, bảo vệ hoà bình, thành lập mặt trận nhân dân rộng rãi.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương do Lê Hồng Phong dẫn đầu tham dự Đại hội.
Tháng 6 – 1936, Chính phủ Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp. Chính phủ mới đã cho thi hành một số chính sách tiến bộ ở thuộc địa.
2. Tình hình trong nước
Đối với Đông Dương, Chính phủ Pháp cử phái viên sang điều tra tình hình, cử Toàn quyền mới, sửa đổi đôi chút luật bầu cử vào Viện Dân biểu, ân xá một số tù chính trị, nới rộng quyền tự do báo chí v.v..
Lúc này, ở Việt Nam, nhiều đảng phái chính trị hoạt động, trong đó có đảng cách mạng, đảng theo xu hướng cải lương, đảng phản động v.v.. Các đảng tận dụng cơ hội đẩy mạnh hoạt động, tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng. Tuy nhiên, chỉ có Đảng Cộng sản Đông Dương là đảng mạnh nhất, có tổ chức chặt chẽ và có chủ trương rõ ràng. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (1929 – 1933), thực dân Pháp ở Đông Dương tập trung đầu tư khai thác thuộc địa để bù đắp sự thiếu hụt cho kinh tế “chính quốc”.
Về nông nghiệp, chính quyền thực dân tạo điều kiện cho tư bản Pháp chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, làm cho 2/3 nông dân không có ruộng hoặc chỉ có ít ruộng. Phần lớn đất nông nghiệp độc canh trồng lúa. Các đồn điền của tư bản Pháp chủ yếu trồng cao su, sau đó là cà phê, chè, đay, gai, bông v.v..
Về công nghiệp, ngành khai mỏ được đẩy mạnh. Sản lượng các ngành dệt, sản xuất xi măng, chế cất rượu tăng. Các ngành ít phát triển là điện, nước, cơ khí, đường, giấy, diêm v.v..
Về thương nghiệp, chính quyền thực dân độc quyền bán thuốc phiện, rượu, muối, thu được lợi nhuận rất cao ; nhập khẩu máy móc và hàng công nghiệp tiêu dùng. Hàng xuất khẩu chủ yếu là khoáng sản, nông sản.
Nhìn chung, những năm 1936 – 1939 là giai đoạn phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn lạc hậu và lệ thuộc vào kinh tế Pháp.
Đời sống các tầng lớp nhân dân vẫn gặp khó khăn do chính sách tăng thuế của chính quyền thuộc địa. Số công nhân thất nghiệp vẫn còn nhiều. Những người có việc làm được nhận mức lương chưa bằng thời kì trước khủng hoảng.
Nông dân không đủ ruộng cày. Họ còn chịu mức địa tô cao và nhiều thủ đoạn bóc lột khác của địa chủ, cường hào v.v..
Tư sản dân tộc có ít vốn nên chỉ lập được những công ti nhỏ, phải chịu thuế cao, bị tư bản Pháp chèn ép.
Nhiều người trong giới tiểu tư sản trí thức thất nghiệp. Công chức nhận được mức lương thấp. Các tầng lớp lao động khác phải chịu thuế khoá nặng nề, giá cả sinh hoạt đắt đỏ.
Đời sống của đa số nhân dân khó khăn, cực khổ. Chính vì thế họ hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi tự do, cơm áo dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Phong trào dân chủ 1936 – 1939 đã diễn ra trong bối cảnh lịch sử nào ?
II – PHONG TRÀO DÂN CHỦ 1936 – 1939
1. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 7 – 1936
Tháng 7 – 1936, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, do Lê Hồng Phong chủ trì, họp ở Thượng Hải (Trung Quốc). Hội nghị dựa trên Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản, căn cứ vào tình hình cụ thể của Việt Nam để định ra đường lối và phương pháp đấu tranh. Hội nghị xác định : Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền Đông Dương là chống đế quốc và chống phong kiến ; nhiệm vụ trực tiếp, trước mắt là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân sinh, dân chủ, cơm áo và hoà bình. Phương pháp đấu tranh là kết hợp các hình thức công khai và bí mật, hợp pháp và bất hợp pháp. Hội nghị chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương.
Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi các đảng phái chính trị, các tổ chức quần chúng và nhân dân Đông Dương hành động, đấu tranh cho dân chủ. Phong trào quần chúng lan rộng trong cả nước.
Sau Hội nghị này, Hà Huy Tập được cử làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tiếp đó, Hội nghị Trung ương các năm 1937 và 1938 đã bổ sung và phát triển nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 7 – 1936. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 3 – 1938, Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương đổi thành Mặt trận Thống nhất dân chủ Đông Dương, gọi tắt là Mặt trận Dân chủ Đông Dương.
2. Những phong trào đấu tranh tiêu biểu
a) Đấu tranh đòi các quyền tự do, dân sinh, dân chủ
Từ giữa năm 1936, được tin Quốc hội Pháp sẽ cử một phái đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương, Đảng chủ trương vận động và tổ chức nhân dân họp bàn về các yêu cầu tự do, dân chủ để thảo ra các bản “dân nguyện” gửi tới phái đoàn, tiến tới triệu tập Đông Dương Đại hội (8 – 1936).
Các uỷ ban hành động được thành lập khắp nơi trong nước. Quần chúng sôi nổi tham gia các cuộc mít tinh, hội họp.
Trước sự phát triển của phong trào, giữa tháng 9 – 1936, chính quyền thực dân ra lệnh giải tán các uỷ ban hành động, cấm các cuộc hội họp của nhân dân.
Mặc dù phái đoàn của Quốc hội Pháp không sang, phong trào Đông Dương Đại hội bị cấm hoạt động, song đông đảo quần chúng lao động đã thức tỉnh, Đảng đã tích luỹ được một số kinh nghiệm lãnh đạo đấu tranh công khai, hợp pháp. Chính quyền thực dân đã phải giải quyết một phần yêu sách của nhân dân, như nới rộng quyền xuất bản báo chí, tự do đi lại, thả một số tù chính trị v.v..
Đầu năm 1937, phái viên của Chính phủ Pháp G. Gôđa sang điều tra tình hình Đông Dương và Brêviê nhậm chức Toàn quyền Đông Dương. Lợi dụng sự kiện này, Đảng tổ chức quần chúng mít tinh “đón rước”, nhưng thực chất là biểu dương lực lượng. Trên đường Gôđa đi từ Sài Gòn ra Hà Nội, đến đâu nhân dân cũng biểu tình đưa yêu sách về dân sinh, dân chủ.
Hình 34. Mít tinh kỉ niệm ngày Quốc tế Lao động (1 – 5 – 1938) tại khu Đấu Xảo (nay thuộc khu vực Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội)
Trong những năm 1937 – 1939, các cuộc mít tinh, biểu tình đòi quyền sống của các tầng lớp nhân dân vẫn tiếp tục diễn ra. Đặc biệt là cuộc đấu tranh nhân ngày 1 – 5 – 1938. Lần đầu tiên trong ngày Quốc tế Lao động, các cuộc mít tinh được tổ chức công khai ở Hà Nội và nhiều nơi khác, thu hút đông đảo quần chúng tham gia.
b) Đấu tranh nghị trường
Trong cuộc bầu cử vào Viện Dân biểu Trung Kì (1937), Viện Dân biểu Bắc Kì, Hội đồng Kinh tế lí tài Đông Dương (1938) và Hội đồng Quản hạt Nam Kì (1939), Đảng vận động để đưa người của Mặt trận Dân chủ Đông Dương ra ứng cử. Đồng thời, Đảng sử dụng báo chí để tuyên truyền, vận động cử tri bỏ phiếu cho những ứng cử viên này.
Đảng chủ trương tham gia đấu tranh công khai trên nghị trường nhằm mục đích mở rộng lực lượng của Mặt trận Dân chủ và vạch trần chính sách phản động của bọn thực dân và tay sai, bênh vực quyền lợi của nhân dân lao động.
c) Đấu tranh trên lĩnh vực báo chí
Đảng đã xuất bản nhiều tờ báo công khai ở các thành phố lớn trong nước như Tiền phong, Dân chúng, Lao động, Tin tức v.v.. Báo chí cách mạng trở thành mũi xung kích trong những phong trào lớn của cuộc vận động dân sinh, dân chủ thời kì 1936-1939.
Trong thời gian này, nhiều sách chính trị – lí luận, các tác phẩm văn học hiện thực phê phán, thơ cách mạng đã được xuất bản.
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực báo chí của Đảng đã thu được kết quả to lớn, trước hết về văn hoá – tư tưởng. Đông đảo các tầng lớp nhân dân được giác ngộ về con đường cách mạng của Đảng.
3. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của phong trào dân chủ 1936-1939
Cuộc vận động dân chủ 1936 – 1939 là phong trào quần chúng rộng lớn, có tổ chức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Bằng sức mạnh đoàn kết của quần chúng, phong trào dân chủ 1936 – 1939 đã buộc chính quyền thực dân phải nhượng bộ một số yêu sách cụ thể trước mắt về dân sinh, dân chủ ; quần chúng được giác ngộ về chính trị, tham gia vào mặt trận dân tộc thống nhất và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng ; đội ngũ cán bộ, đảng viên được rèn luyện và ngày càng trưởng thành.
Trong quá trình đấu tranh, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tích luỹ được nhiều bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất, kinh nghiệm tổ chức, lãnh đạo quần chúng đấu tranh công khai, hợp pháp,... Đồng thời, Đảng thấy được những hạn chế của mình trong công tác mặt trận, vấn đề dân tộc v.v.. Có thể nói, phong trào dân chủ 1936 – 1939 như một cuộc tập dượt, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này.
Nêu ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của phong trào dân chủ 1936 – 1939.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
Em có nhận xét gì về quy mô, lực lượng tham gia và hình thức đấu tranh trong phong trào dân chủ 1936 – 1939 ?