Do hành động phá hoại Hiệp định Sơ bộ (6 – 3 – 1946) và Tạm ước (14 – 9 – 1946) nhằm đẩy nhanh tới chiến tranh của thực dân Pháp, ta đã chủ động phát động cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp (1946 – 1954). Với đường lối kháng chiến đúng đắn, từ năm 1946 đến năm 1950, ta đã xây dựng lực lượng về mọi mặt, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu lâu dài và bước đầu giành thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947 và Biên giới thu – đông năm 1950.
I - CUỘC KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC CHỐNG THỰC DÂN PHÁP BÙNG NỔ
1. Âm mưu và hành động chiến tranh của Pháp
Chính phủ Pháp không thành thật trong việc kí Hiệp định Sơ bộ 6 – 3 – 1946 và Tạm ước 14 – 9 – 1946 với Việt Nam, nên kí xong lại tìm cách phá hoại, đẩy mạnh việc chuẩn bị xâm lược nước ta một lần nữa.
Ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, thực dân Pháp tiến đánh các vùng tự do của ta.
Ở Bắc Bộ và Trung Bộ, hạ tuần tháng 11 – 1946, thực dân Pháp khiêu khích, tiến công ta ở Hải Phòng và Lạng Sơn. Tháng 12 – 1946, chúng chiếm đóng trái phép ở Đà Nẵng, Hải Dương, đưa thêm viện binh đến Hải Phòng.
Ở Hà Nội, tình hình nghiêm trọng hơn. Trong các ngày 15 và 16 – 12, quân Pháp bắn súng, ném lựu đạn ở nhiều nơi : đốt Nhà Thông tin ở phố Tràng Tiền, chiếm đóng cơ quan Bộ Tài chính và Bộ Giao thông công chính. Chúng còn cho xe phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, gây ra những vụ tàn sát đẫm máu ở phố Hàng Bún, phố Yên Ninh, đầu cầu Long Biên, khu Cửa Đông... Trắng trợn hơn, trong các ngày 18 và 19 – 12 – 1946, tướng Moóclie gửi tối hậu thư đòi ta phá bỏ mọi công sự và chướng ngại trên các đường phố, giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để quân Pháp làm nhiệm vụ giữ trật tự ở Hà Nội. Nếu yêu cầu đó không được chấp nhận thì chậm nhất là vào sáng 20 – 12 – 1946, quân Pháp sẽ chuyển sang hành động !
2. Đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng
Tình thế khẩn cấp đã buộc Đảng, Chính phủ ta phải có quyết định kịp thời.
Ngày 12 – 12 – 1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Toàn dân kháng chiến.
Ngày 18 và 19 – 12 – 1946, Hội nghị bất thường mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tối 19 – 12 – 1946, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi có đoạn :
... Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa l
Không ! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chú nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào !
Chúng ta phải đứng lên !
Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc...
Hình 55. Bút tích Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 21 – 12 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và nhân dân các nước Đồng minh. Trong thư, Người khẳng định niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Bức thư nêu rõ :
"Cuộc kháng chiến rất lâu dài và đau khổ. Dù phải hi sinh bao nhiêu và thời gian kháng chiến đến bao giờ, chúng ta cũng nhất định chiến đấu đến cùng, đến bao giờ nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất. Chúng ta 20 triệu chống lại 10 vạn thực dân. Cuộc thắng lợi của chúng ta rất được bảo đảm".(1)
Từ tháng 3 – 1947, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh viết một loạt bài báo giải thích cụ thể về đường lối kháng chiến, đến tháng 9 – 1947 in thành tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi.
Chỉ thị Toàn dân kháng chiến, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi là những văn kiện lịch sử quan trọng về đường lối kháng chiến, nêu rõ tính chất, mục đích, nội dung và phương châm kháng chiến chống thực dân Pháp, đó là : toàn dân, toàn diện, trường kì, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế.
– Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp bùng nổ ngày 19 – 12 – 1946 trong hoàn cảnh như thế nào ?
– Phân tích nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng ta.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H., 1995, tr. 484.
II – CUỘC CHIẾN ĐẤU Ở CÁC ĐÔ THỊ PHÍA BẮC VĨ TUYẾN 16
1. Cuộc chiến đấu ở thủ đô Hà Nội
Trưa ngày 19 – 12 – 1946, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã chỉ thị cho các mặt trận trong cả nước "Chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, giặc Pháp sẽ nổ súng. Tất cả hãy sẵn sàng!".
Khoảng 20 giờ ngày 19 – 12 – 1946, công nhân nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội) phá máy, cả thành phố tắt điện, cuộc chiến đấu bắt đầu. Vệ quốc quân, công an xung phong, tự vệ chiến đấu đồng loạt tiến công các vị trí quân Pháp. Nhân dân đã khiêng bàn ghế, giường tủ, kiện hàng, hạ cây cối... làm thành những chướng ngại vật hoặc chiến luỹ chiến đấu. Cụ già, em nhỏ và những người không tham gia phục vụ chiến đấu, nhanh chóng tản cư ra các vùng ngoại thành.
Từ ngày 19 – 12 đến ngày 29 – 12 – 1946, những cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra ở nội thành. Hai bên giành nhau từng khu nhà, góc phố, như ở Bắc Bộ phủ, Bưu điện Bờ Hồ, đầu cầu Long Biên, sân bay Bạch Mai, ga Hàng Cỏ, ở các phố Khâm Thiên, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Da, Hàng Trống... Quân dân ta đã đánh gần 40 trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch.
Hình 56. Quyết tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng Pháp
Từ ngày 30 – 12 – 1946, địch phản công, ta phải thu hẹp phạm vi chiến đấu, chuyển lực lượng về Liên khu I (thuộc quận Ba Đình và phía Bắc quận Hoàn Kiếm ngày nay). Trong quá trình chiến đấu, Trung đoàn Thủ đô chính thức được thành lập. Những cuộc chiến đấu ác liệt tiếp tục diễn ra ở khu chợ Đồng Xuân, ở rạp hát Olympia (nay là rạp Hồng Hà).
Ngày 17 – 2 – 1947, Trung đoàn Thủ đô thực hiện cuộc rút quân vượt khỏi vòng vây của địch, ra căn cứ hậu phương an toàn. Trong 60 ngày đêm chiến đấu, quân và dân Hà Nội đã chiến đấu gần 200 trận, diệt và làm bị thương hàng nghìn tên địch, phá huỷ hàng chục xe cơ giới, 5 máy bay..., hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giam chân địch trong thành phố một thời gian dài để hậu phương kịp thời huy động lực lượng kháng chiến, di chuyển kho tàng, công xưởng về chiến khu, bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ về căn cứ lãnh đạo kháng chiến.
2. Cuộc chiến đấu ở các đô thị khác
Cùng với thủ đô Hà Nội, quân dân ta tại các đô thị khác ở phía Bắc vĩ tuyến 16 đứng lên chiến đấu, mở đầu kháng chiến toàn quốc chống Pháp.
Ở thành phố Nam Định, quân dân ta bao vây địch từ ngày 19 – 12 – 1946 đến ngày 12 – 3 – 1947.
Ở thành phố Vinh, ngay từ đầu cuộc chiến đấu, quân dân ta đã buộc địch đầu hàng.
Ở thành phố Huế, trong 50 ngày đêm, quân dân ta bao vây, tiến công địch.
Ở thành phố Đà Nẵng, quân dân ta tiến công, bao vây, cô lập sân bay và đánh lui nhiều đợt tiến công phá vây của địch.
Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 đã tạo điều kiện cho cả nước chuyển vào cuộc kháng chiến lâu dài.
Phối hợp với cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16, quân dân ta ở các tỉnh phía Nam (Nam Bộ và Nam Trung Bộ) đẩy mạnh chiến tranh du kích, chặn đánh địch trên các tuyến giao thông, phá cơ sở hậu cần của chúng.
Trình bày tóm tắt diễn biến cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 mở đầu kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Ý nghĩa của những cuộc chiến đấu đó.
III – TÍCH CỰC CHUẨN BỊ CHO CUỘC KHÁNG CHIẾN LÂU DÀI
1. Công tác di chuyển, thực hiện "Tiêu thổ kháng chiến"
Sau khi rút khỏi Hà Nội, các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận, các đoàn thể chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc.
Trong vòng 3 tháng đầu của cuộc kháng chiến, ta đã vận chuyển hàng vạn tấn máy móc và dụng cụ sản xuất, hàng vạn tấn nguyên vật liệu về chiến khu để tiếp tục sản xuất phục vụ nhu cầu cuộc kháng chiến. Riêng ở Bắc Bộ, gần 2/3 máy móc được chuyển lên căn cứ Việt Bắc.
Nhân dân các đô thị nhanh chóng tản cư ra các vùng hậu phương và tiến hành phá hoại nhà cửa, đường sá, cầu cống để không cho địch sử dụng, thực hiện khẩu hiệu "Vườn không nhà trống", "Tản cư cũng là kháng chiến", "Phá hoại để kháng chiến" v.v...
Hình 57. Lập cản trên sông ở miền Tây Nam Bộ
2. Xây dựng lực lượng mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài
Đảng, Chính phủ lãnh đạo và tổ chức nhân dân cả nước xây dựng lực lượng kháng chiến về mọi mặt.
Về chính trị, Chính phủ quyết định chia cả nước thành 14 khu hành chính. Các Uỷ ban hành chính chuyển thành Uỷ ban kháng chiến hành chính để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc. Mặt trận dân tộc thống nhất được mở rộng, thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt).
Về kinh tế, Chính phủ đề ra các chính sách nhằm duy trì và phát triển sản xuất, trước hết là sản xuất lương thực. Sản lượng lúa năm 1947 đạt 2 189 000 tấn (năm 1946 đạt dưới 2 triệu tấn). Nha Tiếp tế được thành lập, có nhiệm vụ thu mua, dự trữ và phân phối, đảm bảo nhu cầu ăn, mặc cho nhân dân và quân đội.
Về quân sự, Chính phủ quy định mọi người dân từ 18 đến 45 tuổi được tuyển chọn tham gia các lực lượng chiến đấu. Lực lượng vũ trang các cấp không ngừng tăng lên về số lượng và trang bị.
Về văn hoá, phong trào bình dân học vụ tiếp tục được duy trì và phát triển. Trường phổ thông các cấp được xây dựng. Việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được chú trọng.
Từ sau khi rút khỏi đô thị đến trước chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947, quân dân ta đã làm gì để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài ?
IV – CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC THU – ĐÔNG NĂM 1947
1. Thực dân Pháp tiến công căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc
Tháng 3 – 1947, Chính phủ Ramađiê cử Bolae sang làm Cao uỷ Pháp ở Đông Dương, thay Đácgiăngliơ. Bôlae vạch ra kế hoạch tiến công Việt Bắc, nhằm đánh phá căn cứ địa, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và quân chủ lực, triệt đường liên lạc quốc tế của ta. Chúng âm mưu giành thắng lợi quân sự, tiến tới thành lập chính phủ bù nhìn, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Thực dân Pháp huy động 12 000 quân và hầu hết máy bay ở Đông Dương do tướng Valuy chỉ huy, tiến công Việt Bắc từ ngày 7 – 10 – 1947.
Rạng sáng 7 – 10 – 1947, binh đoàn quân dù do Sôvanhắc chỉ huy đổ quân xuống chiếm thị xã Bắc Kạn, thị trấn Chợ Mới... Cùng ngày, binh đoàn bộ binh do Bộphơrê chỉ huy từ Lạng Sơn theo Đường số 4 đánh lên Cao Bằng rồi vòng xuống Bắc Kạn, theo Đường số 3, bao vây Việt Bắc ở phía đông và phía bắc. Ngày 9 - 10, một binh đoàn hỗn hợp bộ binh và lính thuỷ đánh bộ do Cômmuynan chỉ huy từ Hà Nội ngược sông Hồng và sông Lô lên Tuyên Quang, đến Chiêm Hoá, đánh vào Đài Thị, bao vây Việt Bắc ở phía tây.
2. Quân dân ta chiến đấu chống cuộc tiến công Việt Bắc của địch
Khi địch vừa tiến công Việt Bắc, Đảng ta đã có chỉ thị "Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp".
Chỉ thị nêu rõ : Giam chân địch tại mấy căn củ chúng vừa chiếm, bao vây những căn cứ đó... Chặt đứt giao thông liên lạc giữa các cứ điểm của địch, không cho chúng tiếp ứng và tiếp tế... Phải giữ gìn chủ lực, nhưng đồng thời cũng phải nhằm những chỗ yếu của địch mà đánh những trận vang dội, những trận tiêu diệt....
Trên khắp các mặt trận, quân dân ta đã anh dũng chiến đấu, từng bước đẩy lùi cuộc tiến công của địch.
Ở Bắc Kạn, quân ta đã chủ động bao vây và tiến công địch ở Chợ Mới, Chợ Đồn, Chợ Rã, Ngân Sơn, Bạch Thông..., buộc Pháp phải rút khỏi Chợ Đồn, Chợ Rã cuối tháng 11 – 1947.
Hình 58. Lược đồ chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947
Ở mặt trận hướng đông, quân dân ta phục kích chặn đánh địch trên Đường số 4, tiêu biểu là trận phục kích ở đèo Bông Lau (30 – 10), đánh trúng đoàn xe cơ giới của địch, thu nhiều vũ khí, quân trang quân dụng của chúng. Đường số 4 trở thành "con đường chết", địch ở vào thế bị động.
Ở mặt trận hướng tây, quân ta chặn đánh địch nhiều trận trên sông Lô. Một đoàn tàu chiến địch gồm 5 chiếc, có máy bay yểm trợ, đi từ Tuyên Quang đến Đoan Hùng thì rơi vào trận địa phục kích, bị quân ta bắn cháy hai tàu, bắn hư hỏng hai tàu khác. Ngày 10 – 11, đoàn tàu từ Chiêm Hoá về Tuyên Quang lại bị quân ta phục kích ở Khe Lau (ngã ba sông Gâm – sông Lô), hai tàu chiến, một ca nô bị bắn cháy, hàng trăm tên địch bị tiêu diệt.
Như vậy, hai gọng kìm Đông và Tây của địch đã bị bẻ gãy, không khép lại được.
Cuộc chiến đấu hơn hai tháng giữa ta và địch đã kết thúc bằng cuộc rút chạy của đại bộ phận quân Pháp khỏi Việt Bắc ngày 19 – 12 – 1947. Cơ quan đầu não kháng chiến được bảo toàn. Bộ đội chủ lực của ta đã trưởng thành.
Quân dân ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 000 địch, bắn rơi 16 máy bay, bắn chìm 11 tàu chiến, ca nô, phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh.
Tuy vẫn còn chiếm đóng một số vị trí trên Đường số 3 và Đường số 4 nhưng quân Pháp không thực hiện được ý đồ "đánh nhanh, thắng nhanh".
Với chiến thắng Việt Bắc, cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược chuyển sang giai đoạn mới.
Phối hợp với cuộc chiến đấu ở Việt Bắc, quân dân ta trên các chiến trường toàn quốc hoạt động mạnh, đánh kiềm chế không cho địch tập trung binh lục vào chiến trường chính.
Quân dân Hà Nội liên tiếp mở những cuộc tập kích vào các đồn bốt địch ở ngoại thành, như Gia Lâm, Thạch Bích, Chèm, Văn Điển, Vĩnh Tuy, Cầu Giấy, Cầu Đuống...
Đầu tháng 12 – 1947, quân dân Sài Gòn mở hàng loạt cuộc tập kích vào các đồn bốt, kho tàng của địch ở Thị Nghè, Gia Định, Gò Vấp, Bến Cát, Bà Quẹo, Bà Điểm, Phú Lâm, Phú Thọ.
Ở nhiều địa phương khác cũng có những cuộc tập kích vào các đồn bốt, kho tàng của địch, như Sơn La, Sơn Tây, Hà Đông, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Thuận, Vĩnh Long... và các tỉnh Tây Nguyên.
Chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947 đã diễn ra như thế nào? Kết quả và ý nghĩa của chiến dịch.
V – ĐẨY MẠNH KHÁNG CHIẾN TOÀN DÂN, TOÀN DIỆN
1. Âm mưu của Pháp sau thất bại ở Việt Bắc
Sau thất bại của quân Pháp ở Việt Bắc, phong trào đấu tranh của nhân dân Pháp đòi giảm bớt ngân sách quân sự, đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Đông Dương ngày càng lên cao. Pháp nợ Mĩ gần 6 tỉ USD, trong khi vẫn phải tiêu phí cho cuộc chiến tranh Đông Dương mỗi ngày 100 triệu phrăng.
Trước tình hình đó, Pháp buộc phải thay đổi chiến lược chiến tranh, từ "đánh nhanh, thắng nhanh" chuyển sang "đánh lâu dài", thực hiện chính sách "dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh".
Chính phủ Pháp cử tướng Bledô sang thay tướng Valuy làm Tổng chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương. Chúng ra sức củng cố nguỵ quyền, phát triển nguy quân, mở rộng các vùng tề, tăng cường những cuộc hành quân càn quét, ra sức bắt người, cướp của để cung cấp cho chiến tranh.
Để chống lại Chính phủ kháng chiến của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, năm 1949 thực dân Pháp đưa Bảo Đại về nước thành lập chính phủ bù nhìn fay sai. Tháng 7 – 1949, Bảo Đại đứng ra lập chính phủ, tự xưng là Quốc trưởng kiêm Thủ tướng.
2. Cuộc kháng chiến của ta sau thắng lợi ở Việt Bắc
Thực hiện phương châm chiến lược "đánh lâu dài" phá âm mưu mới của địch, Đảng và Chính phủ ta chủ trương tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến cơ sở, tăng cường lực lượng vũ trang, đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.
Trên mặt trận chính trị : Tháng 6 – 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào thi đua yêu nước toàn quốc. Phong trào lôi cuốn mọi lực lượng xã hội tham gia thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc.
Đầu năm 1949, Chính phủ quyết định tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp. Chính quyền dân chủ nhân dân từng bước được kiện toàn, phát huy vai trò tổ chức, động viên toàn dân tham gia kháng chiến, kiến quốc.
Tháng 6 – 1949, Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt quyết định tiến tới thống nhất hai tổ chức. Khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết giai cấp ngày càng củng cố và mở rộng, phá âm mưu chia rẽ "dùng người Việt đánh người Việt" của địch.
Trên mặt trận quân sự : Đảng và Chính phủ chủ trương động viên nhân dân thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển chiến tranh du kích, tiến hành du kích chiến là chính, vận động chiến là phụ, rồi từ du kích chiến tiến dần lên vận động chiến.
Trên mặt trận kinh tế : Chính phủ ra các sắc lệnh giảm tô 25%, giảm tức, hoãn nợ, xoá nợ, chia lại ruộng đất công, tạm cấp ruộng đất vắng chủ, ruộng đất lấy từ tay đế quốc và bọn phản động. Tính đến cuối năm 1950, chính quyền cách mạng đã tạm cấp được 253 863 hécta ruộng đất cho gần 500 000 nông dân. Nông dân phấn khởi, hăng hái sản xuất.
Công nghiệp và thủ công nghiệp phát triển theo quy mô nhỏ và phân tán, chú trọng công nghiệp địa phương và công nghiệp quốc phòng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của đời sống và chiến đấu. Trong những năm 1948 – 1949, ta đã sản xuất được súng cối 60 mm và 120 mm, súng SKZ...
Trên mặt trận văn hoá, giáo dục : Năm 1948, tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc, Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam, nêu rõ nền văn hoá mới cách mạng Việt Nam được xây dựng theo phương châm : Dân tộc – Khoa học – Đại chúng.
Phong trào "Bình dân học vụ" và giáo dục phổ thông các cấp được duy trì và phát triển. Tháng 7 – 1950, Chính phủ đề ra chủ trương cải cách giáo dục phổ thông nhằm xoá bỏ những tàn tích của nền giáo dục thực dân phong kiến, hướng giáo dục phục vụ nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc và đặt nền móng cho nền giáo dục dân tộc, dân chủ Việt Nam (thay hệ thống giáo dục cũ bằng hệ thống giáo dục mới 9 năm). Hệ thống các trường đại học và trung học chuyên nghiệp cũng bắt đầu được xây dựng.
Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện của ta được đẩy mạnh như thế nào sau chiến thắng Việt Bắc thu – đông năm 1947 ?
VI – HOÀN CẢNH LỊCH SỬ MỚI VÀ CHIẾN DỊCH BIÊN GIỚI THU – ĐÔNG NĂM 1950
1. Hoàn cảnh lịch sử mới của cuộc kháng chiến
Bước sang năm 1950, cuộc kháng chiến của ta có thêm nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức mới.
Ngày 1 – 10 – 1949, cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa ra đời.
Ngày 14 – 1 – 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước. Ngày 18 – 1 – 1950, Chính phủ Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, ngày 30 – 1 – 1950 Chính phủ Liên Xô và trong vòng một tháng sau, các nước trong phe XHCN lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới.
Về phía địch, ngày 13 – 5 – 1949, có sự đồng ý của Mĩ, Chính phủ Pháp đề ra kế hoạch Rơve.
Với kế hoạch Rơve, Mĩ từng bước can thiệp sâu và "dính líu trực tiếp" vào cuộc chiến tranh Đông Dương.
Ngày 7 – 2 – 1950, Mĩ công nhận Chính phủ Bảo Đại. Ngày 8 – 5 – 1950, Mĩ đồng ý viện trợ kinh tế và quân sự cho Pháp nhằm từng bước nắm quyền điều khiển chiến tranh ở Đông Dương.
Thực hiện kế hoạch Rove, từ tháng 6 – 1949, Pháp đưa nhiều vũ khí mới vào Việt Nam, tập trung quân ở Nam Bộ, Trung Bộ, tăng cường hệ thống phòng ngự trên Đường số 4, thiết lập "Hành lang Đông – Tây" (Hải Phòng – Hà Nội – Hoà Bình – Sơn La). Trên cơ sở đó, Pháp chuẩn bị một kế hoạch quy mô lớn tiến công Việt Bắc lần thứ hai, mong giành thắng lợi, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
2. Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950
Pháp thực hiện kế hoạch Rơve đã làm cho khu vực tự do của ta bị thu hẹp, căn cứ địa Việt Bắc bị bao vây... Để khắc phục khó khăn đó, đưa cuộc kháng chiến phát triển lên bước mới, tháng 6 – 1950, Đảng và Chính phủ quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch ; khai thông đường sang Trung Quốc và thế giới ; mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, đồng thời tạo những thuận lợi mới thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.
Hình 59. Bác Hồ thăm một đơn vị tham gia chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo và động viên bộ đội chiến đấu.
Sáng 16 – 9 – 1950, các đơn vị quân đội ta nổ súng mở đầu chiến dịch bằng trận đánh vào vị trí Đông Khê. Mất Đông Khê, quân địch ở Thất Khê lâm vào tình thế bị uy hiếp, Cao Bằng bị cô lập. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, quân Pháp buộc phải rút khỏi Cao Bằng theo Đường số 4. Để yểm trợ cho cuộc rút quân này, Pháp huy động quân từ Thất Khê tiến lên chiếm lại Đông Khê và đón cánh quân từ Cao Bằng rút về ; đồng thời cho quân đánh lên Thái Nguyên để thu hút bớt chủ lực của ta. Đoán được ý định của địch, quân ta chủ động mai phục, chặn đánh địch nhiều nơi trên Đường số 4 khiến cho hai cánh quân này không gặp được nhau. Hai binh đoàn Lơ Pagiơ và Sáctông bị tiêu diệt. Đến lượt Thất Khê bị uy hiếp, quân Pháp buộc phải rút về Na Sầm (8 – 10) ; ngày 13 – 10, rút khỏi Na Sầm về Lạng Sơn. Trong khi đó, cuộc hành quân của địch lên Thái Nguyên cũng bị quân ta chặn đánh.
Quân Pháp trở nên hoảng loạn, phải rút chạy, Đường số 4 được giải phóng ngày 22 – 10 – 1950.
Hình 60. Lược đồ chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950
Phối hợp với mặt trận Biên giới, quân ta hoạt động mạnh ở tả ngạn sông Hồng, Tây Bắc, Đường số 6, số 12, buộc địch phải rút khỏi thị xã Hoà Bình (4 – 11 – 1950). Phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh ở Bình – Trị – Thiên, Liên khu V và Nam Bộ.
Chiến dịch Biên giới kết thúc, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 8 000 tên địch, giải phóng tuyến biên giới Việt – Trung từ Cao Bằng đến Đình Lập với 35 vạn dân ; chọc thủng "Hành lang Đông – Tây" của Pháp. Thế bao vây của địch cả trong và ngoài đối với căn cứ địa Việt Bắc bị phá vỡ. Kế hoạch Rơve bị phá sản.
Với chiến thắng Biên giới, con đường liên lạc của ta với các nước XHCN được khai thông ; quân đội ta đã trưởng thành, giành được thế chủ động chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ), mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.
Chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950 của ta được mở ra trong hoàn cảnh như thế nào ? Nêu diễn biến, kết quả và ý nghĩa của chiến dịch.
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Phân tích tính chất chính nghĩa và tính nhân dân của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng.
2. Lập bảng thống kê các sự kiện lịch sử lớn của cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp từ khi bùng nổ đến chiến dịch Biên giới thu – đông năm 1950.