Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phong trào giải phóng dân tộc và bảo vệ độc lập ở châu Phi và khu vực Mĩ Latinh bùng nổ, đã giành được thắng lợi to lớn. Sau đó, hàng loạt các quốc gia bước vào thời kì xây dựng đất nước, bộ mặt hai khu vực từng bước thay đổi nhưng còn đầy khó khăn và nhiều nơi không ổn định.
I – CÁC NƯỚC CHÂU PHI
Châu Phi là châu lục lớn thứ ba thế giới (sau châu Á và châu Mĩ), gồm 54 nước, có diện tích khoảng 30,3 triệu km, dân số 800 triệu người (năm 2000).
1. Vài nét về cuộc đấu tranh giành độc lập
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc cũng như những thay đổi về tình hình quốc tế sau chiến tranh đã thúc đẩy phong trào độc lập dân tộc tại châu Phi. Thất bại của chủ nghĩa phát xít, sự suy yếu của Anh và Pháp, hai quốc gia thống trị nhiều vùng thuộc địa tại châu Phi, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân châu Phi. Thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á, trước hết là của Việt Nam và Trung Quốc, đã cổ vũ các cuộc đấu tranh của nhân dân châu Phi.
Phong trào đấu tranh đã diễn ra sôi nổi, bùng nổ sớm nhất ở Bắc Phi, sau đó lan ra các vùng khác.
Mở đầu là cuộc binh biến của sĩ quan và binh lính yêu nước Ai Cập (3 – 7 – 1952) lật đổ vương triều Pharúc, chỗ dựa của thực dân Anh, lập nên nước Cộng hoà Ai Cập (1953), Cùng năm 1952, nhân dân Libi giành được độc lập.
Sau 8 năm đấu tranh vũ trang chống Pháp (1954 – 1962), nhân dân Angiêri đã giành được thắng lợi. Từ nửa sau thập niên 50, hệ thống thuộc địa của thực dân châu u ở châu Phi nối tiếp nhau fan rã, các quốc gia độc lập lần lượt xuất hiện như Tuynidi, Marốc, Xuđăng (1956) ; Gana (1957) ; Ghinê (1958),...
Đặc biệt, lịch sử ghi nhận năm 1960 là Năm châu Phi với 17 nước được trao trả độc lập. Năm 1975, thắng lợi của nhân dân Môdămbích và Anggôla trong cuộc đấu tranh chống thực dân Bồ Đào Nha, về cơ bản đã chấm dứt sự tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ ở châu Phi cùng hệ thống thuộc địa của nó.
Từ sau năm 1975, nhân dân các thuộc địa còn lại ở châu Phi hoàn thành cuộc đấu tranh đánh đổ nền thống trị thực dân cũ, giành độc lập dân tộc và quyền sống của con người.
Sau nhiều thập kỉ đấu tranh, nhân dân Nam Rôđêdia đã tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Dimbabuê (18 – 4 – 1980). Trước sức ép của nhân dân và Liên hợp quốc, chính quyền Nam Phi đã phải trao trả độc lập cho Namibia ; ngày 21 – 3 – 1990, Namibia tuyên bố độc lập.
Hình 20. Nenxơn Manđêla
Tại Nam Phi, trước áp lực đấu tranh của người da màu, bản Hiến pháp tháng 11 – 1993 đã chính thức xoá bỏ chế độ phân biệt chủng tộc (Apácthai). Sau đó, với thắng lợi của cuộc bầu cử dân chủ đa chủng tộc lần đầu tiên ở Nam Phi (tháng 4 – 1994), Nenxơn Manđêla trở thành Tổng thống người da đen đầu tiên của Cộng hoà Nam Phi. Sự kiện đó đánh dấu việc chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc dã man, đầy bất công đã từng tồn tại 3 thế kỉ ở nước này.
Nenxon Manđêla sinh ngày 18 – 7 – 1919. Ngay từ thời trẻ, ông đã tích cực đấu tranh chống chế độ Apácthai. Trong thời gian bị giam giữ (1964 – 1990), ông vẫn tham gia đấu tranh và là Phó Chủ tịch Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Sau khi ra tù, ông trở thành Chủ tịch ANC (1991), sau đó là Tổng thống nước Cộng hoà Nam Phi (1994 – 1999). Tuy nghỉ hưu nhưng Nenxơn Manđêla vẫn tích cực hoạt động cho hoà bình và hoà giải các cuộc xung đột ở châu Phi.
Hình 21. Lược đồ châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai
2. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội
Sau khi giành được độc lập, các nước châu Phi bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, phát triển kinh tế – xã hội, tuy đã gặt hái được những thành tựu bước đầu nhưng chưa đủ để thay đổi căn bản bộ mặt của châu lục này.
Trong thập kỉ 60 của thế kỉ XX, tổng sản phẩm quốc dân của các quốc gia độc lập ở châu Phi đều có tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm 5,8%, thập kỉ 70 là 5,2%, thập kỉ 80 từ 2% đến 3%, năm 1995 là 3,5%.
Mặc dù vậy, nhiều nước châu Phi còn trong tình trạng lạc hậu, không ổn định và khó khăn do xung đột, đảo chính, nội chiến diễn ra liên miên ; đói nghèo, bệnh tật và mù chữ ; sự bùng nổ về dân số ; nợ nần và sự phụ thuộc vào nước ngoài v.v... Tất cả những khó khăn đó đã và đang là thách thức lớn đối với nhân dân các nước châu Phi.
Từ năm 1952 đến năm 1985, tại châu Phi nổ ra 241 lần đảo chính quân sự. Từ năm 1987 đến năm 1997, châu Phi đã xảy ra tới 14 cuộc xung đột và nội chiến. Bi thảm nhất là cuộc nội chiến ở Ruanđa năm 1994 giữa hai bộ tộc Hutu và Tuxi làm 800 000 người thiệt mạng, hơn 1,2 triệu người phải tị nạn, trong khi dân số nước này chỉ có 7 triệu người.
Trong số 43 quốc gia mà Liên hợp quốc xác định là nghèo nhất thế giới (năm 1997), thì ở châu Phi có 29 nước. Khoảng 150 triệu dân châu Phi thuộc diện đói ăn thường xuyên. Vào đầu những năm 90, số nợ của châu Phi lên tới 300 tỉ USD với số lãi hằng năm phải trả là trên 25 tỉ USD.
Các nước châu Phi cùng cộng đồng quốc tế đang tìm nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn : giải quyết xung đột, khắc phục đói nghèo, ngăn ngừa bệnh dịch. Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) thành lập tháng 5 – 1963, đến năm 2002 đổi thành Liên minh châu Phi (AU). Liên minh châu Phi đang triển khai nhiều chương trình chiến lược vì sự phát triển của châu lục.
– Những nhân tố nào đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở châu Phi từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai ?
– Nêu những khó khăn của các nước châu Phi trên bước đường phát triển.
II – CÁC NƯỚC MĨ LATINH
Mĩ Latinh gồm 33 nước (trong đó chỉ có một nước ở Bắc Mĩ là Mêhicô, toàn bộ các nước còn lại nằm ở Trung và Nam lục địa châu Mĩ và vùng biển Caribê), diện tích trên 20,5 triệu km2, dân số 517 triệu người (năm 2000).
1. Vài nét về quá trình giành và bảo vệ độc lập
Khác với châu Á và châu Phi, nhiều nước ở Mĩ Latinh sớm giành được độc lập từ đầu thế kỉ XIX sau khi thoát khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, nhưng sau đó lại bị lệ thuộc vào Mĩ. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với ưu thế về kinh tế và quân sự, Mĩ tìm cách biến Mĩ Latinh thành "sân sau" của mình và xây dựng các chế độ độc tài thân Mĩ. Cũng vì thế, các cuộc đấu tranh chống chế độ độc tài thân Mĩ bùng nổ và phát triển. Tiêu biểu là thắng lợi của cách mạng Cuba dưới sự lãnh đạo của Phiđen Cátxtơrô.
Hình 22. Phiđen Cátxtơrô (năm 1959)
Tháng 3 – 1952, với sự giúp đỡ của Mĩ, Batixta đã thiết lập chế độ độc tài quân sự ở Cuba. Chính quyền Batixta xoá bỏ hiến pháp tiến bộ, cấm các đảng phái chính trị hoạt động, bắt giam và tàn sát nhiều người yêu nước. Trong bối cảnh đó, nhân dân Cuba đã đứng lên đấu tranh chống chế độ độc tài, mở đầu bằng cuộc tấn công vào trại lính Môncađa của 135 thanh niên yêu nước do Phiđen Cátxtơrô chỉ huy (26 – 7 – 1953). Ngày 1 – 1 – 1959, chế độ Batixta sụp đổ, nước Cộng hoà Cuba ra đời do Phiđen Cátxtơrô đứng đầu.
Phiđen Cátxforô sinh ngày 13 – 8 – 1927. Sau khi đỗ Tiến sĩ Luật (1950), ông tham gia hoạt động cách mạng chống chế độ độc tài Batixta. Sau cuộc tấn công trại lính Môncada (26 – 7 – 1953) không thành, ông bị bắt và bị kết án tù. Ra tù, Phiđen sang Mêhicô chuẩn bị lực lượng. Đến cuối năm 1956, ông cùng 81 chiến sĩ về nước phát động nhân dân đấu tranh vũ trang lật đổ chế độ độc tài. Cách mạng thành công, Phiđen thống nhất các tổ chức cách mạng, thành lập Đảng Cộng sản Cuba (10 – 1965) và trở thành Bí thư thứ nhất, dẫn dắt cách mạng Cuba từng bước tiến lên.
Nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của cách mạng Cuba, vào tháng 8 – 1961, Mĩ đề xướng việc tổ chức "Liên minh vì tiến bộ" để lôi kéo các nước Mĩ Latinh. Cũng vì thế, từ những thập kỉ 60 – 70, phong trào đấu tranh chống Mĩ và chế độ độc tài thân Mĩ ở khu vực ngày càng phát triển và thu nhiều thắng lợi.
Năm 1964, phong trào đấu tranh của nhân dân Panama đòi thu hồi chủ quyền kênh đào diễn ra sôi nổi, buộc Mĩ phải từ bỏ quyền chiếm kênh đào và trả lại cho Panama vào năm 1999. Do phong trào đấu tranh mạnh mẽ, các quốc đảo ở vùng biển Caribê lần lượt giành được độc lập : Hamaica, Triniđất và Tôbagô (1962), Guyana, Bacbađốt (1966). Đến năm 1983, trong vùng Caribê đã có 13 quốc gia độc lập.
Cùng với các hình thức bãi công của công nhân, nổi dậy của nông dân đòi ruộng đất, đấu tranh nghị trường để thành lập các chính phủ tiến bộ, cao trào đấu tranh vũ trang bùng nổ mạnh mẽ ở Mĩ Latinh nên khu vực này được gọi là "Lục địa bùng cháy". Phong trào đấu tranh vũ trang chống chế độ độc tài ở các nước Vênêxuêla, Goatemala, Colombia, Peru, Nicaragoa, Chilê, En Xanvado... đã diễn ra liên tục. Kết quả là chính quyền độc tài ở nhiều nước đã bị lật đổ, các chính phủ dân chủ được thiết lập.
Hình 23. Lược đồ khu vực Mĩ Latinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai
2. Tình hình phát triển kinh tế – xã hội
Sau khi khôi phục độc lập, giành được chủ quyền, các nước Mĩ Latinh bước vào thời kì xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ.
Từ thập kỉ 50 đến cuối thập kỉ 70 của thế kỉ XX, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế bình quân của các nước Mĩ Latinh là 5,5%, GDP năm 1960 là 69,4 tỉ USD ; đến năm 1979, con số này lên 599,3 tỉ USD.
Với Cuba, sau khi cách mạng thành công, Chính phủ cách mạng do Phiđen Cátxtơrô đứng đầu đã tiến hành những cải cách dân chủ thành công (cải cách ruộng đất, quốc hữu hoá các xí nghiệp của tư bản nước ngoài,...). Đến năm 1961, Chính phủ Cuba tuyên bố bắt đầu tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với sự nỗ lực của nhân dân và sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, Cuba đạt được nhiều thành tựu to lớn : Từ một nền nông nghiệp độc canh (mía) và nền công nghiệp đơn nhất (khai thác mỏ), Cuba đã xây dựng được một nền công nghiệp với cơ cấu ngành hợp lí và nền nông nghiệp với sản phẩm đa dạng (mía, lúa, rau quả, cà phê, thuốc lá, cao su, chăn nuôi,...). Cuba cũng đạt được thành tựu cao trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế, thể thao,...
Trong thập niên 80, nhiều nước Mĩ Latinh rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nặng nề, lạm phát tăng nhanh, khủng hoảng trầm trọng, nợ nước ngoài chồng chất, dẫn đến những biến động về chính trị.
Đồ thị tăng trưởng kinh tế liên tục giảm : 3,9% (1986), 2,7% (1987), 0,3% (1988), –0,5% (1989) và −1,2% (1990). Lạm phát đạt tới con số kỉ lục : 1200%/năm; riêng Achentina là 4 900%/năm. Nợ nước ngoài lên tới 410 tỉ USD (1989).
Sau thất bại trong vụ tranh chấp chủ quyền quần đảo Manvinát với Anh (4 – 1982), chế độ độc tài bị xoá bỏ ở Achentina, mở đầu quá trình dân sự hoa chính quyền ở hàng loạt nước Mĩ Latinh khác : Bôlivia (1982), Braxin (1985), Haiti (1986), Chilê (1988), En Xanvado (1989) và Urugoay (1989).
Bước sang thập niên 90, nền kinh tế Mĩ Latinh có chuyển biến tích cực hơn. Tỉ lệ lạm phát được hạ xuống còn dưới 30%/năm, một số nước đạt mức lí tưởng như Mêhicô : 4,4%, Bolivia : 4,45%, Chilê 4,6%,... Đầu tư nước ngoài vào Mĩ Latinh đạt khối lượng lớn : 68 tỉ USD (1993) và trên 70 tỉ USD (1994), đứng hàng thứ hai thế giới sau Đông Á. Một số nước trở thành nước công nghiệp mới (viết tắt theo tiếng Anh là NICs) như Braxin, Áchentina, Mêhicô. Tuy nhiên, tình hình kinh tế của nhiều nước Mĩ Latinh còn gặp không ít khó khăn, mâu thuẫn xã hội vẫn là vấn đề nổi bật, tham nhũng trở thành quốc nạn, ngăn cản sự phát triển kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hằng năm từ năm 1991 đến năm 2000 khoảng 3%. Nợ nước ngoài là gánh nặng đè lên các nước Mĩ Latinh với 607,2 ti USD (1995).
Mâu thuẫn xã hội chủ yếu là do phân phối không công bằng. Số người nghèo ở Mĩ Latinh chiếm tỉ lệ 46% dân số, trong lúc đó hơn 40 người giàu được xếp vào hàng tỉ phú. Tình hình tham nhũng ở nhiều nước Mĩ Latinh rất nghiêm trọng.
– Nêu những sự kiện chính trong quá trình đấu tranh của cách mạng Cuba.
– Tại sao gọi khu vực Mĩ Latinh sau Chiến tranh thế giới thứ hai là "Lục địa bùng cháy" ?
CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP
1. Những thành quả của cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân châu Phi sau Chiến tranh thế giới thứ hai và những khó khăn mà châu lục này đang phải đối mặt là gì ?
2. Hãy trình bày những thành tựu và khó khăn của các nước Mĩ Latinh trong thời kì xây dựng đất nước.
PHẦN ĐỌC THÊM
KẾ HOẠCH MAOBÁTTƠN
Ngày 3 – 7, "Kế hoạch Maobáttơn" về việc phân chia Ấn Độ thành hai xứ tự trị được công bố với các nội dung sau :
1) Trên lãnh thổ Ấn Độ thành lập hai xứ tự trị (dominions) là Liên bang Ấn Độ và Pakixtan.
2) Vấn đề phân chia Bengan và Pengiáp theo đặc trưng tôn giáo sẽ được quyết định thông qua biểu quyết của đại biểu các khu vực có cư dân Ấn giáo và Hồi giáo cư trú.
3) Tại tỉnh biên giới Tây Bắc và huyện Silhet (Atsam) chủ yếu có người Hồi giáo sinh sống thì tiến hành trưng cầu dân ý.
4) Số phận của Xinh sẽ được biểu quyết ở Hội đồng lập pháp hàng tỉnh.
5) Việc các công quốc gia nhập vào xứ tự trị nào là thẩm quyền của lãnh vương công quốc đó.
6) Quốc hội lập hiến chung sẽ chia thành Quốc hội lập hiến của hai xứ tự trị, cơ quan này sẽ quyết định thể chế của hai quốc gia.
Kì họp của Uỷ ban Quốc đại toàn Ấn (tháng 6 – 1947) với 157 phiếu thuận, 61 phiếu chống đã chấp thuận kế hoạch trên. Trong khi đó, Liên đoàn Hồi giáo đòi bổ sung thêm điều khoản "nhập vào Pakixtan toàn bộ xứ Bengan và Pengiáp".
Kết quả bỏ phiếu ở Xinh và trưng cầu dân ý ở Silhet, cùng những biên giới Tây Bắc, xác định các vùng đó thuộc Pakixtan.
Tháng 8 – 1947, "Kế hoạch Maobáttơn" với tư cách là "Đạo luật về nền độc lập Ấn Độ", được Nghị viện Anh thông qua và có hiệu lực từ ngày 15 – 8 – 1947. Cũng trong ngày này, tại Thành Đỏ lịch sử ở Đêli, lần đầu tiên, G. Nêru kéo quốc kì Ấn Độ lên. Thời kì phát triển độc lập của Ấn Độ bắt đầu.
(Vũ Dương Ninh (Chủ biên), Lịch sử Ấn Độ,
NXB Giáo dục, H., 1995, tr. 130 – 131)
LIÊN HỢP QUỐC VÀ TRUNG ĐÔNG
Sau một thời gian thảo luận kéo dài và tranh cãi gay gắt, ngày 29 – 11 – 1947, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua với đa số phiếu (33 nước tán thành trong đó có Liên Xô và Mĩ ; 13 nước chống và 10 nước bỏ phiếu trắng trong đó có Anh) nghị quyết về việc bãi bỏ quyền uỷ trị của Anh ở Palextin và chia Palextin thành hai nước độc lập với một liên minh kinh tế và một chế độ riêng đối với Giêruxalem :
– Nhà nước Do Thái : 14 100 km2 (56% lãnh thổ Palextin)
– Nhà nước A Rập : 11 100 km2 (43% lãnh thổ)
Hình 24. Sự phân chia đất Palextin của Liên hợp quốc năm 1947
– Thành phố Giêruxalem và Betlem cùng với các vùng phụ cận (1% lãnh thổ Palextin) là một đơn vị hành chính độc lập với chế độ quốc tế đặc biệt.
Dân số Palextin được chia theo dân tộc : trong quốc gia Ả Rập có 725 000 người A Rập và 10 000 người Do Thái ; còn trong quốc gia Do Thái có 498 000 người Do Thái và 497 000 người A Rập ; ở vùng Giêruxalem có 105 000 người A Rập và 100 000 người Do Thái. Tính chất dân chủ của các nhà nước A Rập và Do Thái tương lai phải được bảo đảm bằng việc thông qua các hiến pháp dân chủ và quyền bình đẳng cho các dân tộc là thiểu số sống trong các quốc gia này. Nghị quyết cũng quy định rõ : quyền uỷ trị và sự chiếm đóng của quân đội Anh phải chấm dứt chậm nhất là vào ngày 1 – 8 – 1948 ; hai nước độc lập và chế độ quốc tế đối với Giêruxalem phải bắt đầu tồn tại sau đó hai tháng, chậm nhất là vào ngày 1 – 10 – 1948.
(Nguyễn Thị Thư, Nguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn,
Lịch sử Trung Cận Đông, NXB Giáo dục, H., 2000, tr. 291 – 292)