Thu hoạch (trang 37)
Câu hỏi trang 37 Sinh học 11: Học sinh viết báo cáo thực hành theo các nội dung sau:
Lời giải:
BÁO CÁO THỰC HÀNH
QUANG HỢP Ở THỰC VẬT
1. Mục đích
- Quan sát được lục lạp trong tế bào thực vật.
- Nhận biết, tách chiết các sắc tố (diệp lục a, b; carotene và xanthophyll) trong lá cây.
- Thiết kế, thực hiện và giải thích được các thí nghiệm về sự hình thành tinh bột, thải khí oxygen trong quá trình quang hợp.
2. Kết quả và giải thích
• Hình vẽ lục lạp trong tế bào biểu bì lá cây rong mái chèo:
• Kết quả thí nghiệm nhận biết, tách chiết các sắc tố trong lá cây và giải thích:
- Kết quả: Tách được các vạch sắc tố theo thứ tự từ dưới lên trên gồm diệp lục b (màu xanh-vàng), diệp lục a (màu xanh lá cây), xanthophyll (màu vàng), caroten (màu vàng).
- Giải thích: Giấy sắc kí được làm từ cenlluose - một chất phân cực, do đó, khi chạy sắc kí, chất càng phân cực sẽ càng liên kết với giấy cellulose nhanh hơn, kết quả là chất đó không di chuyển xa được. Mà dung dịch sắc tố của lá cây chứa nhiều loại sắc tố khác nhau, trong đó, độ phân cực của các sắc tố theo thứ tự tăng dần là: caroten, xanthophyll, diệp lục a, diệp lục b. Do đó, sau khi chạy sắc tố, các vạch sắc tố sẽ phân bố theo thứ tự từ dưới lên trên gồm diệp lục b, diệp lục a, xanthophyll, caroten.
• Kết quả thí nghiệm sự tạo thành tinh bột và giải thích:
- Kết quả: Phần lá không bị bịt giấy đen chuyển sang màu xanh tím, còn phần lá bị bịt giấy đen không xuất hiện màu xanh tím.
- Giải thích:
+ Phần lá bị bịt giấy đen sẽ không nhận được ánh sáng → Phần lá này không thể tiến hành quá trình quang hợp để tạo ra tinh bột → Do không có tinh bột nên khi nhúng lá vào dung dịch iodine thì phần lá này không xuất hiện màu xanh tím đặc trưng.
+ Phần lá không bị bịt giấy đen sẽ vẫn nhận được ánh sáng → Phần lá này vẫn tiến hành quá trình quang hợp để tạo ra tinh bột → Do có tinh bột nên khi nhúng lá vào dung dịch iodine phần lá này sẽ xuất hiện màu xanh tím đặc trưng.
• Kết quả thí nghiệm sự thải oxygen trong quang hợp và giải thích:
- Kết quả: Sau 30 phút, ống nghiệm khi để ngoài sáng xuất hiện nhiều bọt khí. Còn ống nghiệm để trong tối không có xuất hiện bọt khí.
- Giải thích:
+ Ở ống nghiệm để trong tối, do không nhận được ánh sáng nên cành rong trong ống nghiệm không tiến hành quá trình quang hợp nên không có bọt khí oxygen thoát ra. + Ở ống nghiệm để ngoài sáng, do nhận được ánh sáng đầy đủ nên cành rong tiến hành quá trình quang hợp thải khí oxygen tạo thành bọt khí.
3. Trả lời câu hỏi
a) Nhận xét về hình dạng, số lượng, kích thước và sự phân bố lục lạp trong tế bào cây rong mái chèo: Lục lạp có hình bầu dục, phân bố nhiều trong tế bào biểu bì của cây rong mái chèo.
b) Khi tiến hành thí nghiệm chứng minh sự tạo thành tinh bột trong quang hợp, phải để chậu cây trong bóng tối 2 ngày trước khi làm thí nghiệm nhằm khiến cho cây khoai lang thí nghiệm ngừng quang hợp, lượng tinh bột đang có sẵn trong các lá sẽ được cung cấp cho các cơ quan, bộ phận khác của cây. Điều này sẽ đảm bảo tính chính xác của thí nghiệm.
c) Trong quá trình quang hợp, cây thủy sinh và cây rong nhả khí oxygen hoà tan vào nước của bể giúp cải thiện nồng độ khí oxygen trong bể, tạo điều kiện cho cá cảnh hô hấp tốt hơn. Ngoài ra, trồng cây thủy sinh và cây rong trong bể cá còn có nhiều tác dụng khác như tạo nơi trú ẩn an toàn cho cá, cung cấp thức ăn xanh cho cá, tăng tính thẩm mĩ cho bể cá,…