Mở đầu trang 72 Sinh học 11: Xung quanh con người có rất nhiều tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm,… nhưng xác suất mắc bệnh ở người lại nhỏ. Vì sao?
Lời giải:
Xung quanh con người có rất nhiều tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, nấm,… nhưng xác suất mắc bệnh ở người lại nhỏ vì: Cơ thể người có khả năng miễn dịch. Miễn dịch là khả năng cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh, đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh, không mắc bệnh.
Dừng lại và suy ngẫm (trang 72, 73)
Câu hỏi 1 trang 72 Sinh học 11: Ghép đúng tác nhân sinh học (1, 2, 3 hoặc 4) với cách thức gây bệnh (A, B, C hoặc D).
Lời giải:
1 – D: Vi khuẩn xâm nhập vào tế bào và can thiệp vào hoạt động của tế bào để tạo ra các phần tử mới, gây suy yếu, hủy hoạt các tế bào cơ thể.
2 – B: Virus giải phóng độc tố, hủy hoạt các tế bào cơ thể.
3 – A: Vi nấm xuyên thủng tế bào cơ thể, lấy chất dinh dưỡng từ tế bào, hủy hoại các tế bào mà chúng kí sinh.
4 – C: Giun, sán xâm nhập vào tế bào và can thiệp vào hoạt động của tế bào để tạo ra các phần tử mới, gây suy yếu, hủy hoạt các tế bào cơ thể.
Câu hỏi 2 trang 73 Sinh học 11: Ghép đúng tác nhân vật lí (1, 2, 3, 4 hoặc 5) với cách thức gây bệnh (A, B, C, D hoặc E).
Lời giải:
1 – D: Tác nhân cơ học gây giập nát, tổn thương mô, cơ quan.
2 – A: Nhiệt độ cao gây biến tính protein, gây bỏng.
3 – E: Dòng điện gây giật, bỏng tại chỗ hoặc toàn thân.
4 – C: Ánh sáng mặt trời mạnh gây tổn thương DNA, có thể gây ung thư da.
5 – B: Âm thanh lớn kéo dài gây giảm thính lực hoặc điếc.
Câu hỏi 3 trang 73 Sinh học 11: Ghép đúng tác nhân hóa học (1, 2 hoặc 3) với cách thức gây bệnh (A, B hoặc C).
Lời giải:
1 – C: Acid, kiềm gây bỏng trên diện rộng hoặc hẹp.
2 – A: Chất cyanide trong nấm, măng là độc tố thần kinh, gây liệt vận động, ngừng hô hấp.
3 – B: Tetrodotoxin trong cá nóc gây ngộ độc cấp tính, có thể gây tử vong.
Câu hỏi 4 trang 73 Sinh học 11: Ghép đúng nguyên nhân bên trong (1, 2) với cách thức gây bệnh (A, B).
Lời giải:
1 – B: Yếu tố di truyền gây ra nhiều bệnh như bệnh bạch tạng, mù màu.
2 – A: Tuổi già thoái hóa mô thần kinh, thoái hóa võng mạc.
Dừng lại và suy ngẫm (trang 75)
Câu hỏi 1 trang 75 Sinh học 11: Miễn dịch không đặc hiệu bảo vệ cơ thể chống lại mầm bệnh như thế nào?
Lời giải:
Miễn dịch không đặc hiệu thể hiện đáp ứng giống nhau chống lại các tác nhân gây bệnh khác nhau:
- Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào cơ thể thì đầu tiên sẽ gặp phải sự bảo vệ của hàng rào bảo vệ vật lí và hóa học trong các cơ quan và hệ cơ quan của cơ thể như da, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, hệ bài tiết, hệ sinh dục,… Cụ thể:
+ Da: Lớp sừng và lớp tế bào biểu bì chết ép chặt với nhau ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập; vi khuẩn vô hại trên bề mặt da cạnh tranh phát triển với vi khuẩn gây bệnh;…
+ Hệ bài tiết và hệ sinh dục: pH thấp trong âm đạo và nước tiểu ức chế nấm, virus, vi khuẩn phát triển; dòng nước tiểu cuốn trôi mầm bệnh ra ngoài;…
+ Hệ hô hấp: Lớp dịch nhày trong khí quản, phế quản giữ bụi và mầm bệnh; các lông nhỏ đẩy dịch nhày chứa bụi và mầm bệnh lên hầu, sau đó vào thực quản và dạ dày;…
+ Hệ tiêu hóa: Lysozyme trong nước bọt, acid và enzyme pepsin trong dạ dày tiêu diệt vi khuẩn, virus, nấm,…
- Một số trường hợp, mầm bệnh vượt qua được hàng rào bảo vệ vật lí và hóa học thì chúng sẽ gặp hàng rào bảo vệ tiếp theo đó là các đáp ứng không đặc hiệu như thực bào, viêm, sốt, các peptide và protein chống lại mầm bệnh,…
Câu hỏi 2 trang 75 Sinh học 11: Tại sao sốt vừa có ích lại vừa có hại đối với cơ thể?
Lời giải:
Sốt là tình trạng thân nhiệt cơ thể tăng lên và duy trì ở mức cao hơn thân nhiệt bình thường. Sốt vừa có ích lại vừa có hại đối với cơ thể vì:
- Khi vùng tổn thương nhiễm khuẩn, đại thực bào vi khuẩn, virus và tiết ra chất gây sốt kích thích trung khu điều hòa thân nhiệt ở vùng dưới đồi, làm cơ thể tăng sinh nhiệt và sốt. Trong trường hợp này, sốt có tác dụng bảo vệ cơ thể qua: ức chế vi khuẩn, virus tăng sinh; làm gan tăng nhận sắt từ máu (chất cần cho sinh sản của vi khuẩn); làm tăng hoạt động thực bào của bạch cầu;…
- Tuy nhiên, vì sốt cao làm tăng phản ứng quá mẫn gây sốc, tăng quá trình tiêu hủy, giảm kẽm và sắt trong máu, gây mất nước, do đó, sốt cao trên 39 oC có thể gây nguy hiểm cho cơ thể như co giật, hôn mô, thậm chí tử vong.
Dừng lại và suy ngẫm (trang 78)
Câu hỏi 1 trang 78 Sinh học 11: Phân biệt miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu.
Lời giải:
Phân biệt | Miễn dịch không đặc hiệu | Miễn dịch đặc hiệu |
Tính đặc hiệu | Là sự bảo vệ ngay lập tức của hệ thống miễn dịch không cần tiếp xúc với kháng nguyên trước đó. | Là miễn dịch hình thành để đáp lại sự xâm nhập của một kháng nguyên cụ thể. |
Cơ chế miễn dịch | Các hàng rào bảo vệ vật lí và hóa học (da, niêm mạc, các dịch tiết của cơ thể) và các đáp ứng miễn dịch không đặc hiệu (viêm, sốt, tạo các peptide và protein kháng khuẩn). | Gồm 2 loại: + Miễn dịch dịch thể: là miễn dịch có sự tham gia của các kháng thể. + Miễn dịch tế bào: là miễn dịch có sự tham gia của tế bào lympho T độc. |
Tế bào tham gia | Dưỡng bào, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu trung tính, tiểu thực bào, đại thực bào, tế bào giết tự nhiên và các tế bào trình diện kháng nguyên (tế bào B, tế bào có tua, đại thực bào,…). | Các tế bào lympho B và lympho T. |
Khả năng ghi nhớ miễn dịch | Không có khả năng ghi nhớ miễn dịch. | Có khả năng ghi nhớ nhờ các tế bào lympho B và lympho T nhớ. |
Tính hiệu quả | Thấp | Cao |
Thời gian xảy ra | 0 – 12 giờ. | Miễn dịch nguyên phát: 7 – 10 ngày. Miễn dịch thứ phát: 2 – 3 ngày. |
Câu hỏi 2 trang 78 Sinh học 11: Tế bào B, tế bào T và kháng thể nhận diện kháng nguyên tương ứng như thế nào?
Lời giải:
Cách thức nhận diện kháng nguyên tương ứng của tế bào B, tế bào T và kháng thể:
- Tế bào B và tế bào T nhận diện kháng nguyên nhờ các thụ thể kháng nguyên trên màng sinh chất: Thụ thể kháng nguyên có vùng nhận diện và gắn với kháng nguyên qua quyết định kháng nguyên tương ứng, giống như chìa khóa với ổ khóa. Tất cả thụ thể kháng nguyên trên một tế bào B hoặc một tế bào T đều giống hệt nhau nên chúng chỉ gắn với loại kháng nguyên tương ứng qua quyết định kháng nguyên.
- Kháng thể nhận diện kháng nguyên nhờ có vùng nhận diện trên kháng thể: Vùng nhận diện gắn với kháng nguyên qua quyết định kháng nguyên tương ứng, giống chìa khóa với ổ khóa. Tất cả kháng thể được tạo ra từ các tương bào thuộc một dòng tế bào B đều giống hệt nhau nên chúng chỉ gắn với loại kháng nguyên tương ứng qua quyết định kháng nguyên.
Câu hỏi 3 trang 78 Sinh học 11: Tại sao hiệu quả bảo vệ cơ thể của đáp ứng miễn dịch thứ phát cao hơn nhiều so với đáp ứng miễn dịch nguyên phát?
Lời giải:
Hiệu quả bảo vệ cơ thể của đáp ứng miễn dịch thứ phát cao hơn nhiều so với đáp ứng miễn dịch nguyên phát vì: Nhờ tế bào nhớ tạo ra ở đáp ứng miễn dịch nguyên phát, miễn dịch thứ phát diễn ra nhanh hơn (2 - 3 ngày), số lượng tế bào miễn dịch (tế bào T, tế bào B) và kháng thể nhiều hơn, đồng thời duy trì ở mức cao lâu hơn, dẫn đến khả năng chống lại mầm bệnh hiệu quả, giúp người và vật nuôi không bị bệnh hoặc có mắc bệnh thì cũng rất nhẹ.
Dừng lại và suy ngẫm (trang 79)
Câu hỏi trang 79 Sinh học 11: Những bệnh nào có thể xuất hiện khi chức năng hệ miễn dịch bị phá vỡ?
Lời giải:
Những loại bệnh phát sinh do hệ miễn dịch bị phá vỡ gọi là "bệnh cơ hội". Các bệnh cơ hội thường rất nhiều, như lao, tiêu chảy, viêm não, viêm phổi, ung thư,...
Luyện tập và vận dụng (trang 79)
Câu hỏi 1 trang 79 Sinh học 11: Tại sao tiêm vaccine có thể giúp phòng một số bệnh do virus và vi khuẩn gây ra ở người và vật nuôi?
Lời giải:
Tiêm vaccine có thể giúp phòng một số bệnh do virus và vi khuẩn gây ra ở người và vật nuôi vì: Vaccine là chế phẩm thường được sản xuất dưới dạng dung dịch tiêm có chứa kháng nguyên đã được xử lí, không còn khả năng gây bệnh. Khi đưa vào cơ thể, kháng nguyên trong vaccine sẽ kích hoạt hệ miễn dịch hình thành kháng thể bất hoạt kháng nguyên, đồng thời, ghi nhớ kháng nguyên. Nhờ hình thành trí nhớ miễn dịch nên hệ thống miễn dịch có khả năng nhận diện và tiêu diệt tác nhân gây bệnh (chứa kháng nguyên tương tự) nhanh và hiệu quả nếu chúng xâm nhập vào cơ thể ở lần sau. Do đó, tiêm chủng vaccine là biện pháp chủ động tạo ra đáp ứng miễn dịch nguyên phát ở người và vật nuôi, giúp phòng một số bệnh do virus và vi khuẩn gây ra ở người và vật nuôi.
Câu hỏi 2 trang 79 Sinh học 11: Tìm gặp những người phụ trách y tế, những người phụ trách thú y của địa phương và đề nghị họ cho biết:
- Địa phương đã tiêm vaccine phòng chống những bệnh nào cho trẻ em và người lớn?
- Những loài động vật nuôi nào ở địa phương đã được tiêm vaccine phòng bệnh và phòng những bệnh nào?
Lời giải:
- Một số vaccine phòng chống bệnh thường được tiêm phổ biến cho trẻ em và người lớn: Viêm gan B, Cúm mùa, Sởi - Quai bị - Rubella, Thủy đậu, Uốn ván, Viêm màng não do não mô cầu khuẩn, Ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV, Viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn,...
- Một số vaccine phòng chống bệnh thường được tiêm phổ biến cho động vật nuôi:
+ Bệnh ở trâu bò: Lở mồm long móng; Nhiệt thán; Tụ huyết trùng;…
+ Bệnh ở lợn: Lở mồm long móng; Tụ huyết trùng; Dịch tả lợn;…
+ Bệnh ở dê, cừu: Lở mồm long móng; Nhiệt thán;…
+ Bệnh ở gà, chim cút: Cúm gia cầm (thể độc lực cao); Niu cát xơn;…
+ Bệnh ở vịt, ngan: Cúm gia cầm (thể độc lực cao); Dịch tả vịt;…
+ Bệnh ở chó, mèo: Dại động vật;…
Câu hỏi 3 trang 79 Sinh học 11: Tại sao trước khi tiêm một số loại kháng sinh người ta phải thử phản ứng dị ứng của cơ thể với kháng sinh bằng cách tiêm một lượng rất nhỏ kháng sinh dưới da cẳng tay và theo dõi phản ứng xảy ra tại vị trí tiêm?
Lời giải:
Trước khi tiêm một số loại kháng sinh người ta phải thử phản ứng dị ứng của cơ thể với kháng sinh bằng cách tiêm một lượng rất nhỏ kháng sinh dưới da cẳng tay và theo dõi phản ứng xảy ra tại vị trí tiêm vì: Trong thành phần của một số thuốc kháng sinh có chứa dị nguyên, có thể gây dị ứng ở một số người bệnh. Phản ứng dị ứng cấp tính này đôi khi đưa đến sốc phản vệ. Sốc phản vệ xảy ra khi dị nguyên gây giải phóng lượng lớn histamin trên diện rộng. Hậu quả là co thắt phế quản, dãn các mạch máu ngoại vi, huyết áp giảm nhanh,... dẫn đến não, tim không nhận đủ máu và O2 khiến cơ thể tử vong. Vì vậy, cần phải thử mức độ phản ứng của người bệnh với thuốc kháng sinh trước khi sử dụng, nhờ đó, tránh những phản ứng phụ không mong muốn khi dùng thuốc kháng sinh, đảm bảo an toàn cho người bệnh.