(Trang 67)
Học xong bài này, em sẽ:
• Giải thích được nguyên nhân bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược (1946).
• Nhận biết và giải thích được đường lối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng.
• Mô tả được những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, quân sự,... trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946 – 1950.
Trong bức thư gửi Liên hợp quốc (12 – 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hoà bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước. Theo em, vì sao cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ vào tháng 12 – 1946? Trong giai đoạn 1946 – 1950, quân và dân Việt Nam giành được những thắng lợi nào trên các mặt trận chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, quân sự,...?
1 Cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ
a) Nguyên nhân bùng nổ
Những hiệp định, hiệp ước đã kí kết trong năm 1946 là nỗ lực “cứu vãn nền hoàn bình” của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đồng thời kéo dài thời gian hoà hoãn để xây dựng lực lượng cho cuộc kháng chiến.
Tuy nhiên, thực dân Pháp đã bội ước, liên tiếp có những hành động gây hấn, khiêu khích và vi phạm các văn bản kí kết.
Em có biết?
Trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, khi tham quan Khu di tích lịch sử Noóc-măng-di cùng các quan chức Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác. Hành động này thể hiện thông điệp của nhân dân Việt Nam đối với Chính phủ Pháp: Giữ gìn hoà bình! Ngăn chặn chiến tranh!
Quân Pháp đã chiếm đóng trái phép Sở Tài chính, Phủ Toàn quyền cũ ở Hà Nội (25 – 6 – 1946), thực hiện kế hoạch lật đổ Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà, lập “Chính phủ Nam Kì tự trị”,.. Tháng 11 – 1946, quân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, Đà Nẵng,...
Ngày 17 – 12 – 1946, quân Pháp gây ra vụ thảm sát ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh (Hà Nội). Ngay sau đó, chúng liên tiếp gửi các tối hậu thư đòi Chính phủ ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu, để cho quân Pháp làm nhiệm vụ giữ gìn trị an ở Hà Nội và quyền kiểm soát Thủ đô.
(Trang 68)
Trước tình thế cấp bách, ngày 18 và 19 – 12 – 1946, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp và quyết định phát động cuộc kháng chiến trên toàn quốc.
Tối 19 – 12 – 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhân dân trong cả nước đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hình 14.1. Nhân dân Hà Nội nghe lệnh toàn quốc kháng chiến
1. Nêu một số hoạt động thể hiện âm mưu xâm lược toàn bộ Việt Nam của thực dân Pháp.
2. Hãy giải thích nguyên nhân bùng nổ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.
b) Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp
Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp được thể hiện trong Chỉ thị Toàn dân kháng chiến của Ban thường vụ Trung ương Đảng (12 – 12 – 1946), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19 – 12 – 1946) và tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi của Tổng Bí thư Trường Chinh (9 – 1947).
Tư liệu 1. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!
... Bất kì đàn ông, đàn bà, bất kì người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.”
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 534)
Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp | Toàn dân: Cuộc kháng chiến do toàn dân tiến hành, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái. |
Toàn diện: Cuộc kháng chiến diễn ra trên tất cả các mặt trận như quân sự, chính trị, kinh tế,... | |
Trường kì: Cuộc kháng chiến phải tiến hành lâu dài do so sánh lực lượng lúc đầu giữa ta và địch chênh lệch. | |
Tự lực cánh sinh: Vận mệnh của dân tộc phải do chính nhân dân Việt Nam quyết định, sự giúp đỡ bên ngoài chỉ là điều kiện hỗ trợ. |
Hình 14.2. Nội dung cơ bản của đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp
(Trang 69)
Khai thác tư liệu 1 và thông tin trong mục, hãy trình bày nội dung và giải thích đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng.
2 Một số thắng lợi tiêu biểu trong kháng chiến chống thực dân Pháp giai đoạn 1946-1950
a) Chính trị, ngoại giao
Sau khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, việc di chuyển kịp thời và an toàn các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận,... lên căn cứ địa Việt Bắc là thắng lợi quan trọng để xây dựng lực lượng chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.
Chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến cơ sở được kiện toàn và củng cố để thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Công tác vận động đoàn kết dân tộc và tôn giáo, đặc biệt trong vùng địch tạm chiếm, được triển khai đã góp phần làm thất bại chính sách “dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp.
Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ tuyên bố sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với các nước. Ngay sau đó, Trung Quốc, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa khác như Tiệp Khắc, Ru-ma-ni, Ba Lan,... đã lần lượt công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Trình bày những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận chính trị, ngoại giao trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 – 1950).
b) Kinh tế
Nền kinh tế kháng chiến được xây dựng để đảm bảo khả năng tự cấp, tự túc. Các hoạt động tăng gia sản xuất, trước hết là sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh.
Tư liệu 2. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “... đồng bào ai làm nghề gì, trong lúc tản cư cứ làm nghề ấy. Ai cũng ra sức tăng gia sản xuất.”
(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 5, NXB Chính trị quốc gia, 2011, tr.64)
Hình 14.3. Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân Bắc Kạn thu hoạch lúa mùa (1950)
Về công nghiệp, một số xí nghiệp quốc phòng và dân dụng có quy mô thích hợp đã lần lượt được xây dựng ở các vùng tự do, căn cứ kháng chiến. Các ngành khai khoáng, cơ khí, hoá chất, diêm, giấy,... từng bước đi vào hoạt động.
Trình bày những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận kinh tế trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 – 1950).
(Trang 70)
c) Văn hoá, giáo dục
Văn hoá, giáo dục được chú trọng nhằm bồi dưỡng sức mạnh tinh thần và trí tuệ của nhân dân để vừa kháng chiến, vừa kiến quốc.
Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ hai (1948) đã nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hoá phục vụ cuộc kháng chiến. Phong trào Bình dân học vụ được tiếp tục đẩy mạnh. Đến tháng 6 – 1950, khoảng 10 triệu người đã được xoá nạn mù chữ.
Cũng trong năm 1950, cuộc Cải cách giáo dục phổ thông lần thứ nhất được triển khai với mục tiêu đưa giáo dục phục vụ tích cực kháng chiến, xây dựng nền giáo dục dân tộc, dân chủ.
Trình bày những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận văn hoá, giáo dục trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 – 1950).
d) Quân sự
• Cuộc chiến đấu ở các đô thị phía Bắc vĩ tuyến 16 (1946 – 1947)
Mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, quân dân Hà Nội và các đô thị ở phía Bắc vĩ tuyến 16 đã chủ động tiến công quân Pháp, tổ chức các trận đánh làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch,...
Ở Hà Nội, các trận đánh ác liệt diễn ra ở khu vực Bắc Bộ Phủ, Bưu điện Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, phố Khâm Thiên,... Ở thành phố Nam Định, thực dân Pháp bị vây hãm cho tới tháng 3 – 1947. Quân dân thành phố Vinh đã buộc địch phải đầu hàng....
Cuộc chiến đấu đã giam chân quân địch ở Hà Nội và các thành phố, thị xã phía Bắc vĩ tuyến 16. Sau gần ba tháng chiến đấu quyết liệt, lực lượng quân chủ lực của ta đã rút lui an toàn ra vùng hậu phương để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kì.
Hình 14.4. Chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng đánh xe tăng Pháp ở Hà Nội
• Chiến dịch Việt Bắc thu – đông 1947 (từ tháng 10 đến tháng 12 – 1947)
Đầu năm 1947, thực dân Pháp âm mưu tiến công Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và quân chủ lực của Việt Nam, khoá chặt biên giới Việt – Trung, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Tháng 10 – 1947, thực dân Pháp đã huy động khoảng 12 000 quân và hầu hết máy bay ở Đông Dương tiến công lên Việt Bắc.
Hình 14.5. Bác Hồ cùng các chiến sĩ tại căn cứ địa Việt Bắc
Trước tình hình đó, Đảng chỉ thị: “Phải phá tan cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”.
(Trang 71)
Ở hướng đông, quân ta phục kích, chặn đánh địch trên Đường số 4, giành thắng lợi lớn tại Bản Sao – đèo Bông Lau. Ở hướng tây, quân ta phục kích chặn đánh nhiều trận trên sông Lô, giành thắng lợi quan trọng ở Đoan Hùng, Khe Lau,...
Sau hơn hai tháng, đại bộ phận quân Pháp phải rút chạy khỏi Việt Bắc, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến được bảo vệ an toàn. Đây là chiến dịch phản công lớn đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Pháp, giúp bộ đội chủ lực trưởng thành và thu được nhiều vũ khí. Chiến thắng Việt Bắc cũng làm thất bại hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp.
Hình 14.6. Lược đồ chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947
• Chiến dịch Biên giới thu – đông 1950 (từ tháng 9 đến tháng 10-1950)
Bước sang những năm 1949 – 1950, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi. Những thành tựu trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, sự ra đời của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã góp phần mở rộng ảnh hưởng và lực lượng của chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, tạo chỗ dựa vững chắc cho phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc. Trong khi đó, Mỹ từng bước can thiệp sâu hơn vào tình hình Đông Dương.
Với viện trợ của Mỹ, thực dân Pháp thực hiện Kế hoạch Rơ-ve. Pháp cho tăng cường hệ thống phòng thủ trên Đường số 4, lập hành lang Đông – Tây: Hải Phòng – Hoà Bình – Sơn La và chuẩn bị tiến công Việt Bắc lần thứ hai.
Để đối phó với âm mưu của thực dân Pháp, tháng 6 – 1950, Đảng và Chính phủ đã quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc, mở đường liên lạc quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời tạo những thuận lợi mới thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến lên.
Vào giữa tháng 9, trận tiến công mở đầu chiến dịch của quân ta vào Đông Khê giành thắng lợi. Sau gần một tháng, quân Pháp bị buộc phải rút khỏi các cứ điểm trên Đường số 4 như: Cao Bằng, Thất Khê, Na Sầm, Lạng Sơn,...
(Trang 72)
Đây là chiến dịch chủ động tiến công lớn đầu tiên của bộ đội chủ lực Việt Nam, giải phóng được vùng biên giới rộng lớn và mở đường liên lạc quốc tế, bảo vệ được căn cứ địa Việt Bắc, chọc thủng hành lang Đông – Tây, làm phá sản Kế hoạch Rơ-ve của Pháp. Từ đây, quân đội Việt Nam đã giành được thế chủ động trên chiến trường chính Bắc Bộ, mở ra bước phát triển mới của cuộc kháng chiến.
Hình 14.7. Lược đồ chiến dịch Biên giới thu – đông 1950
1. Trình bày những thắng lợi tiêu biểu trên mặt trận quân sự trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp xâm lược (1946 – 1950).
2. Vì sao Chiến thắng Biên giới năm 1950 được coi là bước ngoặt của cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp xâm lược?
Luyện tập – Vận dụng
1. Hãy chứng minh câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (12 – 1946): “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”.
2. Hoàn thành bảng (theo gợi ý dưới đây vào vở) về các thắng lợi hoặc thành tựu tiêu biểu trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 – 1950).
Lĩnh vực | Thắng lợi/thành tựu tiêu biểu |
Chính trị, ngoại giao | ? |
Kinh tế | ? |
Văn hóa | ? |
Quân sự | ? |
Theo em, nội dung nào trong đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược có thể vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay? Vì sao?