Học xong bài này, em sẽ:
• Biết máy tính dùng dãy bit biểu diễn các số trong tính toán.
• Biết được trong máy tính có những loại dữ liệu gì.
• Nêu được các bước cơ bản trong xử lí thông tin của máy tính.
• Biết quy đổi được gần đúng các đơn vị đo lượng dữ liệu.
1. Biểu diễn số để tính toán trong máy tính
Hoạt động
Trong hệ thập phân cũng là chữ số "1" nhưng giá trị của nó khi ở hàng trăm gấp mười lần giá trị của nó ở hàng chục. Tức là nếu chữ số "1" dịch sang trái một vị trí thì nó biểu diễn giá trị mới gấp mười lần so với khi ở vị trí cũ (khi chưa dịch sang trái một vị trí). Bạn Minh Khuê nhận xét: Quy luật này chỉ đúng với chữ số "1". Em có đồng ý với bạn Minh Khuê không? |
Kết quả đo đếm sự vật trong thế giới quanh ta là thông tin định lượng. Thông tin định lượng được biểu diễn bằng các con số. Con người dùng 10 kí hiệu khác nhau "0", "1", "2", "3", "4", "5", "6", "7", "8", "9" mà ta quen gọi là các "chữ số" để biểu diễn các số. Ta học đếm và tính toán số học theo các quy tắc của hệ thập phân.
Ban đầu con người sáng tạo ra máy tính chính là để tính toán cho nhanh. Máy tính làm việc bằng dòng điện nên dễ thể hiện hai trạng thái dòng điện khác nhau. Do vậy, các nhà tin học đã tìm cách chỉ dùng hai kí hiệu "0" và "1" (tương ứng với hai trạng thái dòng điện) để biểu diễn số trong máy tính. Cách làm cũng tương tự như trong hệ thập phân, chỉ khác là nếu chữ số "1" dịch sang trái một vị trí thì nó biểu diễn giá trị gấp hai lần so với khi ở vị trí cũ, chứ không phải gấp mười lần như trong hệ thập phân.
Biểu diễn số 183 trong hệ thập phân Do quy ước của hệ thập phân, số 183 có giá trị là một trăm cộng tám chục cộng ba đơn vị: 183 = 1 × 100 + 8 × 100 + 3 × 1 | Biểu diễn số 6 chỉ với hai kí hiệu "0" và "1" Quy ước dịch sang trái một vị trí thì giá trị gấp hai lần so với khi ở vị trí cũ: 110 → 1 × 4 + 1 × 2 + 0 × 1 = 6 |
Số tạo thành từ cách biểu diễn chỉ dùng hai kí hiệu “0” và “1” như vậy được gọi là Số nhị phân.
Máy tính dùng dãy bit để biểu diễn các số trong tính toán.
2. Dữ liệu và các bước xử lí thông tin trong máy tính
Trong máy tính có dữ liệu văn bản, dữ liệu âm thanh, dữ liệu hình ảnh. Số nhị phân là một loại dữ liệu khác trong máy tính. Số nhị phân biểu diễn thông tin số lượng và được dùng trong tính toán số học.
Mọi dữ liệu trong máy tính đều là dãy bit (bit kí liệu là “b"). Với máy tính, thông tin và dữ liệu số là một, đều chỉ là các dãy bit.
Chu trình xử lí thông tin của máy tính bao gồm các bước:
1) Xử lí đầu vào: đầu vào được chuyển thành dữ liệu mà máy tính “hiểu được", tức là dữ liệu số.
2) Xử lí dữ liệu: các phần mềm ứng dụng xử lí dữ liệu phục vụ mục đích của người dùng máy tính. Vì mọi dữ liệu đều là dãy bit nên mọi thao tác xử lí thông tin trong máy tính đều là thao tác với các bit.
3) Xử lí đầu ra: từ dãy bit xuất ra thông tin dưới dạng con người hiểu được hoặc ghi lưu dữ liệu vào thiết bị lưu trữ hay gửi lên mạng.
3. Dung lượng lưu trữ dữ liệu của một số thiết bị thường gặp
Vì bit quá nhỏ nên người ta dùng byte (đọc là “bai”) làm đơn vị đo lượng dữ liệu, kí hiệu là B.
Byte: một dãy 8 bit liền nhau.
Số byte trong một tệp dữ liệu thường khá lớn nên các bội số của byte hay được dùng hơn.
Các bội số của byte dùng để đo lượng dữ liệu được tạo ra bằng cách nhân thêm 210 (bằng 1024) lần. Để dễ hình dung có thể xấp xỉ là nhân với 1000 lần. Ta có:
Viết là | Đọc là | Xấp xỉ |
KB (Kilobyte) | Ki-lô-bai | Một nghìn byte |
MB (Megabyte) | Mê-ga-bai | Một triệu byte |
GB (Gigabyte) | Gi-ga-bai | Một tỉ byte |
TB (Terabyte) | Tê-ra-bai | Một nghìn tỉ byte |
Bảng 1. Các bội số của byte
Thẻ nhớ được dùng phổ biến cho điện thoại thông minh, máy ảnh số. Dung lượng lưu trữ của thẻ nhớ rất đa dạng. Ta thường thấy thẻ nhớ có dung lượng từ 1 GB đến 8 GB, 16 GB, 32 GB, 64 GB, 128 GB.
Dung lượng lưu trữ: khả năng lưu trữ của các thiết bị nhớ.
USB được dùng rất phổ biến để lưu trữ, trao đổi thông tin nhờ các loại máy tính đều có sẵn cổng cắm. Dung lượng lưu trữ USB tương đương như thẻ nhớ, hoặc lớn hơn đến 256 GB, 512 GB. Thậm chí còn có các USB có dung lượng đến 1 TB, 2 TB.
Đĩa CD thường có dung lượng 700 MB. Đĩa DVD có thể lưu trữ từ 5 GB đến 17 GB tùy thuộc từng loại.
Điện thoại thông minh có thẻ nhớ trong 16 GB, 32 GB, 64 GB,...
Máy tính có ổ đĩa cứng với dung lượng vài trăm GB đến vài TB.
Luyện tập
Trong các câu sau đây, câu nào đúng, câu nào sai? Giải thích tại sao?
1) Một MB xấp xỉ một nghìn byte.
2) Một TB xấp xỉ một triệu KB.
3) Một GB xấp xỉ một tỉ byte.
4) Một KB xấp xỉ một nghìn GB.
Vận dụng
USB, thẻ nhớ dùng phổ biến cho máy tính, điện thoại thông minh, máy ảnh số có nhiều mức dung lượng 8 GB, 16 GB, 32 GB, 64 GB, 128 GB,... Em nên chọn dung lượng bao nhiêu là thích hợp cho mỗi trường hợp sau?
1) Chủ yếu dùng để chứa tài liệu văn bản.
2) Chủ yếu dùng để chứa các tệp hình ảnh du lịch, tham quan.
3) Chủ yếu dùng để chứa các tệp bài hát.
Câu hỏi tự kiểm tra
Câu 1. Số đếm biểu diễn bằng dãy bit 111 có bằng với số 111 ở hệ thập phân không? Vì sao?
Câu 2. Có bạn nói:" Trong máy tính điện tử, các số được biểu diễn như trong hệ thập phân chúng ta quen dùng, vì người ta vẫn nhập các số thập phân vào máy tính để tính toán". Em có đồng ý với ý kiến đó không? Vì sao?
TÓM TẮT BÀI HỌC* Mọi dữ liệu trong máy tính đều là dãy bit. * Xử lí thông tin của máy tính gồm các bước: xử lí đầu vào; xử lí dữ liệu; xử lí đầu ra. * Đơn vị đo lượng dữ liệu lớn là các bội số của byte: KB, MB, GB, TB. |