ĐỌC
Trao đổi với bạn những điều em biết về cuộc sống, công việc của người dân miền biển.
ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ
(Trích)
Mặt trời xuống biển như hòn lửa
Sóng đã cài then, đêm sập cửa
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi
Câu hát căng buồm cùng gió khơi.
Hát rằng: cá bạc Biển Đông lặng,
Cá thu Biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng
Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao
Biển cho ta cá như lòng mẹ
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.
Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng.
Câu hát căng buồm với gió khơi
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.
(Huy Cận)
Từ ngữ
- Thoi: bộ phận của khung cửi hoặc máy dệt để luồn sợi khi dệt vải.
- Gõ thuyền (động tác của người đánh cá): gõ mạnh vào mạn thuyền, tạo nên tiếng động để lùa cá bơi về một hướng.
1. Ở khổ thơ thứ nhất, đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong khung cảnh thiên nhiên như thế nào? Cách miêu tả của nhà thơ có gì đặc biệt?
Mặt trời
Sóng
🌸
2. Tìm trong bài thơ những chi tiết thể hiện tình cảm, cảm xúc của những người đánh cá trên biển:
Niềm vui trong lao động
Tình yêu và lòng biết ơn đối với biển cả
3. Những hình ảnh ở khổ thơ cuối có ý nghĩa gì?
4. Bài thơ giúp em cảm nhận được những vẻ đẹp nào của cuộc sống?
* Học thuộc lòng bài thơ.
LUYỆN TỪ VÀ CÂU
LUYỆN TẬP VỀ CÂU GHÉP
1. Tìm câu ghép trong các đoạn văn dưới đây và cho biết các vế của mỗi câu ghép được nối với nhau bằng cách nào.
a. (1) Làng Tày, làng Dao ven suối và trong rừng, nhưng làng người Mông ở chơ vơ đỉnh núi, giữa cỏ tranh mênh mông. (2) Vách và mái nhà đều ghép bằng những miếng gỗ pơ-mu, nhà nhà ám khói sạm đen tưởng như làng xóm liền với trời xanh. (3) Xung quanh nhà nào cũng sum sê những đào, những lê. (4) Giữa mùa đông, hoa lê trắng ngần. (5) Vào đầu xuân, hoa đào nở hồng cả trời.
(Tô Hoài)
b. (1) Gió bấc thổi ào ào qua khu rừng vắng. (2) Những cành cây khẳng khiu chốc chốc run lên bần bật. (3) Mưa phùn lất phất... (4) Bên gốc đa, một chú thỏ bước ra, tay cầm một tấm vải dệt bằng rong. (5) Thỏ tìm cách quấn tấm vải lên người cho đỡ rét, nhưng tấm vải bị gió lật tung, bay đi vun vút. (6) Thỏ đuổi theo. (7) Tấm vải tròng trành trên ao. (8) Thỏ vừa đặt chân xuống nước đã vội co chân lên. (9) Thỏ cố khều nhưng đưa chân không tới.
(Võ Quảng)
2. Tìm cặp kết từ hoặc cặp từ hô ứng thay cho bông hoa để tạo câu ghép.
a. 🌸 em có một khu vườn rộng 🌸 em sẽ trồng thật nhiều loại cây.
b. 🌸 thành phố này không sầm uất, hiện đại 🌸 nó rất hấp dẫn du khách.
c. Mọi người 🌸 đối xử tốt với nhau thì cuộc sống 🌸 tốt đẹp hơn.
3. Viết đoạn văn (3 – 5 câu) về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, trong đó có câu ghép chứa kết từ để nối các vế câu.
VIẾT
ĐÁNH GIÁ, CHỈNH SỬA BÀI VĂN TẢ NGƯỜI
1. Nghe thầy cô giáo nhận xét về bài làm.
2. Đọc lại bài văn của em để biết bài đã đạt được những yêu cầu nào dưới đây:
? | - Có đủ mở bài, thân bài, kết bài. |
- Miêu tả ngoại hình, hoạt động,... làm nổi bật đặc điểm riêng của người được tả. | |
- Thể hiện tình cảm đối với người được tả. | |
- Trình bày bài sạch đẹp, không mắc lỗi chính tả, lỗi diễn đạt. |
3. Viết lại một số câu văn hoặc đoạn văn trong bài làm của em cho hay hơn theo gợi ý dưới đây:
a. Sử dụng từ ngữ giàu sức gợi tả hoặc hình ảnh so sánh gây ấn tượng.
Giọng nói của bà tôi đặc biệt trầm bổng, nghe như tiếng chuông đồng. Nó khắc sâu vào trí nhớ tôi dễ dàng, và như đoá hoa, cũng dịu dàng, rực rỡ, đầy nhựa sống.
(Theo Mác-xim Go-rơ-ki)
A Cháng đẹp người thật. Mười tám tuổi, ngực nở vòng cung, da đỏ như lim, bắp tay bắp chân rắn như trắc, gụ. Vóc cao, vai rộng, người đứng thẳng như cái cột đá trời trồng.
(Theo Ma Văn Kháng)
b. Bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc với người được tả.
Trong suốt cuộc đời, chắc hẳn tôi sẽ không bao giờ quên đôi mắt của cô giáo nhìn tôi lúc ấy. Ánh mắt cô cũng âu yếm, trìu mến như ánh mắt bà nhìn tôi.
(Theo Lê Khắc Hoan)
Đọc bài văn tả người của em cho người thân nghe, chia sẻ những điều thầy cô nhận xét về bài làm của em và các bạn.