SGKVN

Lịch Sử 11 - Bài 14: Nhật Bản Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) | Giáo Dục Việt Nam

Bài 14: Nhật Bản Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) - Lịch Sử 11. Xem chi tiết nội dung bài Bài 14: Nhật Bản Giữa Hai Cuộc Chiến Tranh Thế Giới (1918 - 1939) và tải xuống miễn phí trọn bộ file PDF Sách Lịch Sử 11 | Giáo Dục Việt Nam

Nhật Bản là nước duy nhất ở châu Á được xếp vào hàng ngũ các cường quốc tư bản. Trải qua những năm ổn định ngắn ngủi sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Nhật Bản lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế (1929 - 1933). Để tìm lối thoát ra khỏi khủng hoảng, giới cầm quyền Nhật Bản tiến hành quân phiệt hoá bộ máy nhà nước, biến Nhật Bản thành một lò lửa chiến tranh ở châu Á và trên thế giới.

I - NHẬT BẢN TRONG NHỮNG NĂM 1918 - 1929

1. Nhật Bản trong những năm đầu sau chiến tranh (1918  - 1923)

Nhật Bản là nước thứ hai sau Mĩ thu được nhiều lợi trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Lợi dụng sự suy giảm khả năng kinh tế của các nước tư bản châu  u trong chiến tranh, Nhật Bản đã tăng cường sản xuất hàng hoá và xuất khẩu. Nhờ những đơn đặt hàng quân sự, sản xuất công nghiệp của Nhật Bản tăng trưởng rất nhanh.

Chỉ trong vòng 6 năm (1914 - 1919), nền kinh tế Nhật Bản phát triển vượt bậc : sản lượng công nghiệp tăng 5 lần, tổng giá trị xuất khẩu tăng gấp 4 lần, dự trữ vàng và ngoại tệ tăng gấp 6 lần; nhưng sau đó lại lâm vào khủng hoảng.

Về nông nghiệp, những tàn dư phong kiến còn tồn tại nặng nề ở nông thôn đã kìm hãm sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Giá lương thực, thực phẩm, nhất là giá gạo, vô cùng đắt đỏ. Đời sống người lao động không được cải thiện.

Phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân bùng lên mạnh mẽ trong những năm sau chiến tranh. Mùa thu năm 1918, quần chúng nhân dân nổi dậy đánh phá các kho thóc, mở đầu cuộc “Bạo động lúa gạo” lan rộng khắp cả nước, lôi cuốn 10 triệu người tham gia. Đồng thời, những cuộc bãi công của công nhân cũng lan rộng ở các trung tâm công nghiệp lớn như Cô-bê, Na-gôi-a, Ô-xa-ca... Chỉ riêng năm 1919 đã có 2 388 cuộc bãi công của công nhân. Trên cơ sở sự phát triển của phong trào công nhân, tháng 7 - 1922 Đảng Cộng sản Nhật Bản được thành lập.

Tình hình Nhật Bản trong những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ nhất có những điểm gì đáng chú ý ?

2. Nhật Bản trong những năm ổn định (1924 - 1929)

Khác với các nước tư bản Tây Âu và Mĩ, sự ổn định của Nhật Bản chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Năm 1926, sản lượng công nghiệp mới phục hồi trở lại và vượt mức trước chiến tranh. Nhưng chưa đầy một năm sau, mùa xuân năm 1927, cuộc khủng hoảng tài chính lại bùng nổ ở Thủ đô Tô-ki-ô làm 30 ngân hàng phá sản. Nền công nghiệp chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Nhật Bản ngày càng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với Mĩ và các nước Tây Âu.

Từ một nước có sức sản xuất và mức xuất khẩu tăng rất nhanh trong chiến tranh, bước vào thập niên 20, Nhật Bản phải nhập khẩu quá mức do khan hiếm nguyên liệu và nhiên liệu. Sản xuất trong nước bị suy giảm, phần lớn các xí nghiệp công nghiệp chỉ sử dụng từ 20% đến 25% công suất. Số người thất nghiệp tăng nhanh, nông dân bị bần cùng hoá, sức mua của người dân suy giảm làm cho thị trường trong nước ngày càng thu hẹp.

Về chính trị, trong những năm đầu thập niên 20 của thế kỉ XX, Chính phủ Nhật Bản đã thi hành một số cải cách chính trị (như ban hành luật bầu cử phổ thông cho nam giới, cắt giảm ngân sách quốc phòng...) và giảm bớt căng thẳng trong quan hệ với các cường quốc khác. Đến cuối thập niên 20, Chính phủ của tướng Ta-na-ca - một phần tử quân phiệt - đã thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại hiếu chiến.

Chính phủ Ta-na-ca chủ trương dùng vũ lực để bành trướng ra bên ngoài nhằm giải quyết khó khăn trong nước. Cùng với việc quân sự hoá đất nước, năm 1927 Ta-na-ca vạch kế hoạch chiến tranh toàn cầu dưới hình thức một bản Tấu thỉnh đệ trình lên Thiên hoàng. Chính phủ Ta-na-ca đã 2 lần đưa quân xâm lược Sơn Đông (Trung Quốc), nhưng đều bị thất bại.

Tình hình Nhật Bản trong những năm 1918 - 1929 có những điểm gì nổi bật ?

II - KHỦNG HOẢNG KINH TẾ (1929 - 1933) VÀ QUÁ TRÌNH QUÂN PHIỆT HOÁ BỘ MÁY NHÀ NƯỚC Ở NHẬT BẢN

1. Khủng hoảng kinh tế ở Nhật Bản

Năm 1929, sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Mĩ dẫn đến cuộc đại suy thoái của chủ nghĩa tư bản nói chung, đã làm cho nền kinh tế Nhật Bản giảm sút trầm trọng. Sản xuất công nghiệp đình đốn. Khủng hoảng xảy ra nghiêm trọng nhất là trong nông nghiệp, do sự lệ thuộc vào thị trường bên ngoài của ngành này.

So với năm 1929, sản lượng công nghiệp năm 1931 giảm 32,5%, nông phẩm giảm 1,7 tỉ yên, ngoại thương giảm 80%. Đồng yên sụt giá nghiêm trọng.

Khủng hoảng đạt đến đỉnh điểm vào năm 1931, gây nên những hậu quả xã hội tai hại : nông dân bị phá sản, mất mùa và đói kém, số công nhân thất nghiệp lên tới 3 triệu người. Mâu thuẫn xã hội và cuộc đấu tranh của những người lao động diễn ra quyết liệt.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 đã tác động đến nước Nhật như thế nào ?

2. Quá trình quân phiệt hoá bộ máy nhà nước

Nhằm khắc phục những hậu quả của cuộc khủng hoảng và giải quyết khó khăn do thiếu nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ hàng hoá, giới cầm quyền Nhật Bản chủ trương quân phiệt hoá bộ máy nhà nước, gây chiến tranh xâm lược, bành trướng ra bên ngoài.

Khác với Đức, quá trình phát xít hoá diễn ra thông qua sự chuyển đổi từ chế độ dân chủ tư sản đại nghị sang chế độ chuyên chế độc tài phát xít, ở Nhật Bản, do đã có sẵn chế độ chuyên chế Thiên hoàng, quá trình này diễn ra thông qua việc quân phiệt hoá bộ máy nhà nước và tiến hành chiến tranh xâm lược thuộc địa. Do có những bất đồng trong nội bộ giới cầm quyền Nhật Bản về cách thức tiến hành chiến tranh xâm lược, quá trình quân phiệt hoá kéo dài trong suốt thập niên 30. Từ năm 1937, cuộc đấu tranh trong nội bộ đã chấm dứt, giới cầm quyền Nhật Bản tập trung vào việc quân phiệt hoá bộ máy nhà nước.

Cùng với việc quân phiệt hoá bộ máy nhà nước, tăng cường chạy đua vũ trang, giới cầm quyền Nhật Bản đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc rộng lớn, nơi tập trung 82% tổng số vốn đầu tư nước ngoài của Nhật Bản, luôn luôn là đối tượng mà nước Nhật muốn độc chiếm từ lâu. Tháng 9 - 1931, Nhật Bản đánh chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc và biến toàn bộ vùng đất giàu có này thành thuộc địa.

Năm 1933, Nhật Bản dựng lên chính phủ bù nhìn, đưa Phổ Nghi - vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc - lên đứng đầu cái gọi là “Mãn Châu quốc”. Miền Đông Bắc Trung Quốc trở thành bàn đạp của những cuộc phiêu lưu quân sự mới của quân đội Nhật Bản. Nước Nhật trở thành một lò lửa chiến tranh ở châu Á và trên thế giới.

Hình 38. Quân đội Nhật chiếm Mãn Châu (9 -1931)

Vì sao Nhật Bản đánh chiếm Trung Quốc ?

3. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt của nhân dân Nhật Bản

Trong những năm 30 của thế kỉ XX, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt của nhân dân Nhật Bản, mà hạt nhân lãnh đạo là Đảng Cộng sản, diễn ra sôi nổi, dưới nhiều hình thức. Từ những cuộc biểu tình phản đối chính sách xâm lược của giới cầm quyền đã dẫn đến phong trào thành lập Mặt trận Nhân dân, tập hợp đông đảo các tầng lớp xã hội. Cuộc đấu tranh của nhân dân Nhật Bản đã góp phần làm chậm quá trình quân phiệt hoá bộ máy nhà nước ở nước này.

Phong trào lan rộng, lôi cuốn đông đảo binh lính và sĩ quan Nhật tham gia. Chỉ trong năm 1939, đã diễn ra trên 40 cuộc đấu tranh chống chiến tranh của binh sĩ trong quân đội Nhật Bản.

Sự phát triển của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa quân phiệt của nhân dân Nhật Bản thể hiện ở những điểm nào ?

Câu hỏi và bài tập

1. Nêu ngắn gọn các giai đoạn phát triển chính của nước Nhật trong những năm 1918 - 1939.

2. Quá trình quân phiệt hoá ở Nhật Bản diễn ra như thế nào ?

Xem và tải xuống trọn bộ sách giáo khoa Lịch Sử 11

Tổng số đánh giá:

Xếp hạng: / 5 sao

Sách giáo khoa liên quan

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

Địa Lý 11

Địa lý 11 - NXB Giáo dục

Địa Lý 11 Nâng Cao

Địa lý 11 Nâng cao - NXB Giáo dục

Sinh Học 11

Sinh học 11 - NXB Giáo dục

Giải bài tập Toán 11 Tập 1

Giải bài tập Toán lớp 11 - Tập 1

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Vật lý 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Sinh học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Giải bài tập Hóa học 11

Gợi ý cho bạn

cong-nghe-11-699

Công Nghệ 11

Công nghệ 11 - NXB Giáo Dục

toan-6-tap-1-130

Toán 6 - Tập 1

Sách Cánh Diều Lớp 6

vo-bai-tap-tieng-viet-2-tap-mot-1012

Vở bài tập TIẾNG VIỆT 2 - Tập Một

Sách Lớp 2 Chân Trời Sáng Tạo

vo-bai-tap-hoat-dong-trai-nghiem-1-27

Vở bài tập HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM 1

Sách Lớp 1 Chân Trời Sáng Tạo

dia-li-8-538

Địa Lí 8

Sách Lớp 8 NXB Giáo Dục Việt Nam

Nhà xuất bản

canh-dieu-1

Cánh Diều

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Cánh Diều

chan-troi-sang-tao-2

Chân Trời Sáng Tạo

Bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Chân Trời Sáng Tạo

ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-3

Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

Sách giáo khoa của nhà xuất bản Kết Nối Tri Thức Với Cuộc Sống

giao-duc-viet-nam-5

Giáo Dục Việt Nam

Bộ Sách Giáo Khoa của Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam

sach-bai-giai-6

Sách Bài Giải

Bài giải cho các sách giáo khoa, sách bài tập

sach-bai-tap-7

Sách Bài Tập

Sách bài tập tất cả các khối lớp

tai-lieu-hoc-tap-9

Tài liệu học tập

Đây là tài liệu tham khảo hỗ trợ trong quá trình học tập

global-success-bo-giao-duc-dao-tao-11

Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo

Bộ sách Global Success & Bộ Giáo Dục - Đào Tạo là sự kết hợp giữa ngôn ngữ Tiếng Anh theo lối giảng dạy truyền thống và cập nhật những phương thức quốc tế

nxb-dai-hoc-su-pham-tphcm-12

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

NXB - Đại Học Sư Phạm TPHCM

Chủ đề

Liên Kết Chia Sẽ

ok365 ** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.